12/3/2020 Thế giới và WHO chào thua “CỤ RỒ NA”? (corona)

Virus corona lan đến 122 nước và lãnh thổ trên toàn cầu. Khỏi bàn đến các con số cụ thể vì báo đài nào cũng đã đăng tải. Riêng về chuyện cố tình sát thương của con virus này, thường hắn chĩa mũi dùi vào người lớn tuổi. Nên Việt hóa tên corona này bằng “CỤ RỒ NA” chắc là phù hợp và dễ đọc. Xài chữ Cụ rồ na để tránh giúp cho hãng bia Corona khỏi bị “ghê” mà có thể bán ế.

Chuyện không muốn, đã tới. Ông bà mình thường nói “dịch họa”, dịch đi theo họa. WHO công bố “đại dịch” thì cũng muốn nói đó là “đại họa” nếu như nơi nào đó chủ quan, không kiên quyết.

Thế thì tại sao là đại dịch? Khi dịch “cụ rồ na” xảy ra, nước này quốc gia kia cố gắng ngăn, nhưng không thể nào chặn được.Không ngăn không chặn được, tức con người chưa đủ sức, chưa tìm ra thuốc chữa…nên mới thành đại dịch.

WHO công bố đại dịch đi liền với các quyết định của chính quyền các nước như:

-Mỹ cấm du khách châu Âu nhập cảnh trong vòng 30 ngày trừ Anh.

-Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố đóng cửa toàn bộ nhà hàng, cửa hàng, quán bar trên toàn quốc để ngăn dịch COVID-19 lây lan. Biện pháp sẽ kéo dài từ nay đến ngày 25-3. Chỉ có các nhà thuốc và siêu thị được phép hoạt động trong thời gian này. Các quán ăn chỉ được phép giao thức ăn, còn các công ty phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa.

-Đảo Corse (Pháp) cũng ra quyết định tương tự như Ý.

-Riêng TQ khôn hơn. Chính quyền Tập khuyên người TQ nào bị nhiễm, hãy khoan về lại đất nước, chữa lành xong rồi về vì nếu về lại, không khéo lại làm dấy lại một trận dịch khác trong khi đợt dịch cũ chưa xong.

Nói rõ rằng một khi đại dịch được công bố là do ngành y tế thế giới cù cưa, cố “câu giờ” tìm thuốc nhưng không đươc, mới phải công bố đại dịch.

Cần thấy rằng tại các nước tiên tiến về y tế, nay vẫn chưa tìm ra thuốc chữa và ngừa đối với cụ rồ na mà chỉ dùng các phác đồ điều trị với các loại thuốc sẵn có, tức chưa có thuốc đặc trị. Cho nên nên hiểu rằng sử dụng các biện pháp ngăn ngừa như vệ sinh cá nhân và cộng đồng, hành chánh, theo dõi và truy xuất nguồn gốc, biện pháp phong tỏa v.v…là “món thuốc” chặn tối ưu hiện nay.

Về y tế là thế. Còn kinh tế thì trong mùa dịch từ Tết đến nay ai cũng đã rành. Làm ăn te tua nhưng vẫn còn ngáp ngáp. Vì thế giới tin cụ rồ na chỉ là dịch xoàng như bệnh cúm.

Sau khi đại dịch được công bố, chuyện sẽ khác đi nhiều đấy. Hôm qua khác hôm nay khác về kinh tế, và các di họa lớn của nó về sau.

Các sàn chứng khoán và hàng hóa thế giới rớt đậm. Chính phủ các nước phải ra tay cứu nền kinh tế.

Dù nhiều nước hạ lãi suất, giảm thuế…vẫn không cứu được tình hình tồi tệ của các nền kinh tế ấy. Một khi có đại dịch, thay vì một nước thì nay cả thế giới bung tiền. Lạm phát, xù hợp đồng, không giao dịch mới, các cách bảo vệ rủi ro hạn chế…sẽ làm cho chuyện kinh doanh của chúng ta ngày càng kẹt cứng.

Làm cách nào để ra khỏi khó khăn trong kinh doanh, nên tính toán ngay sau khi đọc bài này nếu như trước đây bạn chưa nghĩ tới.

NGUYỄN QUANG BÌNH

 

Hits: 34