Hình 1
Giá cà phê trên mọi thị trường đều bất ngờ tăng mạnh ngay trong tuần đầu tiên của niên vụ mới 2018/19. So với giá đóng cửa phiên cuối vụ cũ cũng là ngày giao dịch cuối tuần trước (28/09), giá kỳ hạn robusta London đạt 1654 Usd/tấn, tăng 100 Usd/tấn, arabica New York tăng 6,5 cts/lb hay 143 Usd/tấn chốt ở 108.95 cts/lb (xem hình 1). Giá tăng mạnh trên thị trường thế giới đã đưa giá cà phê nội địa nhiều nơi trên Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam, từ 34 triệu lên 35,5 triệu đồng mỗi tấn, chỉ sau một tuần tăng 1,5 triệu đồng/tấn.
Nhiều nhận định cho rằng đồng Reais Brazil (Brl) tăng giá trên thị trường ngoại hối, từ trên 4 Brl đổi 1 Usd thì nay còn 3,84 Brl đã giúp giá cà phê tăng mạnh. Sở dĩ đồng Brl tăng tuần trước do thị trường cà phê đón tin từ cuộc bầu cử tổng thống Brazil xảy ra vào ngày 07/10/2018. Các nhà phân tích thị trường cho rằng nếu ứng cử viên cánh tả thắng, đồng Brl sẽ giảm xuống, từ 4,5 đến 5 Brl ăn 1 Usd, nhưng nếu người của cánh hữu thắng, thị trường sẽ có động lực mới, nhờ vậy đồng Brl có thể tăng lên 3,50 Brl ăn 1 Usd. Brl tăng giá ổn định, dẫn đến cà phê nội địa tại Brazil trở lên “đắt hơn”, hạn chế đẩy hàng ra thị trường xuất khẩu, do đó hỗ trợ giá cà phê thế giới hồi phục.
Mặt khác, các quỹ đầu tư tài chính trên sàn đã mua mạnh, chênh lệch lượng dư bán so với dư mua giảm. Tính đến ngày báo cáo mới nhất 02/10/18, lượng dư bán của các quỹ đầu cơ trên sàn New York giảm còn 97.175 lô, giảm gần 12.000 lô so với tuần cuối niên vụ cũ. Trên sàn London, lượng dư bán cũng giảm 3.575 lô còn 31.442 lô. Động thái này giúp thị trường nghi rằng các quỹ đầu cơ đang giảm lượng hợp đồng dư bán bằng cách mua bù, hoạt động này cũng hỗ trợ giá tăng.
Thị trường cà phê trong nước: Cơ hội tăng theo giá thế giới
Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường trong nước đầu tuần này đang được giao dịch quanh mức 35,5 triệu đồng mỗi tấn. Như vậy, giá cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ muốn chạm 36 triệu. Giá tăng, sức mua nhiều hơn nhưng người bán chưa chào hàng vội. Vả lại, còn chừng một tháng nữa hàng niên vụ 2018/19 mới ra dần nếu như thời tiết cho phép.
Nếu như tại Brazil đồng Brl tăng so với Usd, hàng ra lại càng hạn chế. Giả sử hàng vụ mới của hai nước sản xuất lớn nhất không dồi dào do các điều kiện ‘’không hẹn mà gặp‘’ ấy, đó là cơ hội cho giá kỳ hạn tăng giúp giá nội địa tăng. Nếu như xảy ra đúng kịch bản tốt nhất như trên, giá nội địa sẽ có cơ hội lên 36,5 triệu đồng mỗi tấn.
Chỉ ngại rằng, khi chạm 36 triệu, lực bán mạnh do các nhà xuất khẩu chốt giá từ các hợp đồng cũ và bán trước hợp đồng mới sẽ hãm đà tăng vừa trên sàn kỳ hạn và vừa giá trong nước. Đấy là hướng giá không được hoan nghênh.
Một điều đáng lưu ý là khi giá kỳ hạn tăng, các nhà nhập khẩu lại trả giá xuất khẩu với mức trừ lùi (differentials) càng rộng. Giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ đang được hỏi mức 80 Usd/tấn dưới giá London thay vì mới đây là 30-40 Usd/tấn dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn này.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 08/18 đạt 11,1 triệu bao, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2017. Như vậy, 11 tháng đầu niên vụ 2017/18 cả thế giới xuất khẩu chừng 112,52 triệu bao, tăng 1,8%.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 415