“Đợi hết đợt giãn cách xã hội này, chắc em về quê tìm miếng vườn trồng rau nuôi cá thôi”, giám đốc một công ty dịch vụ tổng hợp nhỏ bộc bạch với tôi.
Hậu Covid, thị trường xuất nhập khẩu nông sản chắc sẽ có nhiều thay đổi nhanh. Ảnh minh họa Thành Hoa |
Là mẫu người miệng nói tay làm, chị không chịu nổi cảnh ăn không ngồi rồi. Người năng động như chị dễ nhận ra cần phải làm gì, cho nên mới đi đến quyết định có tính đổi đời như thế.
Chị đâu phải trường hợp riêng lẻ. Nghe nói nhiều anh chị em trong nghề showbiz phải bỏ rạp, xa khán giả, hụt thu nhập, để về quê chiêm nghiệm cuộc sống dân cày đặng giọng ca thêm bùi khi quay lại sân khấu.
Biết đâu trong số các bạn sinh viên đang về quê “trốn dịch” do lệnh giãn cách xã hội, không chừng có bạn quay sang chọn nghề nông để khởi nghiệp. Tại nhiều vùng nông thôn, lực lượng thanh niên đang rất thiếu vắng.
Dịch bệnh Covid-19 đang làm thay đổi nhiều thứ, từ hiện thực đời sống đến cách lo toan cho ngày mai của từng người, gia đình và cộng đồng. Trước đây nhiều người chỉ nghĩ Covid-19 là một đợt dịch đột ngột và chóng qua, nay thì ngay các nhà hoạch định kinh tế của các nước giàu có nhất trên thế giới cũng đang tính tới chuyện sống chung với nó.
Covid-19 làm tê liệt các hoạt động kinh doanh và giao thương. Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm cũng bị đứt gãy. Do đó, nhiều nước đang khuyến khích dân chúng phát triển khởi nghiệp nông nghiệp, một mặt nhằm bảo đảm an ninh lương thực trước mắt và lâu dài cho đất nước, mặt khác giải quyết được lực lượng thất nghiệp từ các nhà máy, công xưởng, cơ sở dịch vụ…
Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho những người trẻ trong nước để thu hút họ vào ngành nông nghiệp. Singapore, nước phải nhập khẩu tuyệt đại bộ phận lương thực thực phẩm đã quyết định đầu tư sản xuất cái ăn tại chỗ cho dân chúng.
Một chương trình trồng rau, nuôi cá… sẽ được bắt đầu từ tháng 5-2020 và làm sao cho đến 2030, người dân ở đảo quốc này bảo đảm được 30% lượng lương thực thực phẩm hàng ngày. Nghe đâu đã có chương trình tận dụng mái nhà, bãi đậu xe… để tăng nhanh lượng thực phẩm trong thời gian nhanh nhất.
Tình hình ở châu Phi càng gấp rút khi cả tỉ người phải ở nhà để phòng ngăn dịch chứ không còn cách nào khác. Lo đầu tư nước ngoài bị hãm lại, lượng thất nghiệp càng lớn, ông Gerald Ssendaula, cựu Bộ trưởng tài chính Uganda khuyến khích nông dân mạnh dạn trồng cà phê làm sao cho trong vòng dăm năm, sản lượng cà phê Uganda lên được 1,2 triệu tấn so với 0,255 triệu tấn hiện nay(1). Đây cũng là cách đón gió hậu Covid-19.
Thị trường xuất nhập khẩu nông sản chắc sẽ có nhiều thay đổi nhanh. Nhưng rất có thể nhà nông hậu Covid-19 không theo cách làm ăn cũ. Nhà nông thời mới sẽ bám mạnh vào chuỗi cung ứng.
Họ sẽ không còn chuyện chỉ biết chăm chăm vào sản xuất mà biến nó thành một nghề sinh lợi như bao ngành nghề khác nhờ tranh thủ các ứng dụng trong công nghệ sinh học tiến bộ và trí tuệ nhân tạo, lập hợp tác xã, tranh thủ tín dụng ngân hàng… Họ thích thành “nông doanh” hơn là “nông dân” thuần túy như hiện nay.
Quay lại với chọn lựa của chị hàng xóm, có khi hướng đi này là hợp lý. Mong muốn của chị chưa chắc đã nhắm tới thị trường, giá cả gì như một nhà nông chuyên nghiệp nhưng chị sẽ tận hưởng được bầu khí “tiểu vùng khí hậu” trong lành nơi chị “cắm sào”, một mặt bảo đảm được cái ăn cho gia đình, có ích cho cộng đồng.
Hậu Covid-19 có thể dân số sẽ đông hơn. Vậy nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm càng nhiều. Chuyện chọn “về làm vườn” của vị nữ giám đốc trẻ xem ra có cái nhìn xa trông rộng chứ không phải chuyện thường!
(1)How to benefit from Covid-19 by farming, https://www.monitor.co.ug/Magazines/Farming/How-to-benefit-from-Covid-19-by-farming-/689860-5521096-c3xljm/index.html
Hits: 34