Thị trường cà phê thế giới: Nhìn lại năm 2018
Thị trường cà phê thế giới vừa qua một năm với nhiều biến động. Giá cà phê toàn cầu tuy có lúc tăng lúc giảm, nhưng chủ yếu theo hướng giảm (đầu năm cao cuối năm thấp).
Đâu là bức tranh chung của thị trường cà phê toàn cầu trong đó có Việt Nam? Các con số và biểu mẫu dưới đây hy vọng sẽ góp thêm tư liệu cho người kinh doanh cà phê và nhà nghiên cứu như một trong các phương tiện định vị thị trường, tạo thêm cơ sở cho những nhận định về thị trường của mặt hàng này năm 2019.
Phần cuối của bài này cố gắng đưa ra một cách tóm tắt những tác động có thể ảnh hưởng đến giá cà phê năm 2019.
Thế giới được mùa cà phê?
Hầu hết các dự báo sản lượng cà phê và tồn kho cuối kỳ đều được tính theo niên vụ – bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 9 năm sau. Niên vụ cà phê thế giới 2017/18 được cho là nhỏ hơn 2018/19. Nhưng áp lực trên giá cà phê của năm có sản lượng lớn 2019 đã đi trước và đẩy thị trường về hướng tiêu cực trong năm 2018.
Căn cứ vào báo cáo cung-cầu cà phê thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành đầu tháng 12/2018, dù lượng tiêu thụ cà phê có tăng, nguồn cung ứng cà phê trên thế giới vẫn dồi dào giai đoạn cuối 2018 xuyên qua 2019 và tồn kho cuối kỳ tăng mạnh.
Cũng theo báo cáo, Brazil có thể đạt 63,4 triệu bao (+12,5 triệu bao) trong đó có 16,5 triệu bao robusta; Việt Nam – nước có sản lượng lớn thứ hai sau Brazil và lớn thứ nhất về robusta – tăng 1,1 triệu bao lên 30,4 triệu bao.
Ước báo mới đây của Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu lớn nhất Việt Nam (G20) thuộc Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam giữa tháng 12/2018 cho rằng sản lượng cà phê nước ta năm nay giảm 20%, nhưng thị trường vẫn chưa thấy chịu ảnh hưởng của công bố ấy mà đang còn ‘’làm việc’’ dựa theo con số của USDA.
Dù mất mùa, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết khối lượng xuất khẩu 12 tháng tính đến hết tháng 10/18 của Brazil tăng 5,4% đạt 33,18 triệu bao. Năm 2018, Tổng cục Thống kê ước xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng 20,1% đạt 1,88 triệu tấn.
Áp lực lên giá và một số biểu hiện của thị trường
Dựa trên cán cân cung-cầu thị trường cà phê thế giới (hình 1), không chỉ các nước sản xuất bán mạnh, các quỹ đầu tư tài chính suốt năm qua tăng cường bán khống và luôn luôn có lượng dư bán lớn (net short), ảnh hưởng xấu đến giá trên 2 sàn cà phê robusta London và arabica New York.
Tính đến hết ngày 25/12/18, các quỹ đầu tư tài chính trên hai sàn kỳ hạn vẫn ở vị thế dư bán, ở London 256.130 tấn và New York ước chừng 1 triệu (*tức chừng 60.000 hợp đồng (số ước đoán lượng thực tế của tác giả – riêng số 60.900 lô dựa trên số cũ ngày 18/12/18, với lý do chính quyền Mỹ đóng cửa một phần không làm việc nên đơn vị trách nhiệm liên quan không phát hành cho đến khi mở cửa toàn phần). Trong năm, có lúc lượng dư bán tổng hợp gồm của cả thị trường kỳ hạn và quyền chọn sàn arabica New York tăng mức kỷ lục mọi thời đại với 113.412 lô hay hơn 1,93 triệu tấn, trong khi London lên gần 360.000 tấn (hình 2). Các quỹ đầu tư càng bán, giá trên các sàn kỳ hạn càng bị kéo xuống thấp.
Áp lực bán mạnh từ các phía, hàng thực (xuất khẩu) lẫn hàng giấy (hợp đồng kỳ hạn) phản ánh rõ ràng lên giá của 2 sàn kỳ hạn.
Giá cả 2 sàn kỳ hạn cà phê cao đầu năm nhưng thấp cuối năm. Biểu sau đây giải thích thêm hai đồ thị trong Hình 3 và Hình 4:
Lợi suất đầu tư âm của hai sàn cà phê 2018: So với giá đóng cửa ngày 31/12/18 của sàn arabica tại 101,85 cts/lb, lợi suất thu hồi âm với -27.25%, còn London đóng cửa ở 1.525 Usd/tấn lợi suất thu hồi cho đầu tư trên sàn này cũng âm ở -15,28%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tính từ ngày 12/01/16 nếu ai mua trên sàn New York sẽ thua lỗ 26,34 % (-36,10 cts/lb) và London lỗ 30,11% (-650 Usd/tấn).
Tác động từ các yếu tố khác
Các yếu tố căn bản khác cũng tỏ ra không ủng hộ giá cà phê.
Do 2 sàn kỳ hạn cà phê sử dụng đồng Usd làm phương tiện giao dịch, ảnh hưởng của giá trị Usd lên giá sàn cà phê với tư cách hàng hoá thương phẩm rất rõ ràng. Trong năm 2018, Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản đồng Usd lên 4 lần nay đạt 2,25-2,50%/năm đã làm đồng Usd mắc hơn, chi phí tài chính cao hơn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người mua giảm, cho nên nhiều người phải bán thanh lý hàng hoá của mình để bảo toàn vị thế vốn bằng Usd. Hiện nay, chỉ số Usd đang quanh mức 96 điểm (hình 6). Chỉ số này còn tăng trong năm 2019, khả năng còn gây khó khăn cho giá cà phê.
Brazil là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Mỗi khi đồng nội tệ Reais nước này (Brl) mất giá so với Usd, sẽ là điều kiện cho Brazil bán mạnh. Càng về cuối năm 2018, đứng trước một đồng Usd mạnh hơn, Brl đã mất giá còn 3,88 Brl ăn 1 Usd (hình 7).
Không chỉ giá hai sàn cà phê xuống, chỉ số CRB (gồm rỗ 19 loại hàng hoá thương phẩm) trong năm 2018 cũng giảm, tạo nên một mặt bằng chung thấp cho giá hàng hoá. Đến ngày 31/12/18, chỉ số CRB ở mức 175.96 điểm, cả năm mất 10,66% (hình 8).
Nhìn vào năm 2019
Những khó khăn và rủi ro của thị trường của năm 2018 vẫn còn đi theo ngành cà phê trong năm 2019.
-Brazil được mùa. Nhiều đơn vị có quyền công bố sản lượng cà phê hàng năm của nước này, dù rất bảo thủ, cũng ‘’lật bài ngữa’’với các con số lớn quanh 60 triệu bao, thậm chí đến 63,7 triệu bao. Lợi thế của Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu cả hai loại cà phê gồm arabica và robusta. Năm nay Brazil lại trúng mùa robusta nên hàng hoá rất sẵn sàng. Khi giá arabica thấp, họ bán robusta, và ngược lại.
-Mỹ hứa hẹn còn tăng lãi suất cơ bản đồng Usd trong năm nay chừng 2-3 lần. Yếu tố bất lợi này xem ra khá dai dẵng cho đến 2020. Mặt khác, đồng nội tệ của Brazil chịu ảnh hưởng rất lớn từ đồng Usd. Khi Usd mạnh, Brl yếu, có thể sẽ tạo nên làn sóng bán mạnh từ Brazil trên thị trường.
-Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngừng dù trong cú điện thoại chúc nhau năm mới 2019 trước thời điểm giao thừa, hai vị lãnh đạo D. Trump và Tập Cận Bình hứa cố gắng tìm tiếng nói chung trong đối thoại để xích lại gần nhau . Bao lâu còn chiến tranh thương mại, sức mua hàng hoá nói chung của hai nước, nhất là Trung Quốc giảm, tạo cho mặt bằng giá hàng hoá thương phẩm nói chung theo hướng tiêu cực nhiều hơn.
-Giá dầu thô xuống thường tác động xấu đến hoạt động và tăng trưởng kinh tế, làm giảm sức mua hàng hoá nói chung và cà phê nói riêng.
Những hy vọng giá cà phê tăng gồm một là hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino được các cơ quan khí tượng Mỹ và Australia cảnh báo có thể xuất hiện vào cuối quý 1 năm 2019. Hạn hán do El Nino đem lại thường gây thiệt hại sản lượng cho các vùng cà phê lớn hơn bị sương giá. Đây là yếu tố bất ngờ nhưng có thể làm đảo hướng giá tuỳ theo cường độ của hiện tượng thời tiết này; hai là các quỹ đầu tư trên 2 sàn quay lại mua bù và về vị thế dư mua nếu như thị trường tài chính tạo điều kiện hay hiện tượng thời tiết cực đoan tạo tâm lý lo ngại thiếu hàng cho các năm 2020-2021.
Thị trường cà phê trong nước
Cả năm
Giá cà phê nội địa xuống mức thấp, quanh mức từ 32-37 triệu đồng mỗi tấn, giảm từ đỉnh cao nhất 53 triệu đồng cho đến nay.
Giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được bán quanh mức từ trừ 65-120 Usd FOB/tấn dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn London.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,88 triệu tấn, tăng 20,1% nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 1,2% so với 2017 với 3,54 tỷ Usd.
Tuần qua
Giá kỳ hạn 2 sàn cà phê có kết quả tăng cơ sở tuần so với tuần kết thúc 31/12/18: robusta London tăng 34 Usd/tấn và New York tăng 2,15 cts/lb tức 47 Usd/tấn. Giá tăng được cho là các quỹ đầu tư trên hai sàn mua bù để giảm lượng dư bán. Tỷ giá đồng Vnd tăng mạnh so với Usd trong những ngày cuối năm 2018 đã hãm đà bán xuất khẩu khi 1 Usd ăn 23.195 Vnd so với trước đây 23.300-23.400 Vnd.
Giá cà phê tại một số nơi trong nước đang được chào bán mức 33 triệu đồng và cà phê xuất khẩu giao về TP. HCM quanh mức 33,5 triệu đồng mỗi tấn. Giá xuất khẩu cùng loại đang được chào bán -60/-65 Usd/tấn FOB dưới giá niêm yết sàn robusta London nhưng người mua chỉ cho giá trừ 85-95 Usd/tấn.
Vài điểm kỹ thuật giá robusta London cho tuần đầu năm (đến 04/01/19)
Về kỹ thuật, đóng cửa ngày 31/12 tại mức 1.525 sau khi chạm đỉnh 1.530, London tiếp tục từ chối lên khu vực 1.538-1.542, khu vực kháng cự mạnh vì từ tháng 09/18 đến nay đã có 8 lần London tấn công vào khu vực ấy nhưng phải quay đầu. London sẽ phải vượt 1.535 rồi 1.566 nếu muốn chạm 1.600.
Hướng xuống, sàn này đừng để mất 1.500, mức tâm lý quan trọng, và nhất là 1.468 là đáy cũ trong năm. Một khi sàn này đóng cửa dưới mức ấy, khả năng về 1.440 rồi 1.400.
Cần lưu ý hiện tượng mua bán giá cách biệt (arbitrage) trong năm 2018 trên 2 sàn cà phê arabica và robusta: khi giá London tăng, thường New York giảm và ngược lại. Với cách giao dịch này, không nhất thiết hai sàn đi cùng chiều để bổ sung cho nhau như nhiều năm trước đây mà thường nghịch chiều.
Nguồn tư liệu:
-www.theice.com
-www.cftc.gov
-www.investing.com
-www.barchart.com
-www.bloomberg.com
-www.ico.org
-thitruongcaphe.net
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 1909
YNOTT911VQ http://www.yandex.ru