Vào rừng Yok Đôn, vừa đi vừa nghĩ

nguyễn quang bình

(TBKTSG) – Con đường rải nhựa trơn tru đưa mấy anh em bọn tôi đi tạm lánh cái ồn ào của phố thị trong những ngày Tết Mậu Tuất với mong ước hưởng chút yên lành.

Qua hơn 40 cây số với chừng đâu 25 phút đồng hồ, chiếc ô tô 7 chỗ đã đến trung tâm huyện Buôn Đôn, tỉnh Daklak, là nơi có lâm trường bộ của Vườn quốc gia Yok Đôn. Nghe nói vừa rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định bàn giao quyền quản lý vườn quốc gia nổi tiếng của vùng Tây Nguyên này cho tỉnh.

Vấn đề ai quản lý có lẽ chưa quan trọng bằng câu hỏi trong mươi năm nữa liệu rừng có còn không, hay bấy giờ địa phương lên bảng thành tích “sự nghiệp phá rừng hoàn toàn thành công” như một số anh em đến từ nơi khác thường nói đùa với nhau khi có những tỉnh “lỡ” để mất rừng đến nỗi phải hứng chịu cảnh lụt lội, lũ quét, thời tiết cực đoan…

Đối với người thành phố, đi vào rừng với chiếc xe tiện nghi và đường sá êm ái, hai bên đường nhà cửa san sát nên vẫn cảm thấy ấm áp như vào xóm nhà mình. Nhưng với người từng biết và sống với rừng, dễ không khỏi chột dạ.

Daklak từng là tỉnh có diện tích lớn nhất nước. Nhưng hiện thời là một tỉnh được thu nhỏ hơn sau khi tỉnh Dăk Nông tách ra. Từ bất kỳ người dân nào cho đến ông cán bộ tỉnh này đều rất hãnh diện với đàn voi mà theo họ khoe chỉ mình họ có. Nên không ngạc nhiên khi rất nhiều địa phương, công ty, doanh nghiệp của tỉnh này đều muốn giành hình ảnh con voi hoành tráng để làm logo cho đơn vị mình như một hình tượng đặc trưng.

Cách nay hai mươi lăm hay ba chục năm gì đấy, từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, bạn phải tốn một tiếng rưỡi hay hai tiếng đồng hồ mới đến được huyện lỵ Buôn Đôn. Bấy giờ đường sá gập ghềnh, nắng bụi mưa bùn, bìa rừng giáp bìa làng ngay ở cuối đường Phan Bội Châu hiện nay. “Làng” ấy nay chính là thành phố Buôn Ma Thuột. Đi xa hơn, là rừng tiếp nối rừng. Thời ấy khi có dịp đến đây, người đi đường vẫn còn vui mắt nhìn từng đàn cu cườm sà cánh xuống mặt đất gồ ghề tìm kiếm thức ăn rơi rớt từ những chiếc xe của nhóm lái buôn đưa gạo cơm mắm muối vào đổi chuối, măng tre và một vài đặc sản rừng của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương này, những người từ bao đời sống không xa được với rừng.

Thế nhưng, có lẽ muốn thấy tốc độ đô thị hóa ở đâu nhanh nhất, không đâu bằng quan sát tại các vùng rừng núi. Một số cụ già hiện còn sống ở Buôn Ma Thuột kể rằng từ thập niên 1950 trở về trước, Buôn Ma Thuột vẫn còn là một vùng rừng thiêng nước độc. Nhà tù Buôn Ma Thuột, nơi Pháp lưu đày nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng như Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh…, ngày xưa xung quanh đó là rừng rậm đầy dã thú, thì nay nằm gọn lỏn trong lòng thành phố với nhà tường gạch chen chúc lấn át nhau ngột ngạt, như nhà nào cũng muốn vươn cao hơn để giành lấy khí trời về phần mình.

Tuần tra giữa rừng. Ảnh: Nguyễn Quang Bình

Đường vào Yok Đôn hiện nay mất hết “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Các dãy nhà xây mọc hai bên đường đã liếm hết các rừng cây, vốn từng tồn tại mấy ngàn năm mà bây giờ chỉ có thể còn lưu đâu đó trong truyện cổ tích. Có người vui vui so sánh diện tích tỉnh Daklak to như là con voi, còn rừng thì bị thu nhỏ lại chỉ còn bằng cái tai của loài sinh vật được cho là có kích thước lớn nhất rừng.

Mà đúng thế thật, nhìn lên bản đồ, hình thể vườn Yok Đôn không khác gì cái tai voi còn sót lại sau khi nhiều rừng cây bị cạo sạch vì muôn vạn lý do như chiến tranh, vì sinh kế con người, vì sự nghiệp phát triển kinh tế của xã hội văn minh và nhất là vì sự khai thác tận diệt của đám lâm tặc và những kẻ hỗ trợ lâm tặc.

Thả xe ở bìa rừng, bọn tôi đi bộ vào sâu dưới các tán cây cao vút dù nhiều vùng cây ở Yok Đôn đã đến mùa thay lá. Nghe kể chỉ cần đến sớm cách nay chừng hai tháng tức cuối tháng 1 Dương lịch, tại nhiều khu rừng bạt ngàn này, lá rủ nhau chuyển sang màu đỏ, hợp chung với đất đỏ quạch dưới chân, hòa trong nắng sáng hay ráng chiều, tạo thành một bức tranh thiên nhiên thật ấn tượng bởi những gam màu nóng. Tiếng gió thổi lá rừng xào xạt, tiếng chim kêu, gà gáy…, và rồi từng chặp im bặt đến lạ lùng như muốn thả cảnh vật về với sự tĩnh lặng, trong thế giới âm dương sinh động sinh ra vũ trụ và con người. Chỉ nghe người gác rừng kể đến đấy đã đủ mê hết muốn về lại phố thị.

Vườn quốc gia Yok Đôn là một rừng khộp đặc hữu có diện tích 115.545 héc ta ở độ cao chừng 200 mét cùng với ngọn núi 482 mét so với mực nước biển mang tên Yok Đôn. Theo nghĩa tiếng M’Nông, Yok là “dốc”, Đôn là “đảo”. Khu vực rừng này vẫn còn rậm rạp các loại gỗ quý như giáng hương, cẩm lai, trắc, bằng lăng, căm xe…, các loài động vật quý hiếm, là nơi còn nhiều cá thể voi nhất Việt Nam dù con số đếm mỗi lúc một nhỏ dần.

“Đóng cửa rừng là cấm khai thác gỗ và săn bắt các động vật sống trong rừng”, ông Huỳnh Hiệp, Phó giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, nói. Với cả hàng trăm ngàn héc ta rừng, biên chế lực lượng kiểm lâm chỉ chừng 270 chiến sĩ, việc giữ cho được nguyên trạng rừng Yok Đôn là một thách thức rất lớn. Vì ngoài nhiệm vụ giữ rừng, sinh vật và sinh cảnh trong rừng, cán bộ, nhân viên kiểm lâm Yok Đôn còn phải canh chừng vô số kẻ gian hàng ngày vào rừng khai thác phi pháp. Những cây gỗ hương lừng lững trong rừng có giá trị từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng khiến ai không vướng lòng tham, chứ nói gì đến lâm tặc!

Quanh “rừng vàng” ấy là hàng chục xã với cư dân hầu hết là người nghèo, trình độ phát triển kinh tế-xã hội còn thấp. Bao lâu chưa giúp dân làng sống ở bìa rừng có công ăn việc làm ổn định, thì nội chuyện vào rừng “kiếm cơm” của mấy chục ngàn cư dân ấy cũng đã khó kiểm soát.

“Khai thác kinh tế rừng bây giờ không nên nghĩ là chỉ đốn cây, bắt thú như ngày xưa. Chúng tôi đang tìm hướng mở rộng hoạt động du lịch sinh thái với ước muốn lý tưởng là mỗi một khách du lịch trở thành một người bảo vệ rừng, một “ăng ten” trong khu rừng vắng “mất sóng” điện thoại này cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”, ông Hiệp trình bày ước vọng khát khao của mình.

Cùng với nhiều khu rừng khác trên địa bàn Tây Nguyên, “lá phổi” Yok Đôn đang bị hoạt động con người đe dọa phá thủng hàng ngày. Người ta ví hình thể rừng Yok Đôn như cái tai voi, liệu mở rộng khai thác du lịch có làm ù thêm hay xẻo bớt tai voi?

“Làm kinh tế là làm ra tiền, nhưng kinh tế bền vững đâu nhất thiết phải chạy theo doanh số và lợi nhuận. Nhiệm vụ giữ và bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn là trên hết. Điều đó có nghĩa rằng phải có dự án phát triển du lịch tiệm tiến, cẩn thận với doanh số cho rừng Yok Đôn vì mục đích bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng”, ông Huỳnh Hiệp chia sẻ nhưng vẫn còn lộ vẻ ưu tư trên khuôn mặt người kiểm lâm trạc ngũ tuần về những đề án kinh tế du lịch đang nung nấu.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG 8-3-2018

Hits: 60