Tuổi già hạnh phúc

(KTSG Online) – “Em chúc ông bà sống lâu thật lâu…” là lời một bài hát dễ thương mang đậm tính chất giáo dục, dặn dò các cháu nhỏ chúc ông bà trường thọ trong ngày Tết Nguyên đán. Đối với phong tục người Việt, đến lục tuần được cho là “thọ”, là có thể trở thành ông bà nội ngoại cả rồi!

Chúc vậy là đúng rồi! Nhưng chắc nhiều cụ thời nay thắc mắc… sao cháu không chúc ông bà “trẻ lâu” nhỉ? Vì nói thật, hiện chưa mấy ai quá lục tuần mà muốn quanh quẩn trong nhà hay đòi vào viện dưỡng lão cả. Nhiều ông bà nay có khi quá 70 rồi nhưng vẫn chưa chịu “dừng chân trên bến” vì cảm thấy “nắng chưa phai”(*).

Thật vậy thôi, tuổi thọ bình quân của người Việt theo thống kê năm 2020 là 73,6 tuổi thì 60-70 vẫn còn trẻ chán, chẳng phải vậy sao? Thi thoảng họp hội người cao tuổi, niềm hãnh diện của nhiều cụ còn nguyên, tự sướng với nhau như thế này đây:

“Sáu mươi chưa phải là già / Sáu mươi là tuổi mới qua dậy thì / Sáu lăm hết tuổi thiếu nhi / Bảy mươi là tuổi mới đi vào đời / Bảy lăm là tuổi ăn chơi / Tám mươi là tuổi yêu người yêu hoa / Chín mươi mới bắt đầu già / Đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu thương…”/

Theo một số chuyên gia lão khoa, đối với một người được cho là trường thọ, gien chỉ quyết định chừng 10%. Còn có khi một người sống đời đạo hạnh, ai sống đời sống tâm linh chuẩn mực, thì có thể thọ thêm 7 năm. Một khảo sát khác nói rằng người nào vào năm 65 tuổi, chịu khó ngày nào cũng tập thể dục đều đặn, chế độ ăn uống điều độ… thì có khả năng sống đến 83.

Như vậy, sống lâu không phải là chuyện “trời cho” như một số cụ xưa thường quan niệm. (Nhưng biết đâu được những cụ hưởng được trường thọ 80-90 tuổi nhờ họ đã thực hiện bền bỉ các nguyên tắc sống riêng cho mình rồi chỉ khiêm nhượng nói “nhờ ơn trên”, thế thôi!)

Sống thọ phải được xem như một quá trình nỗ lực, là năng lực sống tuân thủ các phép vệ sinh từ ăn uống, thể dục thể thao, luyện tập tinh thần, vui vẻ với con cháu, thân tình với nhân quần mà bất phân sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, giàu hay nghèo… Dĩ nhiên, điều kiện và hoàn cảnh xã hội, y tế, môi trường chung đóng góp một phần không nhỏ để có một cộng đồng dân cư hạnh phúc và phần nào đó sống khỏe, sống lâu chứng minh cho điều ấy. Nếu như sinh, lão, tử là quy luật của muôn đời của con người thì “bệnh” chi phối và quy định ba cái “khổ” kia.

Đối với người Việt Nam, thống kê tuổi thọ cho biết dù mức bình quân cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của nam giới chỉ 63,2 còn nữ giới lên đến 70 tuổi.

Như vậy, muốn trẻ bền tức sống lâu mà không khổ vì tật bệnh được các chuyên gia sức khỏe khuyên như sau:

-Chế độ ăn uống điều độ, thực phẩm sạch lành

-Tập thể dục thể thao thường xuyên

-Thực hành sức khỏe tinh thần như thiền, yoga đều đặn

-Làm chủ cảm xúc (suy nghĩ tích cực, lòng tốt, lòng tự trọng, v.v.)

-Kiểm soát tinh thần (động lực, sức mạnh tinh thần, kích thích trí tuệ, v.v.)

Chứng tỏ rằng các cụ sống lâu được là nhờ biết cách kết hợp hài hòa năm trụ cột trên mới hạnh phúc kéo qua khỏi 70.

Đất nước ta bốn mùa hoa trái, nhiều loại rau quả ích lợi cho sức khỏe hơn cả “đào tiên”. Chịu khó vận động, tu tập tinh thần tinh tấn, kích hoạt các huyệt đạo từ thân xác đến tinh thần… thì chắc ngày Tết sau này, con cháu phải chúc tuổi ông bà “trẻ lâu thật lâu” là có thiệt.

—————-

(*) Lấy ý và lời trong bài “Sài Gòn đẹp lắm” (1960) của Y Vân

NGUYỄN QUANG BÌNH, bài đã đăng trên mục Tết tản mạn của TC KTSG online ngày 13/2/2024 (mồng 4 Tết Giáp Thìn).

Hits: 66