(12-8-2017) Tuần qua, giá cà phê chứng kiến hết một đợt tăng, rồi lại tăng

Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn vừa qua đua nhau tăng, kéo theo giá cà phê nguyên liệu tại nhiều nơi ở Tây nguyên cùng tăng. Tuy nhiên, đợt tăng đã vội vàng dừng lại vào ngày thứ Ba 8-8-2017 khi sàn robusta London không thỏa mãn các yếu tố kỹ thuật và sau đó một ngày sàn arabica chỉnh giá xuống do đã mua quá mức.

Thật vậy, chỉ mấy ngày đầu tuần này, giá kỳ hạn cà phê London, nơi giới kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm cơ sở tham chiếu, đã vượt khỏi khung tuần trước là 2150 đô la/tấn để có khi chạm 2183 đô la/tấn vào ngày 8-8-2017.

Trong khi đó, giá kỳ hạn New York, nơi cà phê Brazil thường được lấy làm giá cơ sở, cũng tăng rất tốt. Từ đáy 115 cts/lb tức gần 2.550 đô la/tấn lập cách nay gần hai tháng, giá sàn này đã bức phá lên 143.70 cts/lb, tăng trên 600 đô la/tấn.

Đằng sau đợt lên giá này của hai sàn kỳ hạn là các quỹ đầu tư tài chính quay lại đặt cược vào cà phê, nhất là khi có tin xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm và sản lượng cà phê vụ mới của Brazil không như ý.

Thống kê sơ bộ từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê arabica toàn cầu đạt 5.844.135 bao (60 kg x bao)  trong tháng 6-2017, tăng 8,68% so với cùng kỳ năm ngoái là 5.377.381 bao, nhưng giảm 7,27% so với mức 6.302.625 bao tháng trước đó.

Brazil vẫn là nước dẫn đầu về xuất khẩu cà phê arabica, đạt 1.791.463 bao, chiếm 30,65%. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê arabica tháng 6-2017 của Brazil giảm 11,03% so với cùng kỳ năm ngoái là 2.013.639 bao và giảm 20,89% so với tháng 5-2017.

Mưa nhiều nên hàng ra trễ, cộng với ảnh hưởng thời tiết làm kích cỡ hạt cà phê nhỏ, để nhiều nhà rang xay phải lo ngại rằng cung ứng cà phê thế giới sắp tới chắc có vấn đề. Cũng chính vì thế, hai sàn kỳ hạn cà phê đã thu hút các quỹ đầu tư quay lại đặt cược giúp giá tăng tốt đợt mới đây dù Brazil, Indonesia và nhiều nước đã bắt đầu vào mùa kinh doanh.

Chính phủ Brazil trước đây ước đoán sản lượng niên vụ 2017/18 của Brazil chừng 46,5 triệu bao tuy nhiên dự đoán của Bộ nông nghiệp Mỹ là trên 52 triệu bao.

Giá cà phê nội địa Việt Nam quanh mức 46,3 triệu đồng/tấn nhưng giá xuất khẩu loại 2 tối đa 5% đen bể giao hàng tháng 12-2017 giảm mạnh khi vụ mới chưa về. Nghe rằng nhiều nơi đã nhất trí mua bán một lượng khá lớn với mức trừ 90-100 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu. Tuy nhiên, giá bán xuất khẩu giao tại kho tại một tỉnh Tây nguyên được cho rằng rẻ đến mức trừ 145 đô la/tấn, so với cách đây vài tuần mất đến 70 đô la/tấn.

Nếu giá kỳ hạn cao, giá bán xuất khẩu ấy vẫn chịu nhiều rủi ro. “Giá 145 đô la/tấn, khi giá sàn London xuống, thua không biết lấy chi mà bù,” chủ một nhà vườn ở tỉnh Kontum trách người bán giá rẻ.

Giá đóng cửa ngày 11-8-2017 cơ sở tháng 11-2017 sàn kỳ hạn cà phê robusta chốt mức 2133 đô la/tấn và cơ sở tháng 12-2017 arabica đứng tại 143.85 cts/lb. Giá cà phê nội địa quanh mức  45 triệu đồng/tấn cuối tuần.

Thị trường thế giới thường giao dịch hai loại cà phê gồm arabica chiếm chừng 60% và robusta 40%. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu robusta, là loại cà phê dùng để phối trộn với arabica hay chế biến cà phê hòa tan.

Nguyễn Quang Bình

 

Bài xem thêm:

(11-8-2017) Thị trường cà phê: Giá giảm mạnh do hạn màn vắt giá chăng?

(10-8-2017) Thị trường cà phê: Lạ không khi giá robusta giảm mạnh?

(11-8-2017) Bình luận nhanh kỹ thuật giá cà phê robusta trước giờ mở cửa

 

Hits: 100