29/06/2022 Giá cả không quan trọng bằng theo dõi cách làm giá hàng hóa

Tác giả NGUYỄN QUANG BÌNH

Có thể thấy rằng thị trường cà phê và nhiều sàn hàng hóa thương phẩm nói chung (commodities) thực sự hỗn loạn trong thời gian trước và sau quyết định tăng lãi suất điều hành đồng đô la Mỹ của Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed).

Dẹp “củ cà rốt” là chương trình kích cầu với hàng chục ngàn tỷ đô la Mỹ được nhiều ngân hàng trung ương tung ra để ngăn suy thoái kinh tế trong đại họa dịch Covid-19, nào dè lạm phát bùng lên, nay phải vung “cây gậy” là vừa rút tiền về và tăng lãi suất cơ bản để khống chế “con ngựa lạm phát bất kham”.

Chưa rõ đường dài thế nào, dù rất nhiều người đoán rằng giá cả nhiều mặt hàng còn tăng nữa từ năng lượng, đến kim loại, nhất là các mặt hàng nông sản. Nhưng phải nói rằng “cú đập” của Fed tỏ ra hiệu nghiệm, ít nhất là mấy ngày sau quyết định tăng lãi suất của Mỹ, tạo nên một hiệu ứng “domino” chưa từng thấy. Người tham gia thị trường hàng hóa, trong đó có cà phê, kỳ vọng gì và nên ứng xử như thế nào trong tình hình mới?

Giá hàng hóa chao đảo

Thời gian qua, tham gia thị trường mà như người ngồi trong máy bay khi vào vùng thời tiết xấu: “Xin quý khách hãy thắt dây an toàn vì máy bay chúng ta đang vào vùng nhiễu động!”.

Quá nhiều nhiễu động nữa là đàng khác. Ngày 15-6-2022, Fed tăng lãi suất điều hành thêm 0,75% dù trước đó dự kiến chỉ 0,50%. Sau khi có thông tin chỉ số tiêu dùng tháng 5 của Mỹ tăng lên 8,6%, mức cao nhất tính từ bốn chục năm nay, nhiều ngân hàng uy tin đoán e phải tăng 1.0%. Chính các dự đoán này làm cho thị trường vốn đã bất ổn vì lo lắng, thì càng thêm nhiễu động. Như vậy, nếu như đầu năm lãi suất đồng đô la tại Mỹ là từ 0%-0,25% thì nay lên đến 1,50%-1,75%.

Theo sau đó là quyết định tăng lãi suất của hai nước Vương Quốc Anh và Thụy Sỹ. Đấy là hai trung tâm giao dịch tài chính và hàng hóa phái sinh quan trọng của thế giới. Anh là nơi có nhiều sàn giao dịch hàng hóa phái sinh, kể cả sàn cà phê robusta – nơi mà giới kinh doanh cà phê Việt Nam trong và ngoài nước đều dùng để tham khảo. Thụy Sỹ, tuy nhỏ bé nhưng là nước được nhiều tập đoàn kinh doanh và chế biến cà phê và công nghiệp thực phẩm đặt đại bản doanh. Điều bất ngờ chính là sau 15 năm trầm tĩnh với chính sách tiền tệ, thì Thụy Sỹ bất ngờ phóng ra mũi tên tăng lãi suất cơ bản 0,50% để nay chính thức còn -0,25%.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương EU (ECB) cũng có cuộc họp bất thường khẳng định ngưng ngay chương trình mua nợ và tăng lãi suất vào đầu tháng 7 tới!

Cây gậy tung ra, giá cả nhiều mặt hàng thụt vòi. Giá vàng từ 1.870 đô la nay xuống còn quanh 1.840 đô la/ounce (17-6) sau khi chạm vùng 1.810 đô la giữa lúc Fed ra quyết định tăng lãi suất. Giá dầu thô hợp đồng WTI (Mỹ) dịu xuống quanh 110 đô la/thùng cuối tuần trước sau khi tăng mạnh lên trên 123 đô la/thùng. Còn sàn cà phê robusta không thể vượt khỏi khu vực 2.150 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 9-2022 để về đóng cửa 17-6 tại 2.079 đô la sau khi thăm mức thấp 2.033 đô la ngay ngày Fed xuất chiêu.

Như vậy, ai dám nói công cụ “lãi suất” của các ngân hàng trung ương là không hữu hiệu. Nhưng từ đó, cũng nghiệm ra rằng chính các ngân hàng trung ương làm giá thị trường chứ đâu có yếu tố gì khác, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, khi mà quyết tâm hạ lạm phát của chính phủ các nước thông qua “cây gậy” tăng lãi suất điều hành và rút khô dần tiền mặt trên thị trường.

Cần theo dõi giá hay cách làm giá?

Hình như người kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu trong nước vẫn chưa mấy tỏ tường đến hoạt động giá trên các sàn giao dịch tài chính: chỉ chăm chăm nhìn màn hình giá nhảy lên nhảy xuống mà bày tỏ cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố…” của mình. Không mấy ai để ý đến cách làm giá trên các thị trường để đi theo và khỏi chệch quyết định kinh doanh trên bức tranh đại thể của nó.

Đoán trước khả năng khủng hoảng lương thực do xung đột vũ trang kéo dài giữa hai vựa lương thực quan trọng bậc nhất thế giới là Nga và Ukraine, mới đây, hầu hết thị trường ở các nước châu Âu đều nới lỏng và thậm chí gỡ bỏ hàng loạt rào cản kỹ thuật đối với nhiều mặt hàng nông, thủy hải sản, lương thực thực phẩm chế biến xuất khẩu từ Việt Nam. Lo giá nhu yếu phẩm tăng do khan hiếm, nhiều quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với một số hàng hóa của Việt Nam được thoát khỏi kiểm tra ngặt nghèo như trước đây.

Nói vậy để thấy rằng giá hàng hóa không chỉ do yếu tố cung-cầu và bản thân thị trường của chúng quyết định mà thôi. Có những giai đoạn có thể dài hay ngắn, thị trường còn chịu sự can thiệp của chính quyền sở tại bằng các biện pháp ít nhiều dễ dãi hay thô bạo.

Tăng lãi suất các đồng tiền nội tệ, thu hẹp các rào cản kỹ thuật để đưa lương thực thực phẩm vào châu Âu hiện nay chẳng qua để hạ cơn sốt lạm phát và đưa giá các mặt hàng nhu yếu phẩm xuống, xin phép nói cho đơn giản là như thế.

Thật vậy, “cạnh tranh hữu hiệu trên các thị trường được điều tiết đúng mực chính là nhằm phân phối hàng hóa và dịch vụ với giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn và trao quyền chọn nhiều hơn cho người tiêu thụ. Do vậy, người quyết định chích sách (chính phủ) nên lưu tâm bảo vệ và tăng cường lực cạnh tranh làm sao để người tiêu thụ và cả xã hội nói chung được hưởng nhiều lợi ích nhất của thị trường. Nếu như thị trường không được điều tiết thỏa đáng, nó có khả năng gây hại cho người tiêu thụ” (1).

Đối với người kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản chế biến Việt Nam, đấy là một tin vui vì cửa đi của hàng hóa nông sản bỗng rộng hơn. Vấn đề là có tận dụng được cơ hội vàng để len lỏi vào các chuỗi cung ứng nhằm cung cấp hàng hóa lâu dài hay chỉ lợi dụng được chút thời cơ một vài năm trước khi hàng rào kỹ thuật khắc khe trước đây quay trở lại.

Riêng mặt hàng cà phê thương phẩm, nhiều người vẫn tin thị trường đang còn lên do các sàn giao dịch cần phải cấy yếu tố lạm phát vào giá. Vả lại, nhiều tập đoàn chế biến đang dự định tăng giá bán lẻ các sản phẩm cà phê trong một ngày gần đây.

Tuy nhiên, với các mặt hàng thương phẩm được giao dịch trên các sàn phái sinh nói chung cũng vẫn chưa hết chịu áp lực hạ giá vì trước mắt các ngân hàng trung ương hai vùng tiêu thụ lớn và chịu chi nhất phải còn tăng lãi suất điều hành nhiều lần (2). Có dự đoán đến cuối năm nay lãi suất điều hành đồng đô la lên đến 3%, tức gấp đôi so với hiện nay.

Mục đích của tăng lãi suất điều hành các đồng tiền hiện nay là nhằm làm giảm giá hàng hóa, hạ lạm phát. Đương nhiên diễn biến của các thị trường hàng hóa thương phẩm lúc dương lúc âm và còn phụ thuộc nhiều vào dòng vốn của giới đầu tư tài chính. Sự can thiệp của ngân hàng trung ương nay chẳng có gì để phải nghi ngờ.

Từ đây, công việc tiếp cận thị trường của nhà kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản phức tạp hơn. Đó là cần theo dõi cách làm giá thông qua các thông tin về thay đổi các chính sách của các nước nhập và xuất khẩu mới có thể định hướng thị trường và giá cả đúng cho món hàng mình kinh doanh.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Bài đã được đăng trên tạp chí KTSG số 25-2022 ra ngày 23/06/22

=

Hits: 124