
Giá cà phê hai sàn kỳ hạn arabica New York và robusta London đã rớt “sấp mặt” , nhất là trong những ngày gần đây, khiến thị trường trong nước có lúc trở nên “im lặng đáng sợ”. Chuyển biến tiêu cực quá nhanh trên các thị trường cà phê nói riêng và hàng hóa thương phẩm nói chung khiến nhiều người không kịp trở tay cho tồn kho giá cao đang bị cầm chân và nhà vườn đã bắt đầu lo cho giá cà phê niên vụ tới.
Từ đầu niên vụ 2024/25 rồi sang đầu năm 2025, không ít lần giá kỳ hạn robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu – đã xuất hiện mức đỉnh trên 5.800 đô la Mỹ/tấn.
Kể cả trên sàn arabica New York, nơi tham khảo giá của các nhà kinh doanh loại cà phê nguyên liệu có đến 60% khối lượng hàng thực lưu thông trên thị trường tiêu thụ của thức uống được yêu chuộng bậc nhất trên toàn cầu, mức 430 cts/lb tương đương với 9.480 đô la Mỹ/tấn lập ngày 10-2-2025 nhưng có cảm tưởng như mới lóe sáng hôm qua.
Mỗi phiên rớt vài trăm đô la thành chuyện thường xuyên
Nói vậy để thấy rằng đợt tuột dốc từ đỉnh của hai sàn kỳ hạn cà phê cho đến những ngày cuối tháng 6-2025 khiến nhà kinh doanh đều cảm nhận thị trường được đó mất đó “như bóng câu của sổ”. Sau ba tháng kể từ ngày Tổng thống D. Trump “xuất lệnh” thuế quan, giờ đây nhìn lại, đó thực sự là một cột mốc chuyển đổi hướng giá trên thị trường cà phê.
Các nhà phân tích thị trường có quyền đưa ra nhận định ấy mà không vấp phải phản ứng nào. Giá kỳ hạn robusta từ 5.850 đô la/tấn thì tuột xuống sâu đến đáy 3.459 để đến phiên ngày 27-6 chạm 3.600 và đóng cửa ở mức 3.661 đô la/tấn, mất gần 2.200 đô la tính từ đỉnh. Sàn arabica còn giảm hơn thế. Giá sàn này bỏ nhanh đỉnh 429,95 cts/lb để về mức 293,15 và đóng cửa tại 303,75 cts/lb, tính ra mất 2.782 đô la Mỹ/tấn.
Như vậy, bao nhiêu tích lũy trên sàn kỳ hạn robusta từ hơn một năm đã tan thành mây khói. Lợi suất kinh doanh trên sàn robusta tính từ 52 tuần đến hết ngày 27-6 đã âm trên 21%. Có nhiều ngày trong tháng Sáu rớt vài ba trăm đô la là chuyện thường gặp, nên lợi suất tháng ấy của sàn này cũng mất gần 22%.
Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa vì thế mà xa dần đỉnh 135 triệu đồng tấn để đến tuần cuối của tháng Sáu còn quanh 90 triệu đồng/tấn. Ai nhỡ tưởng 110-120 triệu đồng/tấn là rẻ để mua chờ giá lên, thì nay chịu lỗ từ 20-30 triệu đồng/tấn.
Liệu giá cà phê có phục hồi?
Trả lời cho nhanh là “rất khó”. Vì sao?
Đợt tăng tích lũy trên sàn robusta được tính từ đầu niên vụ 2023/24, bấy giờ giá kỳ hạn quanh vùng 2.300-2.500 đô la/tấn, giá bồi đắp dần lên khi thị trường có tin hạn hán tại các vùng cà phê của hai nước sản xuất lớn Brazil và Việt Nam. Tiếp đó là tin về một đợt sương muối tại một số vùng cà phê Brazil khiến giá càng bắt ngọn lên cao. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại các nước xuất khẩu chủ lực này không kham nỗi cam kết giao hàng, đã buộc một số nhà nhập khẩu trút một lượng tiền lớn để mua trên sàn kỳ hạn với mục đích hạn chế thua lỗ trên thị trường xuất nhập khẩu, tức lấy lời “hàng giấy” bù lỗ hàng thực.
Như cưỡi lưng cọp, càng mua thúc, giá càng được đẩy lên nhanh. Cộng với lực mua khống của các quỹ đầu tư tài chính trên các sàn kỳ hạn khi có tin EU cấm lưu thông hàng nông lâm sản có nguồn gốc từ phá rừng theo luật EUDR với ngày thực hiện cũ vào cuối năm 2024, thị trường đang thiếu hàng do phía cung ứng báo giao hàng chậm, thậm chí không thể thực hiện giao hàng, giá kỳ hạn tiếp tục tìm các đỉnh mới. Giả sử như EUDR không cho phép trì hoãn ngày áp dụng, nhiều người tin giá London có thể chạy đến 6.000-7.000 đô la/tấn và chưa chắc đã dừng lại ở đó.
Hoàn cảnh thuận lợi ấy làm hàng trên thị trường đang căng lại càng căng vì nhiều nhà vườn ghim hàng lại, cà phê ra bao nhiêu đều vào tay giới đầu cơ to nhỏ để chờ giá lên.
Sau gần ba năm với nhiều lúc giá cao ngất ngưởng, nhiều nước sản xuất cà phê tăng diện tích, tăng sản lượng, nhiều nước trước đây không trồng cà phê thì nay cũng đã và đang trồng mới tranh nhau thị trường béo bở này.
Cẩn thận, đừng quá say mê với yếu tố cung-cầu cà phê
Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nói niên vụ cà phê 2024/25 thế giới chừng 174,4 triệu bao, tăng 2,98% so với 2023/24. Nhưng niên vụ 2025/26 khi cà phê Brazil đã và đang ra thị trường, USDA ước chừng 178,68 triệu bao, tăng 2,45% so với 2023/24. Riêng Brazil, họ ước sản lượng niên vụ hiện tại của Brazil đạt 65 triệu bao gồm 41 triệu bao arabica và 24 triệu bao robusta. Sản lượng Indonesia đạt 11,25 triệu bao tăng hơn 2% và sản lượng cà phê Việt Nam, sẽ bắt đầu từ tháng 10/2025 đạt chừng 31 triệu bao, tăng 6,90% so với 2023/24. Vấn đề là USDA thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sắp tới chỉ 169,36 triệu bao, thặng dư trên 9 triệu bao.
Lấy yếu tố cung-cầu để luận cho giá cà phê sắp tới thì rõ ràng giá khó có hướng tăng, e phải nói còn giảm nữa nhìn theo hướng lâu dài. Đó là chưa tính hết các nước sản xuất có sản lượng vừa phải và nhỏ hơn, hầu hết đều tăng diện tích và sản lượng xuất phát từ hệ quả giá cà phê thế giới tăng dài ngày từ ba năm trở lại đây.
Nếu giá cà phê có phục hồi được chăng, sẽ nhờ vào các yếu tố bên ngoài hạt cà phê như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có giảm mạnh lãi suất điều hành đồng đô la từ nay đến cuối năm không, sương muối có trở lại trên vùng cà phê Brazil diện rộng không và các yếu tố địa kinh tế-chính trị khác có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cà phê không.
Cũng cần lưu ý rằng chính các yếu tố bên ngoài này là tác nhân chủ yếu cho giá cà phê nhào lộn trên sàn trong từng phiên giao dịch từ nay đến cuối năm. Nên giá cà phê có phục hồi hay không nay cần cẩn thận hơn, không chỉ dựa vào việc cân đo trên cung cầu mà còn lưu ý tới các tác nhân khác.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Bài đã được đăng trên TC KTSG bản in số 27-2025 ra ngày 03/7/2025
Hits: 78
Be the first to comment