(19-8-2017) Thị trường cà phê: Kinh doanh cà phê không dành cho người yếu tim

Nhiều người bảo uống cà phê vào tim thường đập mạnh. Kinh doanh cà phê thời buổi này hồi hộp không kém.

Tăng mạnh hôm trước, giảm mạnh lại trong ngày giao dịch hôm sau với dăm ba mươi đô la Mỹ mỗi tấn, đó là tình hình biến động của sàn kỳ hạn cà phê robusta trong thời gian gần đây. Giá cà phê trên thị trường nội địa nhảy nhót cũng không vừa, hôm nay tăng một triệu đồng thì ngày mai mất ngay lại tám chín trăm ngàn đồng mỗi tấn.

Thật vậy, chưa có lúc nào giá cà phê nhún nhảy lạ kỳ như thời gian gần đây dù hoạt động mua bán hàng thực trên thị trường xuất khẩu khá yên ắng. Nhìn lại diễn biến giá trong nửa đầu tháng 8-2017 càng thấy mức độ rủi ro trong kinh doanh cà phê thật đáng ngại.

Nếu như giá kỳ hạn robusta ngày 1-8 đóng cửa mức 2104 đô la Mỹ/tấn thì ngày 8-8 chốt tại 2157 đô la. Rồi chỉ sau đó vào ngày 10-8, giá quay về 2089 đô la, sang ngày 11-8 vượt lên 2133 đô la. Chưa kịp đứng vững, ngày 17-8 giao dịch có khi xuống tận 2030 đô la Mỹ/tấn.

Những cơn sóng lớn trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường chọn làm tham chiếu, đã tạo nên những cơn bão giá làm chao đảo giá trên thị trường cà phê nguyên liệu trong nước. Không chỉ cường độ tăng giảm chênh lệch giá mạnh, tần suất xảy ra trên sàn kỳ hạn dày đặc làm các nhà xuất khẩu trong nước theo giá bỡ hơi tai.

“Dù mua bán không nhiều do khách mua hàng truyền thống ở châu Âu và Bắc Mỹ còn nghỉ hè, giá kỳ hạn và trên thị trường nội địa không dành cho người yếu tim,” một thương nhân nước ngoài có văn phòng đại diện tại TPHCM nói.

“Hiếm khi thấy như trường hợp ngày thứ Sáu 11-8 giá cà phê nội địa còn ở mức 45 triệu đồng/tấn thì sang cuối tuần lên 46 triệu, để qua đầu tuần xuống lại 45 triệu đồng, rồi trong tuần có khi chỉ còn 43,5 triệu đồng/tấn” ông Lê Hải Thành, giám đốc một công ty kinh doanh cà phê có chi nhánh tại TP. Buôn Ma Thuột cho hay.

Điều khó hiểu nhất là khi tồn kho cà phê tại các nước tiêu thụ còn rất lớn, mua bán hàng xuất khẩu không nhiều, thì “giá chao đảo không biết phải đi đường nào, mua không dám mà bán cũng chẳng đành,” ông Thành chia sẻ.

Thống kê gần đây cho thấy tồn kho cà phê tại ba khối vùng lãnh thổ tiêu thụ cà phê truyền thống là châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản còn trên 1,5 triệu tấn, tương đương với khoản thời gian từ 14-16 tuần tiêu thụ.

Giá cà phê nội địa ngày 19-8 có khả năng phục hồi mạnh đến 1 triệu đồng mỗi tấn lên trên 45 triệu do sau đợt giá kỳ hạn lún sâu khi sàn kỳ hạn đóng cửa đêm 18-8 tăng 47 đô la lên 2101 đô la/tấn.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Xem thêm:

(18-8-2017) Thị trường cà phê: Tin cung-cầu tích cực nhưng chưa ảnh hưởng tích cực đến giá arabica

(17-8-2017) Thị trường cà phê: Luồng vốn trôi đi chưa trở về

(18-8-2017)  Bình luận nhanh kỹ thuật giá cà phê trước mở cửa

Hits: 94