Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ thời gian mới đây được chào bán từ vùng trừ 200 đến 250 Usd/tấn dưới giá niêm yết tháng 01/2022 London. Tiếng là bị trừ nhiều, nhưng giá ấy có lẽ chỉ đủ để trả cho cước tàu biển. Chỉ số cước tàu biển hàng khô (BDI) tuần trước tăng lên mức cao nhất tính từ tháng 11/2009 (xem hình 1). Nếu như trong điều kiện bình thường, khi giá cước mỗi container 20 feet từ cảng Sài Gòn đi các cảng chính châu Âu chừng trên dưới 2.000 Usd/thùng tương đương với cước phí 100 Usd/tấn, thì nay trừ trên 200 Usd/tấn nên được hiểu chính người sản xuất ra hạt cà phê khó nhọc chịu chi phí tàu biển để mời “nhà giàu” uống cà phê.
Cái rủi ro đằng sau bán được hàng là một khi giá trừ quá sâu, các hãng kinh doanh có điều kiện đưa hàng vào lấp đầy lại các kho cà phê đạt chuẩn đã thiếu hụt và đưa giá London về mức thấp trở lại.
Chỉ còn 9 ngày giao dịch nữa là thế giới bước sang niên vụ mới 2021-2022. Cũng không bao lâu nữa, cà phê Việt Nam vào mùa thu hoạch, sức ép bán sau gần 2 năm bị đại dịch buộc “ém hàng”. Cần thấy trước rằng lực bán ra sẽ có lúc bất thường khi các vùng cà phê trọng điểm trở về với tình trạng “bình thường mới”. Ván bài thắng hay thua trong xuất khẩu cà phê sắp tới như lật bàn tay.
Sau một thời gian dài, nông dân và nhiều nhà xuất khẩu cà phê hầu như bị tách khỏi thị trường thế giới. Giữ được giá hay không, không phải do nông dân quyết định. Đại dịch cũng không cho phép người mua quyết định giá. Vai trò của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cần có những thay đổi như phải tham mưu chính xác cho Bộ Nông nghiệp&PTNT những bước đi cụ thể, những cách thức vận hành của thị trường trong thời kỳ “bình thường mới” chứ không nên làm thị trường với một câu giải thích rất ỡm ờ trước đây “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay “giá do thị trường quốc tế” quyết định.
Nguyễn Quang Bình
Hits: 174