Kỳ này quý vị văn thi sĩ, những người làm nghề dính dáng đến sáng tác ắt phải lo đến đứt đuôi con nòng nọc, vì các hoạt động thiên bẩm thiên phú của họ đang bị cạnh tranh khốc liệt.
“Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…”
Còn ai vào đây nữa, văn thi sĩ khi có hứng mới có việc, nên nhiều công trình phải chịu mang tiếng “lãng đãng”… như mấy câu thơ trên trong bài “Cảm xúc” của Xuân Diệu đã một phen gây sốc và tranh cãi trên thi đàn.
Không ngờ, tới thời kinh tế thị trường, công việc của nghề sáng tác xem ra đang bị “vi phạm” bản quyền càng lúc càng nghiêm trọng.
Chỉ trong một giai đoạn rất ngắn, rộ lên chuyện nhiều cơ quan, cá nhân lãnh đạo các cấp công quyền đưa ra lắm phát biểu, thông tư, công văn mang tính sáng tác cao, không ít cái được dư luận cho là “văn bản… trên mây” hay “công trình của phòng máy lạnh”. Tóm lại, họ thích gì nói nấy chứ chẳng cần suy xét đúng sai gì trớt.
Cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” năm 2013 khi đến chung cuộc, để giành phần thắng về cho “đứa con của tỉnh nhà”, một trưởng phòng trong sở giáo dục của tỉnh nọ “lệnh” cho toàn ngành bầu cho cháu đang thi. Đó là chuyện giải trí của trẻ em, người trưởng thành cả nước chưng hửng cớ sao ông trưởng phòng làm thế được.
Khi báo chí vặn hỏi, ông trả lời “luôi uôi” rằng tui thấy tốt thôi, có chi xấu đâu!
Hay gần đây, nhiều người phản ứng nghị định kinh doanh bia của Bộ Công Thương, với các điều khoản ràng buộc kỳ quặc, mà nhiều người cho rằng hệ thống công quyền không đủ người để triển khai tổ chức, quản lý hoạt động. Vẫn chưa hết, nhiều công văn, chỉ thị từ ngành nông nghiệp như thịt sống chỉ được bán trong vòng 8 tiếng, rồi mới đây cấp huyện của một tỉnh biên giới chỉ cấp phép chuyên chở trứng gia cầm trong vòng một ngày, làm mấy ông hợp tác xã chăn nuôi không biết đường nào để xoay xở.
Một loạt công văn từ huyện lên tỉnh, yêu cầu dân chúng trong địa bàn của mình chỉ uống bia, sử dụng dịch vụ ngân hàng theo ý của lãnh đạo. Khi hỏi ra, có vị vẫn một mực cho rằng văn bản chỉ thị có sai gì đâu, chỉ đốc thúc người Việt sử dụng hàng người Việt, vì ngân hàng giúp địa phương nên địa phương giúp lại… Nghĩa tình đến thế là cùng!
Ngoài ra, còn lắm thông tư, công văn của nhiều cấp đang bị bộ tư pháp tuýt còi, đề nghị hủy hay đình chỉ ở nhiều ngành, nhiều địa phương vì quyết định trái khoáy, lạ đời.
Để ý mới thấy, cứ mỗi lần cơ quan nào đưa ra thứ ngồ ngộ như vậy là khổ cho “nhà luật” vì phải thêm việc, săm soi xem thử đúng hay sai với luật pháp hiện hành. Điều đáng nói là chính người ra văn bản, chỉ thị lại là người phải học, đã biết và thi hành luật pháp bởi họ là người chức quyền!
Nói thế chứ học, biết rồi đó… nhưng đôi lúc bị nhầm hay sai là chuyện thường. Con người mà! Tại nhiều trung tâm đào tạo nhà quản trị trên thế giới, nhà lãnh đạo tương lai học giỏi, có bằng này bằng kia càng tốt, nhưng cái cần nhất của vị ấy chính là óc phán đoán.
Đối với họ, nhà lãnh đạo tương lai, dù chỉ là sếp “gà mèn” của một nhóm nhỏ nhưng ảnh hưởng đến cộng đồng, khi đưa ra một quyết định, họ phải biết tính toán trước sau sao cho phù hợp với sự vật và hiện tượng chung quanh vì “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”!
Nhà quản trị ở bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt tại các cơ quan công quyền, không thể là một người thiếu phán đoán. Có bằng cấp cao, có công trình khoa học lớn… có thể làm chuyên môn, nhưng đừng tưởng họ sẽ là người lãnh đạo đạt yêu cầu.
NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên TBKTSG 23/10/2014
Hits: 34