1/4/2019 Nhìn lại tuần trước, nói chuyện tuần này: Giá cà phê còn giảm?

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 25-29/03/19: Giá robusta London giảm mạnh.

Hình 1

Phiên 29/03/19 là ngày giao dịch cuối tuần, cuối tháng và là cuối quý 1 của hai sàn kỳ hạn cà phê.

Qua 3 tháng đầu năm 2019, xét về lợi suất đầu tư, sàn arabica New York mất 14,25% nếu tính từ đỉnh 110.20 với đáy 92.60 cts/lb trong kỳ, tương tự với sàn robusta London giảm 9,73% với đỉnh 1.613 và đáy 1.454 Usd/tấn.

Tính theo giá đóng cửa, riêng tuần trước, giá robusta mất 28 Usd/tấn chốt tại 1.456. Đây cũng là mức thấp nhất tính từ đầu tháng 12/18, bấy giờ đáy ở 1.441 Usd/tấn.

Với sàn arabica, giá đóng cửa cuối tuần qua chốt ở 94.50 tăng khiêm tốn 0.40 cts/lb sau khi vượt khỏi đáy trong kỳ là 92.60, đây là mức thấp nhất tình từ 13 năm trở lại (xem hình 1).

Tuần qua, thị trường cà phê có những đặc điểm đáng chú ý là:

Chỉ số giá cách biệt (arbitrage) giữa 2 sàn kỳ hạn trong tuần dao động khá mạnh trong phạm vi từ 25 đến 28 cts/lb, mức rất thấp trong lịch sử . Giá cách biệt giữa 2 sàn cà phê được cho là một chỉ báo quan trọng về tính hấp dẫn sức mua của người tiêu thụ như giới công nghiệp chế biến cà phê. Khi chỉ số này thấp, người mua chọn arabica, khi chỉ số này cao, họ quay về mua robusta. Mức cách biệt giữa hai loại cà phê hiện tại ở mức 28.44 cts/lb hay 627 Usd/tấn (xem hình 1), so với lúc đỉnh là gần 4.200 Usd/tấn, tương đương 14,9%, nghĩa là mức đắt đỏ của Arabica so với robusta đã giảm rất nhiều, trên 85%.

Trên sàn kỳ hạn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, giá chênh lệch giữa 2 tháng giao dịch gần nhất là 05 và 07/19 có lúc co lại, rồi tháng giao hàng 05/19 dâng cao hơn tháng 07/19 từ 2-4 Usd/tấn, hiện tượng này gọi là nghịch chiều (inverted) hay ‘’vắt giá’’ (squeezed). Nhưng đến ngày 29/03, giá tháng 07 lại trở về cao hơn tháng 05 với +15 Usd (1.456-1471), quay về thuận chiều (forwardation). “Vắt giá’’ được xem là một hiện tượng thiếu hàng giao cục bộ nếu nhìn từ phía cung-cầu. Trong cách đi của thị trường hiện nay, đây chỉ là một thủ thuật tài chính của giới kinh doanh trên sàn để kiếm ăn chênh lệch giá hay khuyến khích người bán các hợp đồng giao sau, thường là các hợp đồng xuất khẩu chưa chốt giá cuối cùng, chuyển tháng từ 05 sang 07/19 với nhiều lý do khác nhau.  

Giá cà phê trên thị trường nội địa tại nhiều nơi ở Tây Nguyên, vùng cung ứng trọng điểm của Việt Nam quanh mức 32,2-33 triệu đồng mỗi tấn, giảm chừng 0,5 triệu đồng so với tuần kết thúc ngày 23/03/19, ngang nhịp với mức giảm của sàn London.

Giá yếu, bán mới không nhiều, chỉ lo bán chặn lỗ cho hàng đã giao.

Như vậy, giá cà phê trong nước mất thêm 0,5 triệu đồng mỗi tấn vào tuần trước. Mức 33 triệu đã từng giữ được trong một thời gian dài, đến nay, khó lòng giữ vững. Với cái nhìn tiêu cực do chịu ảnh hường giá tham chiếu, tuần này dễ phá mức 32 triệu để xuống 31,5 triệu đồng mỗi tấn.

Có thể giá thấp, ít người bán mới, nhưng do hàng giao kho chưa chốt giá (bán trừ lùi) còn tồn đọng lớn cơ sở tháng 05/19 trên sàn, giá nội địa có thể phải xuống theo mạch chung với giá kỳ hạn.

Dự đoán giá của thị trường nội địa sẽ quanh mức 31,7-33 triệu đồng mỗi tấn cho tuần này hay bình quân chung ở khu vực 32 triệu đồng mỗi tấn.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trích từ NCIF 1/4/19

Hits: 237