4/11/2019 Cảm nhận thị trường: Làm sao giữ vững đà tăng giá trên thị trường cà phê?

Cảm nhận thị trường‘ là loạt bài không thường xuyên của trang THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ. Những bài này có mục đích giúp bạn có cái nhìn trước với tình hình thị trường. Chúng không chỉ dành cho người kinh doanh cà phê mà còn các sàn hàng hóa phái sinh khác.

Luồng vốn quyết định giá cà phê

Hoạt động của các sàn thương phẩm phái sinh nói chung, sàn cà phê nói riêng, rất thất thường. Từ khi luồng vốn chi phối, giá cà phê càng bấp bênh và nhất thời. Giá các thị trường phái sinh hiện nay tăng hay giảm, thường dựa vào lượng vốn ít hay nhiều. Rút vốn ra (bán), giá rớt. Hút vốn vào (mua), giá tăng. Khi nào các quỹ đầy tư rút hay châm cược, đố ai biết. Chỉ họ biết.

Giá cà phê phái sinh London trong kênh tăng

Từ khi các hợp đồng xuất khẩu bị bán chặn lỗ (stoploss), đồ thị cho thấy đáy sau cao hơn đáy trước. Điều này chứng tỏ thị trường đang có lực mua mạnh lại từ đáy. (Mức 1.181 tháng 11/19 và 1.211 tháng 1/20). Tuy nhiên, các quỹ đầu tư một khi mua nhiều quá, họ phải giảm mua bằng cách bán bớt. Ăn no phải thải, thế thôi!

Qui luật này trong kinh doanh cà phê ai cũng nằm lòng. Nhưng giá tăng/giảm, hay đau thương nhất là bị bán chặn lỗ, còn do sai lầm của người bán. Đâu phải một mình giới đầu tư tài chính làm được.

Giá London nay đang trong kênh tăng là nhờ hết áp lực bán và luồng vốn đầu cơ mới. Đầu cơ hàng giấy có 2 cấp đầu cơ. Các quỹ tài chính với hàng trăn tỷ Usd và các nhà đầu cơ hàng giấy nhỏ lẻ.

Nói là nhỏ lẻ, nhưng cách mua bán bầy đàn của vài quốc gia làm con số dư mua/dư bán lớn lắm. Khi thấy giá lên, rủ nhau mua. Giá xuống, rủ nhau bán. Đó chính là cơ hội cho các quỹ đầu cơ tài chính lớn bắt bài để bắt chặn lỗ cả 2 phía mua và bán.

Cần rút bài học kinh nghiệm bán hàng treo giá

Nhìn lại 2 năm kinh doanh vừa qua, cả hai năm đều xảy ra chuyện bán chặn lỗ. Thua đau chịu không thấu! Tuy nhiên, nhiều người vẫn không nghĩ là do cách bán của mình.

Nên hỏi han bạn bè lượng treo mua/treo bán là bao nhiêu, cả hàng giấy lẫn hàng xuất khẩu. Theo kinh nghiệm của tôi, treo trên sàn chừng 20-30 ngàn hợp đồng xuất khẩu đã là mồi ngon. Nếu như có thêm 10-20 ngàn lô mua hàng giấy nữa, thì các quỹ đầu cơ lớn không dại gì “không chộp” mồi.

Cho nên, cần xem lại cách bán, bán hàng treo giá chưa chốt bao nhiêu là vừa. Giả sử bạn bán hàng theo giá chênh lệch giá chốt sau 1000 tấn tức 100 lô. Phải tìm mọi cách bán chốt bớt 30% để giảm áp lực. Bao lâu bạn để 1000 tấn (giả sử), bấy lâu giá không thể tăng. Vì rằng con số hàng treo bán của bạn bị chưng trên sàn. Như bạn thấy, khi giảm áp lực bán trong đợt chặn lỗ vừa qua, tức hết áp lực, giá tăng lại.

Bán theo cách trừ lùi/cộng tới vẫn tốt. Nhưng tức thời phải bán dần theo tỷ lệ chứ không để “một cục” to đùng trong tay người mua mà chưa chốt giá. Thà lỗ ít còn hơn lỗ nhiều. Bán một ít mức giá thấp là tự mình làm giảm áp lực lên giá, đợi giá nâng lên bán tiếp một phần khác.

Giá kỳ hạn chỉ tăng bền vững khi chính các nước xuất khẩu phải làm giảm áp lực bán. Bao lâu cứ để treo/chuyển từ tháng này qua tháng khác, đừng mong giá lên.

NÊN XEM THÊM:

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283

Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 282