Có nên bỏ đi cái ảo tưởng cái gì nước Mỹ có, Trung Quốc có…thì ta phải có. Mỹ sản sinh ra tỷ phú Bill Gates, Trung Quốc tự dưng xuất hiện Jack Ma…Qua các hình tượng đó, nhiều lớp dạy cách làm giàu cũng đòi học viên mình phấn đấu kiếm tiền nhanh để được có tên trong danh sách tỷ phú đô la. Lạ là tại một nước có chừng 70% dân số sống trực tiếp hay gián tiếp nhờ nông nghiệp, nhưng chắc chẳng mấy ai tin người sản xuất và kinh doanh nông sản vẫn có đầy cơ hội ghi tên vào bảng vàng tỷ phú thế giới.
Thật ra, cái cơ duyên trở thành tỷ phú tự thân (ở đây chỉ xin hiểu là tỷ phú đô la Mỹ) thường có hai dạng. Một là người cần mẫn theo đuổi một nghề, thông qua kinh nghiệm và sáng tạo trong hoạt động như là cái nghiệp để kiếm tiền. Hai là người nhạy cảm với thế cuộc kinh tế xã hội, biết chớp thời cơ và được cộng đồng tài chính ủng hộ để phát huy năng lực làm giàu.
Như nguồn mạch nuôi sống và làm giàu
Rõ ràng làm nông nghiệp muốn trở thành tỷ phú thường nằm trong nhóm người cần mẫn, cần sự giúp sức của người thân và để dần gầy dựng nên gia thế khủng. Trường hợp của hai gia đình luôn hãnh diện tự xưng họ là người “nuôi ăn cả thế giới” chính là Cargill (Mỹ) và Louis Dreyfus (Pháp). Mới đây danh sách tỷ phú toàn cầu ghi nhận thêm một số thành viên mới, nhờ nông nghiệp mà lên. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, trường hợp này quả không sai.
Điều đáng nể là trải qua bao nhiêu thăng trầm và thay đổi của các thời đại kinh tế, hai doanh nghiệp gia đình này vẫn kiên trung bám trụ nông nghiệp như là nguồn mạch nuôi sống và làm giàu cho họ. Louis Dreyfus ra đời năm 1851 và Cargill xuất hiện sau đó chừng 15 năm.
Khởi nghiệp bằng một kho trữ và chế biến ngũ cốc nhỏ, Cargill trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước Mỹ với doanh thu lên đến 134,4 tỷ đô la tính đến tháng 8 năm 2021. Không thích để người ngoài định đoạt chính sách và thay đổi văn hóa kinh doanh truyền thống, Cargill chỉ truyền lại cho người nhà mà không đưa lên sàn chứng khoán. Nay thì hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản không bó hẹp tại Mỹ mà được mở rộng trên 76 nước trên thế giới với 143 ngàn nhân viên và Cargill cũng đã hoạt động tại Việt Nam từ cuối thể kỷ XX.
Mới đây, trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, gia đình Cargill góp mặt thêm 3, trước sau vị chi là 5 người. Không cần kể tên cho dài dòng nhưng chỉ chuyên nông nghiệp mà một đại gia đình có đến 1% số tỷ phú top 500 thì không đáng nể là gì! Khối tài sản của 2 tỷ phú nông nghiệp trước đây là 7,8 tỷ thì 3 người sau bình quân mỗi người 5,3 tỷ đô la trong tổng tài sản của toàn gia đình là 51 tỷ đô la.
Cũng vậy, tò te là một anh kinh doanh nông sản, Louis Dreyfus nay trở thành người khổng lồ chuyên sản xuất và kinh doanh chủ yếu lúa mì, bông vải và đường, sau đó mở rộng ra lúa gạo, cà phê, hạt có dầu và một số loại ngũ cốc khác. Vốn chủ sở hữu đến những ngày này đã đạt đến mốc 5,4 tỷ đô la. Năm ngoái, lãi ròng nghe đâu đến gần 700 triệu đô la, tăng 82,5% và lãi trước thuế, lãi suất ngân hàng và khấu hao là trên 1,6 tỷ USD so với năm 2020.
Bữa rày, nghe chuyện bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai tay chèo tay chống trồng chuối nuôi heo và chuyên tâm vào sản xuất nông nghiệp để đưa thuyền mình vượt khó. Nhiều cổ đông lên mạng than thở coi bộ thấy không sướng khi so với quá khứ hoàng kim, bấy giờ giá trị cổ phiếu cao hoành tráng (nhờ kinh doanh bất động sản(?) )… Cái chọn lựa chuyển qua làm nông nghiệp của bầu Đức là hợp lý và đúng đắn khi đưa con tàu Hoàng Anh Gia Lai vào trú tránh bão táp của thị trường. Không nhanh chóng xoay xở sang “nuôi heo trồng chuối” thì tình hình e căng hơn chứ đâu trụ được như bây giờ. Vấn đề là thế cuộc đang trở chiều, liệu bầu Đức còn tâm huyết ở lại với nông nghiệp và sử dụng nó như là bệ đỡ đi lên hay dưới áp lực kiếm lời to và nhanh của một số cổ đông để xem nhẹ cái nghề đã tạo lại cái đà tốt để HAGL vươn lên nữa. Con người ngày nào cũng phải ăn và dan số thế giới đến 2050 ước lên đến 9, 10 tỷ người.
Tập đoàn Lộc Trời từ đầu bám rễ với nông nghiệp và cây lúa. Tuy không thể so sánh với hai đại gia nước ngoài kia, chỉ cần túc tắc để vừa làm ăn có lãi cho cổ đông vừa giúp nông dân gắn bó với ruộng nương khỏi phải tìm đường kiếm sống tại các tỉnh công nghiệp là điều đáng trân trọng.
Danh sách các công ty truyền thống làm nông nghiệp còn dài trong các ngành nông sản khác như trà, cà phê, hồ tiêu…không thể kể hết ra đây. Nhưng một tập đoàn thọ năm bảy chục năm ở xứ mình rất khó kiếm. Cũng dễ hiểu: vì sinh sau đẻ muộn, đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, những thay đổi trên thị trường hàng hóa và tài chính từ năm 1975 đến nay như vũ bão, áp lực kiếm tiền trên thị trường tài chính toàn cầu càng ngày càng tỏ ra gấp gáp, dễ làm thay đổi tâm lý kinh doanh nên không ít thương nhân “cầm lòng không đậu” đành bẽ hướng, để chấp nhận trúng thì ăn đậm, thua thì biến mất.
Những bài học thực tế
Nhìn hình mẫu hai tập đoàn nước ngoài kia, hóa ra họ không quan niệm làm nông là khổ, “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Sau những rẽ cày, còn nhiều thứ cho những tính toán và tìm cơ hội đột phá để làm giàu. Có thể cả hai gia đình thời gian mới đây gặp vận may nhờ giá lương thực thực phẩm tăng nhanh do chiến tranh Nga-Ukraine, do khủng hoảng chuỗi cung ứng…Có thể họ cũng có đầu cơ nhưng chắc không bao giờ dám bỏ quá 5% vốn tự có để gom trữ hàng chờ cơ hội giá tăng. Nhỡ như tính toán đầu cơ sai để mất trọn 5%, thì chẳng ảnh hưởng mấy để sự sống còn của tập đoàn.
Không cần dùng lý thuyết “học làm giàu” thời thượng để phân tích, điều chắc chắn là họ dám thuê và tin người chuyên nghiệp và đầy năng lực, biết sử dụng đòn bẫy tài chính, các công cụ kinh doanh hỗ trợ lẫn nhau giữa hàng hóa thương phẩm và tài chính (phái sinh) một cách nghiêm túc và trọng kỷ luật kinh doanh. Nói tới đây, người viết bài này mới nhớ rằng cả hai tập đoàn đã từng giải thể cả một ngành hàng cà phê (coffee division) hay giải thể toàn bộ nhóm chóp bu của cả ngành hàng chỉ vì đi sai đường hướng của tập đoàn như đầu cơ quá mức hay làm những chuyện mà họ thấy có thể ảnh hưởng đến truyền thống và văn hóa kinh doanh nông sản của gia đình.
Quản lý vốn và dòng vốn phải được thực hiện nghiêm túc tuyệt đối và xuyên suốt, lượng vốn này phải sử dụng cho mặt hàng này không thể bốc qua ngành hàng khác. Chứ không như nhiều doanh nghiệp xứ ta, chủ thích bốc vốn đi đâu, mua nhà, tậu đất…để hòng kiếm lợi to và nhanh…thì đối với họ ấy là cấm kỵ. Những bộ phận phân tích tình hình chung và thị trường được đề cao đúng mức. Ít khi lãnh đạo nghe quàng xiên tin nhảm mà những gì ban phân tích thị trường nói, đủ chứng minh và lập luận, đôi khi họ cùng nhau mỗ xẻ đến hàng tuần cho một vấn đề. Chuyện thế này thì các doanh nghiệp xứ ta chắc phải tập làm dài dài vì cứ tưởng sếp có tiền, có quyền, nên sếp nói sao cấp dưới không thể cãi mà chỉ biết làm vậy “cho lành”.
Chắc cũng nhờ vậy mà nhiều nhà sản xuất và kinh doanh nông sản tại các nước khác tồn tại hàng trăm năm, vững như bàn thạch.
Nói chuyện ngoài lề đôi chút nhưng cũng xin dùng thay lời kết. Vừa qua, Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức phiên họp thứ 2 xin có đề xuất như sau: Khen thưởng “minh bạch, đúng người, đúng đối tượng” (*)…đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản, ai thực tâm lấy nông nghiệp làm bệ đỡ để trở thành bệ phóng cho nông nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung…nên chăng chỉ cần doanh nghiệp nào gắn bó với nông nghiệp dưới một thương hiệu duy nhất trong vòng 25 năm (ngân khánh), 50 năm (kim khánh), 75 năm (ngọc khánh) thì đáng để nhận bằng khen hay huân chương lao động 3,2,1 rồi chứ không nên để họ nộp đơn xin trên xét cấp. Giả sử như có một cá nhân nào chuyên nghề nông sản bất kỳ được chọn là (nửa) tỷ phú…thì mong xem đó là anh hùng lao động đương nhiên…chứ không nên để họ phải “chạy chọt” (**).
==
(*) (**) Từ trong bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bài “Chống tiêu cực trong thi đua-khen thưởng”, SGGP 15-4-2022, trang 1.
Nguyễn Quang Bình
Bài đã được đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn số ra 21/04/2022
Hits: 176