Học sinh cần được trang bị kiến thức tài chính

(TBKTSG) – Vẫn có nhiều sinh viên chuẩn bị lên máy bay đi du học nước ngoài mà chưa biết sử dụng chiếc thẻ nhựa thanh toán qua ngân hàng, chưa phân biệt xài thẻ tín dụng khác với thẻ ghi nợ ra sao...

Ở các chợ, vẫn có những tiểu thương phải tuyên bố vỡ nợ do mua bán mà không tính toán rạch ròi, ghi chép chi tiết những giao dịch phức tạp hoặc chi tiêu hàng ngày lạm vào vốn kinh doanh rồi không biết tiền đi đâu… Có những người bất ngờ được khoản tiền lớn, như trúng số hay thừa kế, cũng lại lúng túng không biết phải làm sao, cứ mạnh tay vung vãi là… dễ nhất!

Sống trong thời đại ngày nay, việc sử dụng đồng tiền cần được xem là một kỹ năng sống, và kỹ năng này cần được rèn luyện cho học sinh tại trường hay cho con cái ở nhà. Nếu định nghĩa kỹ năng sống là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi cá nhân cần thủ đắc để giải quyết hiệu quả các nhu cầu và thách thức của cuộc sống, mà lại để cho các bạn trẻ không biết giao dịch với ngân hàng, không biết sử dụng các dịch vụ tài chính, thì quả là thiếu sót lớn của nhà trường và gia đình. Tôi cũng có tìm hiểu các chương trình, bài học rèn kỹ năng sống cho học sinh. Ngoài một số chủ đề giúp học sinh biết ứng xử giữa người với người, biết tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại thân thể chẳng hạn, vẫn còn những điều thiết thân khác cho cuộc sống đã bị bỏ qua, như cách quản lý và sử dụng đồng tiền.

Theo tôi, để giúp học sinh biết cách quản lý và sử dụng đồng tiền, tùy từng cấp học, các em cần làm quen với hoạt động ngân hàng như mở tài khoản, mở sổ tiết kiệm… Ngược lại, cũng lạ là nhiều ngân hàng đã quên bẵng đối tượng khách hàng tương lai này của họ.

Hãy đưa học sinh đến ngân hàng, tập cho các em làm các thủ tục mở tài khoản, gửi tiền vào tài khoản, chuyển khoản…; giải thích cho các em biết lợi ích của việc chuyển – nhận tiền qua ngân hàng; giúp các em phân biệt ngân hàng với các tổ chức tài chính khác, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển tiền ngoài ngân hàng…

Trong thực tế, không ít người bị rơi vào những cạm bẫy của tín dụng đen, cho vay nặng lãi, hoặc bị thua thiệt trong những hợp đồng mua bán trả góp… là vì thiếu được trang bị kiến thức cơ bản về tài chính. Mặt khác, hiện các hình thức thanh toán trực tuyến, giao dịch ngân hàng điện tử ngày càng phổ biến, học sinh càng nên được hướng dẫn để hiểu những tiện ích này, tránh các rủi ro trong giao dịch như lộ thông tin thẻ, lộ thông tin cá nhân, bị tin tặc đánh cắp tài khoản…

Nói chuẩn bị cho học sinh sống và làm việc trong một đất nước có nền kinh tế phát triển mà học sinh không hiểu những thao tác “ghi có, ghi nợ” thì không biết đợi đến khi nào?!

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG 22/1/19

Hits: 80