08/11/2021 Soi tồn kho cà phê qua lăng kính “giãn cách”.

Kho sản xuất cà phê tại Lâm Đồng - thitruongcaphe.net

Báo cáo của ICO cho thấy xuất khẩu cà phê niên vụ cũ kết thúc 30/09/21 tăng 1,23% nhưng hầu hết các báo cáo tồn kho lại giảm. Riêng tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc sàn London giảm liên tục nhiều tháng. Không lẽ tiêu thụ trong thời gian nhiều nước trên thế giới thực hiện giãn cách và phong tỏa lại tăng?

Ngược lại, hàng cà phê thành phẩm trên các kệ hàng tại siêu thị thiếu nhưng tồn kho hàng thành phẩm của tất cả hàng hóa trong đó có cà phê rang xay và hòa tan lại dư. Từ nay cho đến cuối năm, hầu hết các siêu thị tại Âu Mỹ có chủ trương bán hàng khuyến mãi nhiều đợt để giải phóng hàng thành phẩm tồn đọng tại các kho lưu trữ.

Như vậy, có thể thấy rằng khủng hoảng chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu vừa qua không chỉ riêng chuyện thiếu containers rỗng và chỗ trên tàu mà còn có rất nhiều trục trặc tại các khâu, kênh phân phối. Nhìn theo cách di chuyển của hạt cà phê, có thể giải thích khủng hoảng chuỗi cung ứng là từ nông trại đến ly cà phê tiêu dùng chứ không dừng tại một phân đoạn riêng rẽ nào.

Số liệu mới nhất chúng ta có được về tồn kho khả dụng – là tồn kho được chở đều đặc đến các nhà máy chế biến – vẫn còn nằm trong vùng an toàn. Tại Bắc Mỹ, cà phê khả dụng vẫn sẵn sàng cung cấp cho các nhà máy trong vòng 12-14 tuần liên tục (361.357 tấn), tại châu Âu từ 14-15 tuần (866.538 tấn).

Như vậy, lượng giảm trên tồn kho đạt chuẩn – là tồn kho để các nhà kinh doanh làm giá trên sàn – là do các nhà kinh doanh bán rỉ rả chỉ khi thấy có lãi. Giá chuẩn cà phê loại 2 “Liffe” (tên cũ của sàn London) ở mức -30 Usd/tấn dưới giá niêm yết. Cũng nên đặt vấn đề là tại sao giá xuất khẩu hiện nay tại Việt Nam là -300 Usd/tấn Fob dưới giá niêm yết, nhưng các nhà kinh doanh không mặn mà đưa hàng qua sàn để bán. Thật ra, chênh lệch 270 Usd (giữa 300-30) có thể chỉ đủ hoặc thậm chí thiếu để trả tiền cước và các chi phí đưa bán trên sàn. Vậy, có thể đoán rằng lượng cà phê xuất khẩu tăng như ICO báo đã âm thầm đi trực tiếp đến các cơ sở chế biến trong các đợt giãn cách và phong tỏa và không phản ánh đủ trên các báo cáo tồn kho.

Nên cần nhìn nhận rằng các báo cáo tồn kho mà thị trường có trong tay chưa nói lên thực tế: dù đại dịch gây nhiều khó khăn, nhưng cà phê tại các cơ sở chế biến vẫn có đủ để sản xuất.

Cho đến nay, người mua vẫn chưa tỏ thái độ cần hàng vì lý do như nói trên cộng với việc họ tránh rủi ro do giá cả tăng giảm thất thường, chỉ mua và đi hàng khi cần kíp.

Chính vì vậy, có thể đoán rằng giá trên hai sàn cà phê đã chạm đỉnh. Liệu còn các đỉnh khác về sau? Có thể có nhưng khả năng tăng không rực rỡ như đợt vừa qua. Cho đến bao lâu? Mức nào? Nếu được phép mạnh dạn trả lời, khi vượt qua vùng 2.275-2.278 với lượng hợp đồng mua cực lớn nhưng sẽ rất khó khăn để qua được 2.300 Usd/tấn trong thời gian tới đây.

Nên có thể lấy 44 triệu đồng/tấn là mức cao nhất của thị trường cà phê trong nước lập vào tháng trước, đó chính là đỉnh và sẽ dao động quanh vùng 40-43 triệu đồng/tấn cho đến khi thông tin về cung-cầu cà phê có chuyện gì mới.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 547