Loạn thông tin, tin thêm loạn

(TBKTSG) – Xưa có chuyện ông Trang Tử bên Tàu bày học trò cách nào để tồn tại được trên cõi đời này: hơn thua chuyện khôn dại với người đều chết, chỉ có biết mới sống. Bài “khôn chết, dại chết, biết mới sống” sau này sinh nhiều biến tướng, cách hiểu khác nhau, nhưng nhìn chung đều có ý rằng “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”...

Chứ sao nữa, còn tồn tại với thiên hạ, còn sống được với đời này là thắng rồi!

Chuyện xưa dễ hiểu như thế, nay mọi thứ hầu như không chắc. “Biết” theo ý của vị thầy Tàu nghĩa là phải biết chữ, học hành để hiểu đời, biết cách cư xử cho phải đạo, thế là sống ngon rồi vậy. Còn ở phương Tây, “hiểu biết” là tri thức, tri thức là sức mạnh. Nên “biết” của người phương Đông thiên về “ẩn”, bên trong và nặng phần tâm lý, còn người phương Tây “lộ” nhiều hơn.

Dù ẩn hay lộ, con người ta muốn biết muốn hiểu sự vật hiện tượng đều phải qua đường tai mắt.

Trang Tử dạy thế là đúng vì thời ổng đâu có các phương tiện thính thị nhiều đến ngợp như bây giờ. Bây giờ, con người ta nạp đủ thứ thông tin với tất cả các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, thiệt, giả.

Từ trong nhà ra ngoài đường, đâu đâu con người hiện đại đều được bao phủ bởi vô vàn thông tin. Mới đây, các đài vô tuyến truyền thanh-truyền hình còn làm mưa làm gió thì nay máy tính, điện thoại thông minh, Internet, mạng 3 và 4G… đã kết nối từng cá nhân với cả thiên hạ, vạn vật. Ở bất kỳ đâu trên Trái đất, chỉ cần nhắp chuột máy tính hay chọt tay trên nút số điện thoại, là có thể kết nối với các nguồn trữ ngồn ngộn thông tin, các ổ “dữ liệu lớn” của Google, Alibaba… hay liên thông với thế giới qua mạng xã hội như Facebook, Twitter… là có thể biết được tất tần tật chuyện trên trời dưới đất… biết luôn cả thứ không muốn biết! Con người được ăn no uống say với các thông tin ngon dở đủ loại đến nỗi người Québec (Canada) tạo nên cái từ ghép thật hay là “infobésité” (infobesity).

Đó là kết hợp giữa hai từ thời thượng “thông tin” (information) với “bệnh béo phì“(obésité). Trong tiếng Anh, còn có một từ nữa là “quá tải thông tin” (information overload) cũng nghĩa tương tự “béo phì thông tin”.

Đối với tiếng Việt, hai từ này tuy rất hay nhưng chưa lột tả hết cái tâm tư, bản sắc của tiếng nước nhà. Người viết xin mạnh dạn đề nghị chuyển ngữ hai từ “béo phì thông tin” và “quá tải thông tin” bằng “loạn thông tin”.

Vì sao? Béo phì là bệnh ăn nhiều thải ít, ứ hự và tích tụ chất béo độc hại trong người, làm con bệnh phì lên vì mỡ, có hại cho hoạt động tim mạnh, não bộ… Nhưng trong quan niệm của xứ mình bệnh này chưa phải là loại chí nguy (chắc do tỷ lệ béo phì không bằng ở các nước phương Tây). Còn “quá tải” cũng không chở hết ý vì dì Năm dì Tám người ròm ốm ba bốn mươi ki lô, ngày ngày gánh nồi bún nồi chè ra chợ bán có sao. Mấy ông Tây cân nặng tám chín chục kí nhưng vác chừng 30 ki lô được xem là lao động nặng nhọc, người mình bốn năm mươi kí vác bao gạo sáu tám chục cân xuống tàu hàng đi thoăn thoắt, vẫn cứ cho là nhẹ.

“Quá tải hay béo phì thông tin” là hiện tượng một cá nhân con người sống giữa muôn trùng thông tin, không ăn cũng phải nạp, không chọn lọc, trí não ứ hự thông tin, nên có người còn gọi nó là tình trạng bão hòa tri thức.

Có lẽ cái từ trong tiếng Việt ứng nhất với các khái niệm ấy là “loạn thông tin” vì “loạn” nói lên tình trạng hỗn độn không thể, không biết đường nào mà chọn lọc, rối mù không phân biệt được đâu là giả đâu là thật. Cứ lên mạng, chưa cần biết đúng sai, thấy không hài lòng, là “loạn đả thông tin”, ném đá không tiếc tay, chửi nhau không chừa lời. Loạn thông tin đưa tới rối trí, loạn thần bởi thông tin chưa được “chế biến”.

Một số nhà khoa học cho rằng chỉ trong vòng 50 năm trở lại đây, nhờ các phương tiện tin học máy tính, con người tạo nên một nguồn thông tin và dữ liệu bằng cả khối lượng của 2000 năm lịch sử thế giới cộng lại. Rồi từ nay đến năm 2020, lượng thông tin ấy sẽ tăng lên gấp 32 lần.

Dù chưa có một nghiên cứu khoa học và xã hội học nào về hoạt động kinh doanh của các nhân viên các công ty, người ta vẫn tin rằng áp lực giải quyết công việc dựa trên các thông tin dữ liệu nhận được hàng ngày qua các nguồn cung cấp dữ liệu, e-mail cá nhân, các tài khoản riêng của từng người trên các mạng xã hội, các phương tiện… nhân lên gấp nhiều lần so với thế hệ trước.

Thật vậy, hiện nay đừng nghĩ nhân viên phòng kinh doanh di chuyển không nhiều là họ ngồi chơi thư thái hơn. Dù không đến tận nơi tiếp xúc với khách hàng, họ phải quần quật với điện thoại, chat, thư tín điện tử…

Đó là thực tế mới nảy sinh và cũng là áp lực lên con người hiện đại. Bạn có thể biết cả một trời thông tin. Nhưng chỉ muốn biết thông tin nào cần biết, phục vụ cho công việc, kiến thức của bạn, thì dứt khoát phải biết sử dụng công cụ khai thác thông tin. Đòi tự do bơi lội trên biển thông tin, bạn không mang theo áo phao và cờ hay đèn hiệu, có khi chỉ tổ để cá mập ăn thịt bạn.

Cứ xem cuối năm 2018 một số người thời đại thông tin đối xử nhau trên các đường truyền trực tuyến mới biết. Mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng đã tốn không biết bao nhiêu công sức và giấy mực cãi nhau không tiếc lời vì một phương án cải tiến chữ viết tiếng Việt. Dẫu đó chỉ mới là một gợi ý mang tính chất nghiên cứu của một cá nhân, chưa biết mức độ thực tế như thế nào, đã kéo cả xã hội từ chị ngoài chợ đến cô chú được cho là “trí thức”, lên mạng “đả” nhau chí chết…

Nếu như cái từ “bệnh béo phì” chỉ mới toát lên được việc ăn nạp mà không tiêu hóa kịp, gây bệnh cho từng người, thì loạn thông tin được hiểu như nạp nhiều và ẩu đến nỗi làm cả xã hội phải “loạn trí” (psychosis) tiêu tốn năng lượng một cách vô ích.

Lo nhất hiện nay của con người là muốn biết nhau, nhưng không biết tin nhau.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG 12/12/17

Hits: 57