Diễn biến giá cà phê tuần từ 21-26/05/2018: Giá kỳ hạn tăng giảm theo thời tiết.
Hình 1
Tuần qua, thị trường kỳ hạn robusta biến động khá mạnh. Ngày 21/05, giá đóng cửa tăng 33 Usd khi có tin một số vùng cà phê Brazil chớm lạnh thì sau đó ngày 23/05 rớt lại 39 Usd vì thị trường phát hiện rét chưa đủ đậm để hại cây và sản lượng cà phê mùa sau. Dù sao, hiện tượng tăng giảm thất thường trên thị trường cà phê phần nào cảnh báo cho các nhà kinh doanh rằng từ nay mùa đông của Brazil gây tác động lớn lên giá cà phê.
Cả tuần, giá đóng cửa robusta London có đỉnh 1799 và đáy 1745, chung cuộc giảm 10 Usd/tấn để chốt mức 1752 Usd/tấn.
Giá kỳ hạn cà phê arabica New York thì ngược lại, cả tuần có kết quả tăng 2.40 cts/lb tương đương với 53 Usd/tấn để chốt tại 120.40 cts/lb.
Như vậy, giá arabica New York tăng cho thấy sàn này nhạy cảm với yếu tố thời tiết, cộng với một đồng nội tệ Reais Brazil (BRL) phục hồi, đã làm sức bán của cà phê arabica trên sàn này thu lại. Trong khi đó, giá robusta London chỉnh giảm nhẹ, được hiểu chịu áp lực bán mạnh từ các nước xuất khẩu khi giá chạm 1799. Như vậy, mức 1799 trở thành cứ điểm kháng cự quan trọng cho hướng tăng trong những ngày tới đây (xem hình 1).
Tại thị trường trong nước, giá chào bán xuất khẩu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ cũng chao đảo không kém. Một số nhà xuất khẩu cho rằng khi giá tăng, họ đã bán mức trừ 120-125 Usd/tấn dưới giá tháng 09/2018 giao hàng vào các kho cảng quanh TP. HCM và trừ 100 Usd/tấn cho cùng loại theo điều kiện giao hàng FOB.
Thị trường nội địa cũng có các mức giá tăng giảm mạnh, trong khung giữa mức cao là 37,5 triệu với mức thấp 36,7 triệu đồng mỗi tấn. Lượng chào bán vừa phải và đơn chào bán nhiều hơn khi giá lên cao.
Chỉ còn 3 ngày giao dịch nữa là hết tháng 05/18. Đấy là giai đoạn sàn London có giá cao nhất khi đạt 1845 Usd tính từ giữa tháng 11/17. Ở mức 1752 hiện nay, London vẫn ở vị trí thấp vì đáy của tháng này nằm tại 1724.
Dự báo tuần từ 28/05-02/06/18: Đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước
Hình 2
Nhìn vào đồ thị hoạt động giá của sàn kỳ hạn cà phê London, ta thấy rằng đỉnh trong tuần thấp dần: mất 1799, rồi tạm biệt 1765, để nay còn 1752.
Đóng cửa tại 1752, về kỹ thuật mà nói, sàn robusta tỏ ra yếu vì nằm dưới các đường bình quân động (BQĐ) (xem bìa trái hình 2).
Nếu không bị các yếu tố bên ngoài chi phối như sương giá tại Brazil, các quỹ đầu tư đổ vốn vào sàn bất ngờ…sàn này vẫn có hy vọng nhắm lại hướng 1845 nhưng phải qua các nút quan trọng 1765 và 1799. Tuy nhiên, trong một thị trường bình thường, đấy không phải là kỳ vọng của thời gian trước mắt và ngắn hạn.
Mất đỉnh 1765, London đang còn phấn đấu để khỏi trượt xuống các mức hỗ trợ vốn rất cận với giá đóng cửa của đồ thị đang được xem xét. Đó là các mức 1746/1741. Mất hai mức này, London không ngại về hoạt động tại khu vực 1720-1730, vốn là cứ điểm quan trọng vì cũng từ khu vực này, tuần trước giá đã búng lên 1799 (xem hình 2).
Thị trường cà phê trong nước: Giao dịch sẽ trầm hơn trong tháng 06/18?
Những yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng giá cà phê nội địa trong những ngày tới:
Hướng tích cực: Thời tiết giá lạnh tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới. Tuy nhiên, yếu tố này hoàn toàn không chắc chắn, nhất là khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino hay La Nina năm nay không xuất hiện ở khu vực này.
Hướng tiêu cực: Giá trị đồng Usd đang tăng đều và mạnh. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu rằng trong tháng 06/18 sẽ có một đợt tăng lãi suất đồng Usd (xem bìa trái hình 1). Điều này không hay ho gì cho các sàn kỳ hạn hàng hóa thương phẩm lấy đồng Usd làm đồng tiền giao dịch. Giá trị Usd tăng kéo theo đồng nội tệ Brazil BRL giảm, lại kích nông dân nước này bán ra.
Lượng hàng cần bán của các nước sản xuất còn nhiều, Brazil và Indonesia đang ra mùa, Việt Nam lượng cà phê còn tồn ước còn chừng 20% nhưng chỉ còn 3 tháng nữa là chấm dứt niên vụ 2017/2018.
Giá cà phê nhiều nơi tại Tây Nguyên có lúc đã chấp nhận bán ờ 36,5 triệu đồng mỗi tấn so với giá cao 37,5 triệu đồng mỗi tấn giao tại các kho quanh cảng vùng TP. HCM.
Giá xuất khẩu tính trên mức chênh lệch trên cơ sở tháng 09/18 cũng lên xuống không ngừng dù giá niêm yết trên sàn kỳ hạn ở mức thấp: có lúc trừ 120 Usd/tấn FOB khi London dâng cao, cũng có khi xuống thấp trừ 90 Usd lúc giá London hạ. Điều này chứng tỏ tâm lý trữ hàng đã giảm trước áp lực một mùa bội thu ở Brazil và thị trường tiền tệ bất lợi cho giá cà phê.
Qua một tháng 05/18 khá sôi động, những ngày giao dịch trên thị trường nội địa trong tháng 06/18 có thể sẽ yên ắng dần do thế giới đã vào sâu trong mùa hè và là lúc cà phê Brazil thực sự “tấn công” thị trường.
Nhìn theo hướng ấy, giá cà phê nội địa khó có biến động mạnh. Sẽ có một thị trường ít nhộn nhịp hơn và theo hướng xuống. Tuy nhiên, đà xuống có thể bị ngắt tại 35,5 triệu đồng mỗi tấn vì ngay khi 36 triệu, hàng đã ít thấy trao tay.
NGUYỄN QUANG BÌNH trên NCIF 28-5-2018
Hits: 89