Chắc chẳng mấy ai tin chỉ ở Việt Nam và rộng hơn chút nữa tại các nước chịu ảnh hưởng Nho giáo mới có món đặc sản “tiên học lễ, hậu học văn”. Mới đây, trong Hội thảo giáo dục 2021 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11, một vị giáo sư tiến sĩ đã đề xuất bỏ cách nói “tiên học lễ” vì lo rằng nếu nói như thế, từ “lễ” có thể bị lạm dụng thành “nghi thức”, bái lạy người trên. Ông cũng cho rằng nay ta có các từ “đạo đức”, “nhân cách”…thì sao không dùng cho chính danh mà phải xài tiếng “lễ” để nặng nề tâm lý.
Thật ra, chẳng phải mệt để tra từ điển, nơi được cho là nghĩa địa của các từ “chết”. “Lễ” từ lâu đã có một cuộc sống khác, đẹp đẽ và phong phú hơn nhiều, ít ra từ ngày Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 trở lại đây.
Đối với các nước phương Tây, chớ vội nói người ta không biết “tiên học lễ”! Dù có cập rập chi mấy với công việc, khi gặp ngay cả người không quen trên đường đi, hai người đều cứ chào nhau “Bonjour”, “Good morning” cái đã. Các câu “xin lỗi” và “cám ơn” luôn trên miệng. Mà đâu phải bỏ cách nói “tiên học lễ” thì ắt học trò ta trở thành công dân đạo đức, sáng tạo, biết “làm người” hơn? Giả sử như lấy giải Nobel để làm thước đo cho sáng tạo, đạo đức…thì ta phải nói thế nào đối với những vị nhận giải…hay vì nhờ nền giáo dục nước họ không nói không biết “tiên học lễ”?
“Lễ” và “tiên học lễ”, nơi nào cũng thực hành và áp dụng. “Lễ”, vì vậy, nên được hiểu là một tập hợp các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên một cách đúng trật tự vốn có. “Học lễ” chính là trau giồi các quan hệ của cuộc sống ấy để chính bản thân người được rèn luyện giao tiếp, đối xử với xã hội và thiên nhiên một cách có chuẩn mực và hài hòa.
Bất kỳ lúc nào và nơi nào “lễ” được thực hành theo một quan hệ áp đặt, thì bấy lâu “lễ” là phiên bản lỗi. Một quan hệ xã hội và học đường không hài hòa, bất cập, là khi người trẻ bị bắt nghe lệnh bề trên nhưng người lớn lại không thèm nghe và lắng nghe, thông hiểu người trẻ, bắt trẻ nhỏ qui phục mà không cho chúng được tìm hiểu và giải thích…thì đó phải chăng chỉ là một loại quan hệ ràng buộc của người lớn đối với con trẻ, của kẻ mạnh chèn ép người yếu, chỉ tạo cho trẻ thiếu tự tin và triệt mầm sáng tạo nơi họ.
Đừng nên đổ thừa rằng do cách nói “tiên học lễ” mà sinh nên chuyện thiếu đủ thứ…như thiếu chủ động sáng tạo, thiếu đạo đúc, thiếu nhân cách…Một quan hệ đúng đắn trong nhà trường là trò kính thầy và thầy trọng trò. Như vậy, bản thân câu “tiên học lễ” với tư cách mục tiêu rèn luyện, không chỉ dành cho trò, trẻ nhỏ mà còn cho thầy, phụ huynh hay người lớn nói chung. Không nên thỏa mãn với “tầm chương trích cú” mà phải thay đổi từ não trạng, tâm thế và hành động của các bậc bề trên.
Đáng tiếc hiện nay chưa mấy ai thấy và làm được chuyện ấy dù trong các hội nghị, thảo luận, văn bản, chỉ thị, hướng dẫn có rất nhiều, rất giục giã. Nếu như “tiên học lễ” chỉ dành riêng cho lớp nhỏ, còn người lớn cứ bắt họ tuân phục, thì phải chăng chính người lớn đã “thất lễ” trong chính những điều họ dạy, bắt đối tượng của mình phải rèn luyện.
Rèn “lễ” thực ra là tạo điều kiện tối đa cho người trẻ biết nhận biết sự vật và hiện tượng một cách trung thực nhất có thể để rồi họ nhận xét chúng, đâu đúng đâu sai, cái gì hợp lý cái gì chưa hợp lý. Rèn đức tính “thật thà, dũng cảm” trong “Năm điều Bác Hồ dạy” cho thiếu nhi là ở đây. Lái xe, vượt đèn đỏ là vi phạm pháp luật, nhưng khi con trẻ nói bố sai thì không ít người bắt nó im, thậm chí dọa tát tai…Vậy thì ai thất lễ? Con học không nổi, cha mẹ và thầy cô đi đêm mua điểm để cháu được vào trường tốt thì có phải đúng “lễ”? Không ít cha mẹ , bằng tiền hoặc bằng quan hệ, đi ngõ sau cho con vào chỗ làm ghế tốt lương cao, giành hết cơ hội cho người chân chính, trung thực, thậm chí có thể loại người tài người đức hơn mình khỏi nơi họ đáng được trọng dụng thì đó chỉ là lễ “đầu tiên” nói lái lại là “tiền đâu”. Trong sinh hoạt chính trị xã hội rất đỗi bình thường, có mấy cuộc gặp gỡ cử tri mà đếm được chừng 50% là người trẻ, bao nhiêu phát biều đề đạt nguyện vọng từ giới trẻ hay chủ yếu là các bậc “trưởng thượng”? Còn biết bao nhiêu chuyện bạo lực học đườngvà ngoài xã hội mà báo chí hàng ngày đăng tin nhan nhản, gây tâm lý sợ hãi và hoang mang cho trẻ, có khi chúng phải mang “bệnh sợ” ấy đi suốt cuộc đời.
Hiểu như thế, “tiên học lễ” có gì không đúng mà yêu cầu đừng nói, đừng xài? Nhưng thường tiên trật thì hậu sai. “Văn” đâu chỉ là chữ nghĩa, tri thức mà thôi đâu. Văn là người cơ mà! Khi con trẻ bị người lớn “bế” hay tìm cách ngăn chặn không cho họ “hành” lễ một cách đúng đắn, thì làm sao khiến họ trưởng thành và chững chạc được, chứ mơ chi đến sáng tạo?
Vậy người lớn chúng ta nên đấm ngực ăn năn mà nói rằng “culpa mea” hay lỗi tại tôi mọi đàng”, mà thay đổi chính mình và cả hệ thống.
Nguyễn Quang Bình
Hits: 324