13/1/2020 Thận trọng với cách mua bán để tránh bị chặn lỗ.

Diễn biến thị trường cà phê tuần 31/12/2020-08/01/2021: Giá 2 sàn giảm.

Quốc hội Mỹ xác nhận tổng thống thứ 46. Chính quyền mới thuộc đảng Dân chủ do ông Joe Biden cầm đầu sẽ nhậm chức vào ngày 20/01/2021. Joe Biden có nhiều thuận lợi khi hai viện thượng và hạ đều ở thế đa số.

Thị trường tài chính tin rằng chính quyền mới có nhiều điều kiện để tái kiến thiết nền kinh tế Mỹ vốn rất khó khăn do dịch Covid-19. Các chương trình kích cầu, cung ứng vốn mạnh đang được giới đầu tư kỳ vọng. Giá chỉ số cổ phiếu Mỹ tuần qua có lúc tăng mức cao lịch sử.

Nhiều nước châu Âu thắt chặt lệnh phong tỏa, có nước đến hết tháng 01/2021. Nhật bản, Hàn Quốc, Thái Lan và kể cả một số thành phố 11 triệu dân tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) cũng công bố lệnh giãn cách xã hội để ngăn dịch lan rộng trong mùa đông này.

Thị trường cà phê đi ngược với giá cổ phiếu do lo ngại tiêu thụ cà phê giảm vì các lệnh phong tỏa đi kèm với thông tin xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng trong hai tháng đầu niên vụ mới bắt đầu từ 01/10/2020.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Báo cáo định kỳ mới nhất (tháng 12-2020) của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết:

-Xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 11/2020 đạt 10,15 triệu bao (bao=60 kg) tăng 5,7% so với cùng kỳ 2019, trong đó robusta 3,31 triệu bao giảm 10,7% arabica 6,84 triệu bao tăng 16%. Hai nước xuất khẩu arabica lớn nhất là Brazil và Colombia tăng mạnh.

Nếu tính riêng 2 tháng đầu niên vụ mới 2020-2021, xuất khẩu toàn cầu đạt 20,2 triệu bao tăng 6,5% so với cùng kỳ 2019 trong đó arabica đạt 12,56 triệu bao tăng 11,9%, robusta 5,79 triệu bao tăng 1,1%. Cà phê chế biến gồm rang 103.800 bao giảm 5,5% và hòa tan 1,75 triệu bao giảm 8,2%.

-Nhập khẩu cà phê toàn cầu niên vụ 2019-2020 đạt 95,98 triệu bao giảm 5,4% và cà phê chế biến gồm rang tương đương với cà phê nhân là 19,6 triệu bao giảm 3,7% và hòa tan 14,41 triệu bao tăng 1%.

Sản lượng cà phê Colombia giảm

Colombia ước sản lượng cà phê niên vụ này giảm 6% còn 13,9 triệu bao so với năm trước là 14,7 triệu bao. Colombia là nước sản xuất arabica lớn thứ hai sau Brazil nhưng xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt lớn nhất thế giới.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này đều tăng: sàn arabica New York là 89.100 tấn so với tuần trước là 85.195 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 141.120 tấn so với tuần trước là 138.070 tấn chủ yếu hàng từ Brazil.

Giá cả

Hai sàn cà phê phái sinh có một tuần giảm giá do nhiều nước tiêu thụ đặt lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 lan rộng như đã trình bày. Kết quả chung cuộc đến hết phiên giao dịch cuối tuần trước tính trên giá đóng cửa như sau:

-Sàn robusta London giảm 68 Usd/tấn chốt ở 1.318 với biên độ dao động cả tuần là 1.388-1.314.

-Sàn arabica New York giảm 4.55 cts/lb hay 100 Usd/tấn chốt ở 123.70 với biên độ dao động 129.40-119.20.

Chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) tăng dù có lúc xuống mức sâu nhất tính từ năm 2018 tại 89,21 điểm.

Đồng nội tệ Reais (Brl) của Brazil trong cặp tỷ giá Usd/Brl giảm trở lại từ 5,19 Brl xuống 5,41 Brl ăn 1 Usd.

Như vậy, yếu tố tiền tệ không có lợi cho giá cà phê tuần qua.

Giá cách biệt giữa hai sàn cà phê phái sinh arabica với robusta dao động mạnh nhưng vẫn ở trên 60 cts/lb. Tuần qua, giá cách biệt có lúc chạm 60 cts/lb nhưng phiên cuối tuần lên 63,91 cts/lb hay chênh lệch 1.410 Usd/tấn. Mức chênh lệch thấp có nghĩa là giá robusta cao khi cân đối với giá arabica.

Trong nước, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ dao động từ 32 triệu đến 33,2 triệu đồng/tấn, đầu tuần cao cuối tuần giảm.

Giá chào xuất khẩu cùng loại quanh mức +85 đến +95 Usd/tấn Fob cao hơn giá niêm yết sàn London. Giá này giảm rất nhanh so với +145 Usd/tấn mới đây. Nguyên nhân giảm có thể do giá tàu biển cao.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 11-16/01/2021: Rớt sâu xuống vùng hỗ trợ mạnh. Liệu còn tiếp tục?

Giá phái sinh robusta cơ sở tháng 03/2021 không vượt được 1.388. Hiện tượng này đã kích các quỹ đầu tư tài chính và các nước sản xuất bán mạnh đẩy giá xuống mức sâu nhất tính từ một tháng nay tại 1.314.

Đồ thị được cung cấp bởi nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cho thấy như sau:

-Chạm khu vực 1.314 và đóng cửa tại 1.318 nằm ngay trong vùng hỗ trợ cứng.

-Vùng hỗ trợ này cho thấy giá chỉ xuống nữa khi bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như tiền tệ, mua bán giá cách biệt, lực bán săn chặn lỗ (stoploss) của các quỹ đầu tư lớn đối với các nhà kinh doanh hàng giấy nhỏ lẻ và áp lực chốt bán bảo vệ của các nhà kinh doanh hàng thực. Vậy, một khi mất đáy 1.314, những vùng thấp khác có thể bị đe dọa như mức tâm lý quan trọng 1.300/1.286 (21/10/2020) để từ đó bật lên nhanh.

-Nhưng cũng cần thấy rằng đứng tại 1.318, về kỹ thuật, London vẫn còn yếu. Nếu phiên đầu tuần London không chạy lên khỏi 1.324 để thoát nhanh khỏi vùng hỗ trợ này thì nguy cơ giảm vẫn còn dù rất tạm thời.

-Ở đây, cũng cần lưu ý rằng sau 5 ngày liên tiếp, giá London giảm, nay đang về vùng bán quá mức (RSI9=22,5% và RSI14=31,76% so với tham chiếu 30%).

Tóm lại, trong tuần này, nếu London tiếp tục mất giá những ngày đầu, khả năng sẽ bật lại vào những ngày cuối tuần. Để hóa giải hướng xuống, London cần qua khỏi 1.332 để tạo lực mua đẩy tăng tiếp lên thử lại 1.349/1.368.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Thận trọng với “bị chặn lỗ” do mua khống hàng giấy.

Dù không nhộn nhịp như thị trường cùng kỳ các năm trước, một số hợp đồng lớn đã xuất hiện với nhiều mức giá bán khác nhau.

Tuy vậy, hầu hết các hợp đồng mua bán mới đều ký dưới phương thức “trừ lùi-cộng tới” tức tính trên mức chênh lệnh với sàn London, chưa có giá cuối cùng, hay nói theo ngôn ngữ thông thường của thị trường là “giá chốt sau” (price-to-be-fixed).

Thiếu containers rỗng, giá cước vận tải cao, các phương thức mua bán của thị trường cà phê hiện nay ít biến hóa, nên các hợp đồng chưa chốt giá rất dễ bị bắt chặn lỗ. Hiện nay, đã xảy ra một số hiện tượng do không mua bán được nhiều hàng thực, nhiều nhà kinh doanh chọn mua hàng giấy.

Bán hàng thực chưa chốt giá được do London xuống thấp, người bán phải treo trên sàn tức vẫn ở vị thế mua (long position). Nếu kết hợp với mua khống hàng giấy trên sàn thêm, điều đó sẽ làm cho vị thế mua càng lớn và vô hình trung biến thành miếng mồi ngon cho việc bắt chặn lỗ. Một khi các quỹ đầu tư tài chính phát hiện đủ túc số, họ sẽ đạp giá xuống nhanh và người thua lỗ sẽ là người mua khống và treo hàng thực chưa chốt giá trên sàn.

Nói vậy để thấy trước rằng nếu như vị thế mua (long position) càng lớn bao nhiêu, rủi ro giá xuống càng lớn bấy nhiêu. Chính vì vậy, để khỏi gây tác động xấu lên giá trên sàn London cũng như trên thị trường nội địa, nên chăng giảm mua khống hàng giấy càng nhiều càng tốt trên sàn robusta vì có thể dẫn đến thua lỗ do giá xuống tiếp.

Giá cà phê nội địa vẫn chưa thể lên nhanh trong thời gian này do người mua và nhà nhập khẩu còn lấn cấn với cước vận tải. Người mua trữ chỉ mạnh tay khi biết được cước tàu biển chừng bao nhiêu để tính giá thành. Tuy nhiên, một số hãng tàu cho biết giá cước hiện nay vẫn chưa phải là giá đỉnh (1).

Giá cà phê nội địa đang quanh mức 32 triệu đồng/tấn. Với áp lực bán ngày càng mạnh, dự kiến thị trường nội địa cho cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ dao động trong vùng 31,5-33 triệu đồng/tấn trong tuần này.

Nguyễn Quang Bình

  • “Hãng tàu lớn nhất thế giới cảnh báo cước vận tải biển chưa đạt đỉnh” trên thesaigontimes.vn ngày 07/01/202

BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN TRANG TRUNG TÂM DỰ BÁO KINH TẾ VÀ XÃ HỘI QUỐC GIA – BỘ KH&ĐT 12/1/2021

Hits: 70