Trước kia, khi internet chưa phát triển và dân ta chưa biết gì về thị trường kỳ hạn (TTKH) cà phê Liffe và New York, các nhà xuất khẩu mua hàng giá thấp và bán ra giá cao có lời, các yêu cầu về chất lượng bấy giờ cũng chẳng có gì ghê gớm, chỉ chủ yếu bán nguyên liệu. Chính vì vậy, họ không quan tâm mấy vào đầu tư nhà máy. Và cuộc đời như thế hết sức yên ả vì chẳng ai quan tâm đến TTKH, mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, miễn là có lời và hầu hết thời bấy giờ kinh doanh cà phê đều có lời cho đến khi công nghệ thông tin bùng nổ, xuất nhập khẩu hội nhập sâu, giá trong nước phải tham khảo giá thế giới.
Các nhà nhập khẩu đề nghị ta áp dụng kiểu mua bán theo phương thức tính giá chênh lệch trên Liffe (hay thường gọi là differentials hay ptbf/price to be fixed hay trừ lùi), tôi từ đây xin gọi “giá chênh lệch với Liffe” hay gọi tắt “GCL”) cho tiện.
Thế là tại Việt Nam giá cà phê trên TTKH Liffe được đưa vào cho đến tận hang cùng ngõ hẹp. Khi kinh doanh theo GCL, lẽ ra ta phải sử dụng TTKH như một công cụ để kinh doanh đi kèm một cách rất cần thiết với thị trường hàng thực, thì ta thường tách bạch nó ra.
Một tác nghiệp được gọi là chuẩn khi một người mua hàng thực trên thị trường nội địa và bán đúng “hàng giấy”, đúng số lượng tương ứng đã mua hàng, thí dụ khi anh mua 20 tấn hàng thực, anh phải bán hàng giấy 20 tấn tức 2 lô trên Liffe.
Hành động này được gọi là “hedging” hay mua/bán để bảo vệ.
Tôi xin đưa ra một thí dụ cho dễ hiểu: hôm nay, giá tháng 11 Liffe đóng cửa ở mức 2.345 đô la/tấn. Anh A mua 20 tấn cà phê lọai 2, 5% đen vỡ mức 50.000 đống/kg hay tương đương 2.435 đô la/tấn. Ngay chiều hôm nay, khi Liffe mở cửa, A phải bán ngay trên Liffe, giả sử chiều nay anh bán được mức 2.350 đô la.
Tuần sau, A bán và giao hàng. Có 2 trường hợp xảy ra: Nếu giá hàng thực A bán lỗ (2.335 đô la chẳng hạn) trong khi giá Liffe cũng giảm, còn 2.250 chẳng hạn), A sẽ “thoát” hàng giấy với mức lời 100 đô la/tấn nhưng lỗ hàng thực -100 đô la.
Hai bên hàng giấy và hàng thực cân đối. Và ngược lại. Như vậy, theo lẽ thường, nếu anh lỗ hàng giấy thì phải lời hàng thực; nếu anh lời ở thị trường hàng thực thì hàng giấy sẽ bị lỗ. Hai bên cân đối làm sao để anh ta có một khoản lợi nhuận tối thiểu theo kế họach của anh ta.
Thường thường, trong các hãng kinh doanh cà phê, người ta rất khắc khe với chuyện “hedging”. Vì một lý do gì đó anh phụ trách kinh doanh không “hedge”, có công ty họ đuổi ngay ra khỏi vị trí hay ra khỏi công ty.
Song, người ta cũng rất khắc khe khi không mua hàng thực mà anh lại mua bán hàng giấy. Không hãng kinh doanh cà phê nào chấp nhận cho cán bộ của mình mua bán khống trên TTKH, ngoại trừ ông giám đốc đồng thời chính là ông chủ, vì tiền từ túi của ông ta.
Như vậy, chỉ có tác nghiệp trên và cũng chỉ tác nghiệp đó mới được gọi là “đầu tư”, còn tất cả các động tác khác đều được cho là đầu cơ.
Thí dụ:
– Do không mua được hàng thực, băng qua Liffe hàng giấy;
– Mua hay bán khống hàng giấy do nghĩ rằng giá sẽ tăng hay giảm trên Liffe để hy vọng kiếm lời;
– Mua hàng thực mà không bán hàng giấy trên TTKH và ngược lại bán hàng thực mà không mua hàng giấy.
Tuy nhiên, sợ cán bộ công ty mình bị hấp dẫn bởi TTKH, thường thường giám đốc cho mở một tài khỏan gọi là “tài khỏan đầu cơ” (speculative account) và cho phép cán bộ mình mua bán hàng giấy ở mức độ cực kỳ tối thiểu như từ 2-5 lô (lô 10 tấn) là tối đa nhưng phải báo cáo với ông chủ và phải đặt “chặn lỗ”, thí dụ như khi lỗ 20 đô la/tấn là phải thoát ngay, tức 200 đô la/lô.
Để đánh giá một công ty có tính đầu cơ hay không, người ta thường đánh giá công ty ấy lỗ tối đa 5% cho đầu cơ hàng giấy. Vì với 5% lỗ, thu nhập của công ty vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến người ăn lương.
Theo cách nói của anh Hùng, tôi tin chắc chắn rằng công ty của anh lời ở thị trường hàng thực vì “hàng giấy” lỗ.
Còn nếu như cả 2 thị trường hàng thực và hàng giấy đều lỗ, thì tôi chưa hiểu ra. Vì, theo cách kinh doanh bình thường như giải thích ở trên, chỉ có thể nói rằng lỗ là do hành động đầu cơ mà có.
Hits: 80