Diễn biến giá của phiên ngày hôm trước
London:
1729-6 (1747-1724) 1751-6 (1765-1747)
New York:
117.75-1.20 (119.20-117.35) 119.80-1.20 (121.30-119.50)
Giá cách biệt giữa sàn New York với London A với R tháng 5-2018 là 39.33 cts/lb (-) – USDX 90.06 (+) – BRLUSD 3.32 (+)
Thứ Sáu 30-3 hai sàn kỳ hạn London và New York nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh, trước đại lễ Phục Sinh của người theo Ki-tô-giáo. Thứ Hai 2-4 London nghỉ bù lễ Phục Sinh, New York mở cửa trễ (18:30g)
Sau một ngày giao dịch 27-3 khá nhộn nhịp, giá 2 sàn cà phê tăng thì phiên 28-3 lại co về thế thủ, thậm chí giá arabica lại mất về điểm đáng ngại 117.35 để chốt cuối phiên 117.75-1.20 cts/lb.
Đặt câu hỏi tại sao giá hôm trước tăng nhưng hôm 28-3 lủng củng thế? Chỉ có thể trả lời rằng các quỹ đầu cơ muốn lạm “tươi” sổ vị thế kinh doanh tạm thời và nhất là, hôm qua, chỉ số đồng USD tăng mạnh quá. Khi USD tăng, giá New York dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực và hôm qua là hiện tượng cho thấy rõ.
Thị trường bắt đầu ngấm dần các tin sản lượng tăng, cả robusta lẫn arabica. Các nhà kinh doanh đang đòi mua giá trừ lùi dãn ra chứ không muốn co lại. Tại các nước xuất khẩu arabica Trung Mỹ, tuy có tin Costa Rica đang bị dịch bệnh lá, nhiều nước vẫn chào bán tích cực với giá khá mềm, như Honduras chẳng hạn.
Tuy đã bán khống rất nhiều trên sàn hàng giấy, tình hình mua hàng thực chưa nhiều, các nhà đầu cơ và kinh doanh hàng thực vẫn chưa vội mua nếu như giá trừ lùi chưa rẻ. Chính vì vậy, giá robusta so với arabica, nó mạnh hơn và Việt Nam đang kiên trì giữ giá.
Chính phủ Costa Rica cho biết bệnh nấm lá xuất hiện trên một vùng cà phê 12.000 ha ở vùng đất thấp. Hiện bộ nông nghiệp nước này đang tích cực chống dịch bệnh này. Thường đây là một loại bệnh hay lây. Tuy nhiên, các nước Trung Mỹ vẫn chưa lên tiếng cho biết cà phê nước họ bị như Costa Rica hay không. Trung Mỹ là vùng cung cấp 58% arabica cho toàn thế giới.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tháng 3-2018 được bộ phận thống kê nông nghiệp ước chừng 190.000 tấn, xuất khẩu 6 tháng đầu niên vụ 2017/18 đạt 520.000 tấn, tăng 15% so cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu cà phê trong tháng 2-2018 của Uganda , nước sản xuất robusta chất lượng cao, giảm 1,47% so với cùng kỳ 2017 đạt 390.677 bao. Tuy nhiên lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu niên vụ này của Uganda vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước đến 8,7% đạt 2.003.650 bao.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 698