Trong 2 ngày 6 và 7/7/2019, ở Brazil đã xuất hiện rét đậm rét hại tại các vùng sản xuất cà phê và mía đường mà người Việt thường gọi là ‘’sương muối’’.
Vậy thì ‘’sương muối’’ là gì? Tại trang điện tử, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn giải thích rõ ràng như sau: “”Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất, hay bề mặt cây cỏ, hoặc các vật thể khác khi không khí trên đó ẩm và lạnh. Nó thường hình thành vào những đêm đông, trời lặng gió, quang mây, khi mà bức xạ là nguyên nhân chủ yếu của quá trình lạnh đi của không khí và các vật thể. Sương muối không mặn mà chỉ trắng như muối, gần giống với lớp tuyết ở trong khoang lạnh của tủ lạnh.
Xem ra “màu trắng” của nó đã được thể hiện trong tên gọi sương “muối” ở Việt nam cũng như trong nhiều thứ tiếng trên thế giới, như tiếng Anh “hoar frost”, trong đó “hoar” là “trắng như tóc hoa râm”; tiếng Trung là “bạch sương”, bạch là trắng, tiếng Pháp là “gelée blanche”, “blanche” là trắng. Sương muối là hiện tượng nguy hiểm đối với nhiều loại cây trồng và vật nuôi.””
Một số status trên Facebook của một số các nhân, đơn vị cũng đã cho chúng ta các thước phim quay thực tế và nếu ai đã từng xem qua, thấy rất rõ rằng ‘’sương muối’’ đã ‘’rải’’ khắp một số vùng bị rét đậm rét hại ấy hoành hành.
Phim cũng cho ta thấy nhiều vườn, hàng cà phê ở Brazil bị ‘’cháy đen’’ vì giá băng đã làm vỡ các mao mạch hay nói cho dễ hiểu lá cà phê bị ‘’cháy lạnh’’và chuyển sang màu đen.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng sương muối không xảy ra đại trà trên tất cả các vùng trồng cà phê Brazil mà chỉ tại một số vùng. Theo USDA, Brazil ước có 2,39 triệu héc ta cà phê…vậy nên mức đọ ảnh hưởng của sương muối cũng tại một số vùng trồng mà theo người viết tìm hiểu, tại các vùng có sản lượng tổng cộng chừng 6-8 triệu bao, tuy nhiên không phải tất cả các nơi ấy cà phê đều bị cháy đen cả.
Nếu nhìn kỹ các phim quay về hiện trạng cây cà phê bị sương muối trên fanpage Facebook ‘’Thị trường cà phê’’ tại ‘’https://www.facebook.com/thitruongcaphe.net/’’, bạn sẽ thấy sương muối chỉ làm chòm lá bên ngoài cháy đen, nhưng bên trong nhiều cây vẫn còn xanh. Nên, nông dân Brazil có thể cắt bỏ phần bị hại để ‘’dưỡng’’ cho cây sinh trái cho một vài vụ sau (cũng như khi cây cà phê Việt Nam thiếu nước do hạn hán, nhà vườn cưa bỏ bớt để dưỡng cây, khỏi hao sức).
Nếu như cây vùng nào bị cháy rụi, nơi ấy phải đào bới lên để trồng mới lại và nếu vậy phải mất từ 3 đến 4 năm mới khai thác.
Có thắc mắc tại sao có sương giá nhưng giá không chịu tăng như nhiều lần trước đây? Lấy lại kỳ sương giá năm 1975, bấy giờ xuất hiện vào 2 ngày 17 và 18/7, thế giới lúc ấy đang thiếu cà phê nên giá kỳ hạn tăng ngoạn mục. Còn bây giờ, chỉ từ tháng 7/18-6/19, Brazil xuất khẩu 41,1 triệu bao, cao kỷ lục, trong khi cường độ sương giá vừa qua nhẹ, nên mức độ tăng chỉ chớp nhoáng. Đặc biệt khi nghe tin sương giá, nhiều nhà đầu cơ nhỏ lẻ nhảy vào mua hàng giấy. Khi đủ túc số, các quỹ đầu cơ tài chính quay ngược bán mạnh để bắt chặn lỗ những nhà kinh doanh nhỏ (cá bé)…Nên giá trong ngày trên sàn NY rớt đến gần 10 cts/lb so từ đỉnh xuống đáy. Chuyện lạ nằm ở đó!
Các bạn nên lưu ý sương muối thường xảy ra vào các ngày rằm tháng 7 và 8 và năm nay, hai ngày rằm này đang còn ở phía trước!
NGUYỄN QUANG BìNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đang, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283, xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên bất kỳ mạng xã hội nào như Zalo, FB, Viber...
Hits: 390