Bị cưa mất chân: Oan do đâu?

Dư luận xã hội chưa hết lên tiếng chuyện nữ học sinh tuổi xuân phơi phới phải bị cưa mất một chân oan uổng và quá xót xa từ suốt hơn hai tuần nay.

Em Hà Vi ở tỉnh Daklak bị tai nạn giao thông trên đường đi học về, được chuyển vào bệnh viện huyện Cư Kuin. Các bác sỹ chẩn đoán gãy mâm chày chân và quyết định bó bột, nhưng hai ngày sau chân vẫn còn đau nhức. Gia đình xin chuyển em lên tuyến trên nhưng lời yêu cầu bị từ chối do bác sỹ cho chuyện gãy chân bó bột là đòi hỏi quá thể! Năm ngày sau, do đau nhức không chịu nổi, bệnh nhân được toại nguyện…đi lên tuyến trên nhưng đã quá trễ, các bác sỹ bệnh viện tỉnh Daklak cho biết cơ chân của em bị hoại tử, phải cưa chân!

Một điều đáng thương nhất là khi trên giường bệnh, em vẫn không lo mấy cho bản thân mà chỉ lo cho người mẹ ở nhà mất ăn mất ngủ. Tâm lý sẵn sàng chịu đựng với hoàn cảnh của một em gái quê vùng Tây nguyên thật đáng trân trọng.

Đối với bản thân Hà Vi và gia đình, mong họ cho đấy là một chuyện xui xẻo và biết đâu có thể mai rày với tấm lòng độ lượng, họ sẵn sàng quên đi và bỏ qua cho những ai đã gây nên vết thương thể xác không bao giờ lành trên thân thể.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến an ủi em trên giường bệnh đã động viên em Hà Vi và nói rằng chuyện này không ai mong muốn cả. “Bác sẽ tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm để các bác sĩ phải điều trị tốt hơn cho các trường hợp sau”.

Đúng là sai sót nghề nghiệp là chuyện chẳng mong muốn. Nhưng ở đây dư luận xã hội đã từng lên tiếng và mong hệ thống đào tạo bác sỹ, y tá điều dưỡng hiện tại không nên vì “xã hội hóa” đào tạo quá để xảy ra những chuyện đáng tiếc chết người trong ngành y tế. Giáo dục nói chung, đào tạo ngành y nói riêng không thể xã hội hóa theo quan niệm “xã hội có tiền, chúng tôi có bằng cấp” được.

Nhiều người trong ngành cho rằng đào tạo bác sỹ hiện nay thừa tràn lan và thiếu chất lượng. Ngay cả trường kinh thương, không có cơ sở thực tập và phòng thí nghiệm, vẫn đòi đào tạo bác sỹ cho được! Tại tỉnh Daklak, chỉ một cơ sở dạy nghề cũng đòi liên kết mở khoa y đào tạo bác sỹ!

Chưa bao giờ dễ lấy bằng bác sỹ như hiện nay, từ hệ tại chức, cử tuyển, đến dự bị đại học…Do chính sách ưu đãi, nhiều trường đại học phải nhận học sinh y khoa thi 3 môn chỉ cần dăm bảy điểm là đậu! Trong khi đó một học sinh bình thường phải trên 20 điểm, hay gần đây 25 điểm chưa chắc đậu.

Vụ việc xảy ra cho em học sinh Daklak bị cưa chân là chuyện không mong muốn của người trong ngành y. Nhưng cầm tấm bằng bác sỹ ra trường mà không xuất phát công sức tu tập của bác sỹ khi còn trên ghế trường y, thì xã hội sẽ còn nhiều chuyện oan ức hơn.

Nguyễn Quang Bình, đã đăng trên SGTT

Hits: 81