Những ngày mưa rả rích nguôi dần, Tết sắp ghé Huế.
Ảnh: Quang Đức |
Năm nào cũng như năm nào, mỗi độ Tết về, tôi thường phụ ngoại lau dọn bàn thờ, đánh bóng đến sáng loáng bộ lư hương và mấy cái chân nến bằng đồng đã đen xỉ sau mười hai tháng thờ phượng. Hạ ba bức thư pháp do chính tay ngoại viết, ông bắt tôi lau chùi đến không còn tí bụi. Ông bảo đấy là chữ Nho. Mỗi bức chỉ có một chữ viết với các nét ngoằn ngoèo bằng mực tàu. Bấy giờ nghe ông chỉ chữ này là chữ Chân, kia là Thiện…rồi… Mỹ.
Không hiểu thế nào mà ông quý chúng như bảo vật. Còn nhớ một lần ngoại nhắc “thế gian không có ba yếu tố ấy, thì lòng người không “Thành”, chẳng sống thương yêu hạnh phúc với nhau được”. Ông cầm tờ giấy và cây bút chì, vẽ ba vòng tròn giao thoa nhau, ở giữa là một khoảng trống lập ra bởi các vòng ấy. Chỉ vào chỗ tập hợp trống ấy và dạy: “Thành” nằm ở đây, do Chân-Thiện-Mỹ kết hợp mà có. Bấy giờ, tôi không hiểu gì mấy ý của ông, chỉ mong thanh lý nhanh công việc đặng phóc ra ngoài chơi với đám nhóc cùng lứa bên xóm.
Chiến tranh, súng đạn phá nát nhà. Ngoại và gia đình tôi vào Sài Gòn. Đi xa, không còn ba bức thư pháp mang theo, ông tiếc đứt ruột.
Đón xuân ở Sài Gòn nhộn nhịp hơn Huế. Cứ mỗi lần qua chợ Tết, phố ông Đồ như nhắc tôi lại điều gì đã bỏ quên đâu đó. Các bức thư pháp “hàng chợ” đã viết sẵn treo lủng lẳng trước dãy quầy, thấy vui vui nhưng lòng cứ như có nỗi niềm gì khó tả. Chữ nghĩa thời ngoại tôi còn, sao ông xem trọng đến thế!
Tôi cứ tưởng tượng nay một người còn giữ được văn hóa viết tay có khác chi anh họa sĩ cầm cọ. Cảm xúc và cảm giác cứ xuyên qua các ngón tay tuôn ra thành hình thành chữ. |
Dừng trước một sạp với một bạn dạy ngữ văn, anh ngượng ngùng nói khẽ như ngại ai nghe được: “Cả mấy chục năm nay, cứ chúi đầu vào máy chữ máy tính, tớ đánh mất thói quen cầm bút rồi ông à!”. Giật mình, văn hóa viết tay của tôi rụng đi khi nào chẳng để ý. Chỉ cần mười, hai mươi năm nay kể từ khi làm quen với viết lách bằng máy tính, tôi chẳng dám chắc rằng mình còn khả năng cầm lại được cây bút máy để viết ra một lá thư, dù là ngắn nhất.
Thoắt một cái, các quầy bưu thiếp đối diện Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn biến mất. Những lời chúc Tết, mừng xuân được vẽ và viết trên giấy một cách công phu và sáng tạo ngày nào đã không còn. Tiếc thì người đời cho là lạc hậu, mà nguôi đi thì như còn ấm ức một điều gì.
Nghĩ thời sinh viên, học sinh bọn tôi ở Huế trước ngày đất nước thống nhất hoạt động văn hóa học thuật rộn ràng không tưởng được. Nhớ hôm nào mưa còn lây bây khi xuân chưa kịp chớm, anh chàng thi sĩ Lữ Tùng Anh cò kè mấy tập thơ rao bán khắp các giảng đường. Anh tiếp thị bằng cách ngâm vài đoạn thơ chính anh sáng tác. Nhiều bạn tôi bây giờ vẫn nhắc:
“Óc tim cô đặc hồn thi sĩ,
Vắt tặng cho đời mấy giọt thơ…”
Khó ai viết được những câu thơ “chắc nịch” như thế nếu sử dụng máy tính để sáng tác.
Tôi cứ tưởng tượng nay một người còn giữ được văn hóa viết tay có khác chi anh họa sĩ cầm cọ. Cảm xúc và cảm giác cứ xuyên qua các ngón tay tuôn ra thành hình thành chữ. Bây giờ nhạc sĩ càng nhàn vì đã có các công cụ và chương trình phần mềm để lên ca khúc. Không dám bàn chuyện hay dở, những giai điệu mượt mà, ca từ đượm tình nhân thế của Văn Cao, Trịnh Công Sơn… ắt phải do họ ôm đàn và vẽ nốt nhạc bằng những ngòi bút mực gợi hứng thuở nào.
Không được xem những bản nháp viết tay của các nghệ sĩ, nhưng tôi tin trong các bài sáng tác của họ đều có dấu ấn riêng gắn với tâm hồn mình. Dòng nhạc, lời thơ, câu văn hay nét vẽ của người nghệ sĩ đẹp, phong phú và có hồn hay không, chắc người viết “thủ công” thể hiện cái riêng của mình tốt hơn làm với các phương tiện “công nghệ”.
Hãy thử viết một lá thư bằng máy tính xem! Các phím chữ máy tính đều như nhau, vô hồn vô cảm. Khi mình mang tâm lý giận dữ hay lúc êm ái dịu dàng, phím chữ máy tính đâu tạo nên được nét rung cảm như từ bàn tay con người.
Chỉ mới mấy chục năm, không ít người như tôi đã ngờ ngợ với văn hóa viết tay, chưa chừng có người đã quên phắt. Công cụ máy tính làm thay đổi quá nhanh cái thói quen viết trên giấy. Chỉ ngại trong vòng mươi năm nữa, con người đánh mất hết các dấu ấn tư duy, sáng tạo bằng nét bút đã có từ 5.000 năm.
Kỹ thuật số, công cụ nghe nhìn liệu có làm tiêu tan ngành sản xuất bút viết, dễ lắm!
Sinh viên thời nay giảm ghi chép nhiều. Công nghệ kỹ thuật số và công cụ nghe nhìn đã giúp họ nhanh chóng thu tóm tất cả những gì thầy trình bày trên giảng đường.
Tuy nhiên, cầm bút và ghi nhận chính là lúc người nhận thông tin vận động các bộ phận trên não, sàng lọc, chế biến để làm “thức ăn” riêng cho mình. Có lẽ trí sáng tạo từ đó mà ra chăng?
Xuân mới lại về, đã gửi biết bao thiệp chúc Tết điện tử mọi người. Biết họ nhận, rồi họ lại xóa. Bây giờ mới chợt thấy ra rằng thiếu cây bút với thiệp mừng để viết lên lời riêng của mình cho bạn bè… Ăn Tết dù đầy đủ thật nhưng ít nhiều vẫn thấy mình vô duyên.
NGUYỄN QUANG BÌNH, đăng trên giai phẩm Xuân Canh Tý, TBKTSG 2020
Hits: 190