Thị trường nông sản đang vào vùng nhiễu động?

Mới vừa ra khỏi lệnh phong tỏa cuối năm ngoái, nghe thành quả xuất khẩu quý 1/2022 được Bộ Công Thương công bố mà vẫn chưa dám tin…vì ngỡ như người đang trong cơn mơ mòng vì dịch bệnh Covid-19. Hóa ra là thật 100%.

Con số biết nói

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu 2022 đạt 88,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương còn cho biết xuất khẩu cà phê tăng 19,4% về lượng và 50,4% về giá trị, hồ tiêu tuy giảm về lượng nhưng tăng về giá trị đến 40,8%, gạo cũng tăng 24% về lượng và 10,5% về giá trị…Theo báo cáo, tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản trong kỳ tăng 19,7% so với mặt bằng chung 10%…

Có thể thấy rằng tâm lý háo hức làm ăn của nhà vườn và giới kinh doanh nông sản khi vào thời kỳ “bình thường mới” với những con số ấn tượng như vậy thì chẳng còn chi thuyết phục hơn. Nếu các nhà xuất khẩu đào hộn hột (hột điều) cẩn thận hơn một chút để khỏi va vấp với 100 containers bị mấy tay gian thương quốc tế muốn cướp đoạt không trả tiền…thì bức tranh xuất khẩu nông sản vừa qua còn đẹp hơn nữa.

Mừng đó, lo đó

Thế nhưng, bước qua tháng 04-2022 đầu quý 2, những gì xảy ra trên thị trường nông sản đã làm nhà vườn và giới kinh doanh nông sản không khỏi bối rối. Nhìn tổng thể, mặt bằng giá hàng hóa thương phẩm tăng trong đó giá nhóm nông sản lương thực ngũ cốc vẫn lên đều nhưng nhóm   nông sản không thiết yếu có phần lung lay.

Đơn cử như giá cà phê vối (robusta) trên sàn London tuần đầu quý 2/2022 mất 34 đô la để còn 2.096 đô la/tấn cơ sở giao dịch kỳ hạn tháng 07-2022 vào ngày 8-04. Giá cà phê nội địa tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng trung bình rớt từ 43,5 triệu đồng/tấn lập trong quý 1-2022 xuống còn 42 triệu đồng/tấn sau khi chạm đáy 41 triệu đồng/tấn. Giá hồ tiêu mất mốc cao 87 triệu đồng để về quanh 77 triệu đồng/tấn khi giá xuất khẩu hồ tiêu chất lượng trung bình (dung lượng 500 gr/lít) mất 200 đô la/tấn để còn quanh 3.750 đô la/tấn…

Xâu chuỗi sự kiện xảy ra trên thế giới hiện nay ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng hóa thương phẩm nói chung và giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (trừ gạo) của Việt Nam nói riêng.

Các mặt hàng rau củ quả bao lâu nay sính vính với thị trường Trung Quốc thì nay nhiều loại hàng hóa khác không khéo cũng chung số phận. Hàng năm Trung Quốc nhập chừng 40 ngàn tấn hồ tiêu thì thời gian qua hầu như im bặt. Số lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang TQ trong kỳ giảm đến 81,4% chi đạt gần 2.200 tấn.

Thành phố Thượng Hải, một cảng nhộn nhịp bậc nhất thế giới bị phong tỏa theo chính sách zero-Covid của TQ. Ngay lập tức, xuất hiện tình trạng thiếu xe tải, thiếu nhân công tại cảng, hàng hóa ùn ứ từ trong các nhà máy ở sâu trong nội địa đến kho cảng, chiều nhập khẩu cũng kẹt không kém. Hiện dấy lên lo ngại khủng hoảng logistics quay lại. Mới đây, hiện tượng thiếu containers và chỗ trên tàu đã đưa giá cước vận tải tăng ngất ngưởng, thì nay, phong tỏa cảng Thượng Hải là một trở ngại lớn cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam vì đó cũng là một cảng trung chuyển của nhiều hãng tàu biển lớn chở hàng hóa của Việt Nam.

Dù ở xa bãi chiến trường đến hàng chục ngàn cây số, cuộc đụng độ giữa Nga với Ukraine vẫn làm “chát tai” nhà vườn và người kinh doanh nông sản Việt Nam bởi giá đầu vào và chi phí làm hàng tăng chóng mặt.

Giá các mặt hàng năng lượng tăng liên hồi, giá phân bón trong nước tăng gấp đôi gấp ba so với năm trước. Nhiều nhà vườn báo thiếu phân Kali và SA, vốn là thức ăn nuôi trái cho cây cà phê, hồ tiêu và nhiều loại cây trái khác. Thế mà các loại phân bón này đang bị các nước tham chiến và Belarus, nước lân cận và đồng mình của Nga, báo ngừng xuất khẩu…cho đến khi có thông báo mới. Các loại phân bón này sử dụng cho một số cây công nghiệp dài ngày hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu của các nước ấy. Chiến tranh tại Đông Âu tạm thời làm gián đoạn thị trường xuất khẩu các mặt hàng sang các nước Đông Âu. Đơn cử như hồ tiêu, cả quý 1/2022, nhập khẩu Nga giảm 52% và Ukraine giảm 70%.

Nga và Ukraine được cho là vựa lương thực của thế giới. Nhiều nước tại các châu lục như Âu, Á, Mỹ…đều dựa vào nguồn cung ứng lúa mì, dầu hướng dương…của hai nước này. Nhưng nay, nguồn cung ứng ấy đều tắc đường. Giá lương thực tại các nước và trên sàn hàng hóa tăng vù vù. Tiền lương tăng không theo kịp lạm phát…Thế là nhiều gia đình phải tập trung vào cái ăn thiết yếu. Cà phê, hồ tiêu, đào lộn hột…đôi lúc cũng cần nhưng nhịn ít bữa đâu có chết mà lo!

Nhưng mối lo dai dẳng nhất sắp tới đối với thị trường nông sản thương phẩm chính là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Fed đã quyết định thu hẹp và đi đến thu hồi nguồn tiền mặt họ đã rộng tay cung ứng cho nền kinh tế trong đại dịch và lập tức sau đó tăng lãi suất điều hành đồng tiền đô la Mỹ 0,25%, trước đó vốn gần bằng 0%.

Đứng trước nạn lạm phát trong nước lên 7,9% trong đó chủ yếu do giá xăng dầu tăng 38% và lương thực 8%, nhiều người trong Ủy ban kinh tế-tài chính (FOMC) của Fed đã gióng tiếng “cần tăng lãi suất điều hành thật nhanh thật mạnh” để sao cho đến cuối năm nay đạt đến 2,25%-2,5%. Lãi suất tại các ngân hàng thương mại có thể còn cao hơn như 4%-5% chẳng hạn do thị trường vay đã chuyển sang tay người cho vay.

Cứ tưởng tượng từ 0,50% hiện nay, chỉ trong vòng mấy tháng lãi suất cơ bản lên đến 2,5%…thì cuộc chơi trên thị trường phải thay đổi đến nhường nào. Liệu có ai dám vay để mua hàng để trả lãi suất cao về sau hay phải tìm thị trường bán trước?

Tỉnh táo tìm cơ hội

Rất là thú vị khi đọc được ý định “lấy ngắn nuôi dài” của giới kinh doanh vận tải biển trong một bài báo tại trang chuyên ngành của họ (*). Đại ý như sau: Giá cước vận tải biển hàng khô vẫn tiếp tục xu hướng tăng, đặc biệt ngay từ đầu quý 2/2022 đã thấy hơi hướm tích cực. Thị trường hàng hóa thế giới nhìn chung chưa thể hết bất ổn và biến động thất thường. Chiến tranh tại Ukraine càng làm cho thị trường loạn nhịp và khó đoán hơn trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa thấy chấm dứt. Có thể đoán rằng bao lâu Đông Âu còn loạn lạc, Covid còn trỗi dậy đây đó và lạm phát tại các nước phát triển chưa ghìm được, thì bấy lâu đó là cơ hội cho giá cước tàu…Chiến tranh có thể qua mau, dịch bệnh chỗ này khác chỗ kia, lạm phát không thể kìm một sớm một chiều, giá cước tàu biển sẽ theo phái cơ hội với đầy sóng gió…là những yếu tố quyết định giá một số mặt hàng nông sản (trừ gạo) xuất khẩu của Việt Nam như đào lộn hột, gia vị, cà phê…

Do thị trường khi tắt, khi mở bất thường, tính đường trữ hàng chờ giá tăng xem ra không ổn bằng “đánh cú”. Đừng sợ “đánh cú” là mang tiếng chụp giựt. Không phải thế. Đấy là cách ẩn mình khôn ngoan để tránh rủi ro, tránh “đạn lạc” giữa một thị trường đang hôm nay no vốn bỗng nhiên ngày mai trở bụng đói. Kinh doanh là kiếm tiền…nhưng thấy trước rủi ro và tìm cách đi phù hợp thì vẫn hơn.

==

(*) “Dry Bulk Market: A Mixed Bag So Far”, trên portal của Hellennic Shipping News Worldwide ngày 8-04-2022

Nguyễn Quang Bình

Bài đã được đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn 14/04/2022

Hits: 194