11/12/2021 Câu chuyện cà phê cuối tuần: Giá còn bất lợi?

Chọn cà phê trái chín đúng độ tại xưởng Aeroca Buôn Ma Thuột

Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do virus corona gây ra, ngân hàng trung ương nhiều nước đã cứu gỡ nền kinh tế mạnh mẽ bằng mọi cách có thể. Nhưng nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách sử dụng hai công cụ chính: điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản và tăng lực thanh khoản cho các thị trường. Ta đã từng thấy ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cung ứng một lượng tiền mặt chóng mặt. Từ tháng 02/2020 đến nay, khối lượng tiền mà Fed đã tung ra dễ đến gần 8.000 tỉ Usd.

Qua các gói tài chính giải cứu, các chuyên gia kinh tế đã từng tiên đoán lạm phát là không thể tránh khỏi. Thực tế đã chứng minh. Mức độ lạm phát Mỹ tháng 11/2021 theo công bố cuối tuần trước ở mức 6,8% so với tháng 10/2021 là 6,2%. Đấy là mức cao nhất tính từ tháng 06/1982. Tỷ lệ lạm phát cao ấy trở thành  nỗi ám ảnh của giới đầu tư và kinh doanh tài chính. Họ tin khá chắc rằng Fed sẽ tiến hành và đẩy mạnh thu hồi chương trình kích cầu thu mua nợ vào tuần này. Không khéo, Fed cũng sẽ lên lịch tăng lãi suất cơ bản đồng Usd (hiện nay là từ 0%-0,25%) sớm hơn.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tại nước sản xuất cà phê số 1 thế giới Brazil cũng thật rất đáng ngại. Số liệu công bố cùng một ngày với Mỹ cho biết tỷ lệ lạm phát tháng 11/2021 của Brazil lên mức 10,74% tính từ 12 tháng nay. Đây là mức tăng gấp đôi so với chỉ tiêu của Ngân hàng trung ương Brazil đề ra là 5,25%.

Đối mặt với dự kiến thay đổi trong chính sách tiền tệ, thị trường tài chính có khả năng tiếp tục chao đảo mạnh và xu hướng này có lẽ vẫn như vậy trong những ngày cuối năm 2021 như: người mua bán chứng khoán chốt lời, Brazil tranh thủ xuất khẩu cà phê và các mặt hàng nông sản nhiều hơn, người kinh doanh hàng hóa thương phẩm thanh lý các hợp đồng dư mua để cân đối tài chính cho phù hợp với các thay đổi ấy cho đến khi họ thấy cân bằng được giữa đầu vào và đầu ra.

Mặt khác, lo ngại biến thể Omicron làm tăng gánh nặng về y tế và kinh tế thế giới vốn đã khó khăn do chống chọi với dịch bệnh từ hai năm qua. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu lên tiếng có thể hạn chế người dân ra khỏi nhà vào dịp lễ tết cuối năm. Trong lúc đó Mỹ hạn chế nhập cảnh du khách từ một số nước châu Phi và năm nước EU.

Giới kinh doanh cà phê lo ngại làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra có thể làm giảm lượng tiêu thụ cà phê vì quán xá và khách du lịch bị cấm cửa. Chính vì vậy, giá arabica tuần qua giảm mạnh trong khi giá robusta cũng giảm nhưng nhẹ hơn nhờ kỳ vọng dân chúng uống cà phê tại nhà nhiều hơn.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 385