Chỉ cần dạo quanh bất kỳ một xóm phố nào ở nội thành hay ngoại thành TPHCM, nếu ai đó nếu muốn có con số thống kê các điểm bán cà phê hiện nay chắc đếm không xuể.
Thị trường cà phê có đủ mặt anh hào các thương hiệu cà phê trong và ngoài nước. Trong số đó có Trung nguyên, Highlands, Phúc Long, Starbucks, The Coffee Bean and Tea Leaf, Gloria Jean Coffee, Milano và một số tên tuổi khác.
Tuy nhiên, thị trường còn vô số điểm bán khác mọc như nấm sau mưa với đủ loại tên và không tên…nào là cà phê giải khát, cà phê cóc, cà phê bóng đá, nào là cà phê “internet”, cà phê “mang đi”, “mang về”, cà phê “xe máy”…phục vụ ngay tại các nơi công cộng như trường học, bệnh viện, công trình xây dựng. Đố ai biết được nguồn gốc cà phê của các tiệm này từ đâu.
Đã có quá nhiều phát hiện và cảnh báo về sản xuất và mua bán cà phê bẩn, cà phê giả. Loại cà phê này được làm với nguyên liệu không từ hạt cà phê mà từ bắp. đậu nành, hạt cau rang cháy, trộn với đường thắng cháy caramel tạo mùi ngọt, thuốc kí ninh (quinine) tạo vị đắng, chất Carboxymethiylcellulose (CMC) tạo độ sánh đặc…Giới chuyên môn cảnh báo đây là những chất có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm cho người tiêu thụ. Loại “cà phê” này có giá rất rẻ, thậm chí chỉ bằng phẩn nửa giá cà phê thật.
Hơn 3 năm trước, Bộ Y tế có thông tư “quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố”, trong đó nói rõ rằng nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành”. Song những quan ngại về chất phụ gia vẫn còn đó.
Tại TPHCM, các cơ quan quản lý thị trường đang cố gắng triệt tiêu những đường dây phân phối hóa chất, hương phụ liệu không rõ nguồn gốc và không được phép sử dụng cho sản xuất và chế biến cà phê. Tuy nhiên, v61n đề ở đây còn nằm ở người bán. Chỉ cần vài ba bộ bàn ghế, một hai chiếc dù che, một ấm nước sôi, vài cái phin cà phê, dăm ba ly tách là có thể thành một quán cà phê. Cái quán cà phê ấy có thể đem lại thu nhập cho một gia đình nhỏ. Nhiều người bán chẳng quan tâm đến nguồn gốc cà phê họ bán cho người tiêu dùng, miễn là giá rẻ.
Có ý kiến cho rằng thị trường đang cần những nghiên cứu nghiêm túc từ ngành cà phê để biết hàng năm mỗi người Việt Nam tiêu thụ bao nhiêu cà phê, từ đó mới giả định được khối lượng cà phê bẩn sản xuất và lưu thông. Có vậy mới thấy được thiệt hại do nạn cà phê bẩn gây ra cho nền kinh tế và cho ngành y tế sau này.
Bao lâu ngành cà phê chưa định lượng cụ thể bao nhiêu cà phê tiêu thụ, bấy lâu cuộc tuyên chiến với cà phê bẩn vẫn chỉ mới bắt đầu.
Nguyễn Quang Bình, bài viết cho SGTT và đã được đăng
Hits: 98