Thay đổi hay là… dẹp tiệm?

NGUYỄN QUANG BÌNH

(TBKTSG) – Nghĩ cũng lạ, thời buổi khó khăn, ai cũng than kiếm tiền khổ nhọc, nhưng vẫn đua nhau đi du lịch ầm ầm. Trước đây, nhiều người nói đời sống ở Nhật Bản quá đắt đỏ, ngay cả người châu Âu có thu nhập cao qua bên ấy còn chịu không thấu huống chi người mình, nên mấy ai dám mơ đến đó. Vậy mà nay, các công ty lữ hành đưa khách sang du lịch xứ Phù Tang nườm nượp. Người mình tuy không giàu có bằng ai cũng mua sắm rần rần, có thua ai đâu!

Có cái gì đó rất khó giải thích. Hay là nhờ tiến bộ kỹ thuật, thế giới sản xuất dư thừa, giá cả nhiều thứ hàng hóa dịch vụ đâm ra rẻ chăng? Nghe nói ở Israel, người ta trồng rau trồng lúa cây lên vù vù, tất cả đều được điều khiển bằng máy móc từ xa. Họ chế tạo những thiết bị đo đất, đo nhiệt, ở giữa sa mạc vẫn điều tiết được độ ẩm đủ cho cây trồng, không thiếu nước sinh hoạt, mới ghê! Rồi cả tới việc thu hái, con người cũng không phải đụng tay vào, giá sản phẩm không rẻ sao được. Họ đang muốn chuyển giao công nghệ nuôi trồng nông sản cho thế giới, đang rao bán khắp nơi, kể cả nước ta. Chắc là do vậy thôi! Các doanh nghiệp và người sản xuất nước ngoài thay đổi quy trình sản xuất, hạn chế đủ thứ chi phí… nên giá thành các loại sản phẩm rẻ từ lúc nào mà ta không hay!

Nhiều ông bạn tôi trước đây phải tiết kiệm cả chục năm may ra mới có thể đi du lịch một chuyến tới châu Âu hay Bắc Mỹ, nhưng gần đây, cứ vài năm lại đi một lần, có khi đưa cả gia đình cùng đi vì thuê nhà qua hệ thống Airbnb quá rẻ. Chủ biệt thự cung cấp dịch vụ chìa khóa trao tay, gia đình muốn sinh hoạt, ăn uống gì đều độc lập, tiện và rẻ.

Vậy mới có tin nhiều hãng khai thác khách sạn, nhà hàng sang trọng tại các nước Âu, Mỹ đã phải đóng cửa vì một lượng khách lớn đi theo tuyến du lịch như thế. Thậm chí tại Mỹ, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng sập tiệm vì khách nội địa đã ít, khách vãng lai nay cũng không còn bao nhiêu. Trước đây, nhiều người lầm đoán tình hình đó là do khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, thiên hạ không có tiền mua sắm, nhưng nay e rằng cần có cái nhìn khác.

Xứ mình là một nơi sử dụng nhiều lao động, hàng tháng chủ doanh nghiệp lo tiền lương thầy lương thợ cộng với chi phí mặt bằng và trăm thứ phí khác, nên có khi lợi thế giá rẻ, nhân công rẻ nay không còn nữa. Ngược lại, chi phí ngày càng cao, ai là người phải trả nếu không phải là người tiêu dùng?

Cứ xem các trạm thu phí xe từ Bắc chí Nam mới thấy còn lâu xứ ta mới hết đắt đỏ. Không những mỗi trạm phải xây lô cốt thiệt chắc cho hàng chục lao động mà còn gắn cả máy điều hòa cho cán bộ ngồi bán vé đếm tiền. Tại các nước khác, không ít vùng lạc hậu hơn xứ mình, người ta chỉ cần cái ba-ri-e và một thùng thu phí tự động, nếu cung đường nào thu theo phương thức BOT, chỉ cần ráp cái máy đếm lùi (countdown), ai trả bao nhiêu máy trừ ngay bấy nhiêu để biết đến lúc nào là trả đủ cho nhà đầu tư… Nhưng xem ra xứ ta thiên thu đóng phí dù biết vốn đầu tư có hạn. Giá cả hàng xuất khẩu, nhập khẩu vì thế mà tăng cao, không cạnh tranh được với xứ người, một phần cũng từ đấy chứ đâu.

Vừa qua, có cuộc tranh chấp dữ dội giữa các hãng taxi với các dịch vụ mới nổi như Uber, Grab… Có người cho rằng các dịch vụ này phá giá, tranh giành khách với các hãng taxi. Thật ra, đó là cách nhìn đã cũ và oan cho nền kinh tế chia sẻ đang hình thành, không chỉ tại nước ta mà trên toàn thế giới. Phải nói rằng nhờ sử dụng các phương tiện kết nối Internet sẵn có, họ khỏi phải tốn các chi phí như thuê kế toán, nhân viên hành chánh, điều độ…, kể cả chi phí mặt bằng văn phòng và kho bãi giữ xe như các hãng taxi. Ai trả các chi phí ấy? Chính là người tiêu dùng phải trả thông qua cước xe. Hiện có tỉnh “cấm cửa” loại dịch vụ này, thật ra chỉ thiệt cho người tiêu dùng và để phí một lượng lao động tự do vốn là “lực lượng thất nghiệp” do chính nền kinh tế tạo ra. Chắc chắn quyết định cấm Uber, Grab tại tỉnh nọ sẽ lại phải bật đèn xanh vì hoạt động đó đang trở thành hướng phát triển tất yếu.

Mới đây, nhiều người phải giật mình khi thấy các hãng ô tô hạng thường thường bậc trung đua nhau giảm giá, nếu không giảm so với giá bán được công bố thì cũng giảm thông qua các dịch vụ hậu mãi, sửa chữa. Có lẽ không phải do các hãng này bán ế mà xuất phát từ tiết kiệm được trong sản xuất và thu hẹp chi phí… Ngại là Nhà nước lại ra tay giải cứu ngành ô tô như ngành nông sản, hết cà chua đến dưa hấu, hết heo đến gà… Một điều không thấy ai nêu thắc mắc là người nuôi trồng thua lỗ, như người chăn nuôi heo chẳng hạn, thì liệu lượng thức ăn gia súc nhập khẩu có giảm hay cứ tăng? Giá heo hơi xuất chuồng quá thấp, nông dân thua lỗ đã đành, nhưng ở chợ người tiêu dùng vẫn phải trả giá thịt cao? Giả sử ta nói nhờ nông dân cải tiến phương pháp chăn nuôi, giá thành thịt heo giảm, thì đáng ra người tiêu dùng phải được hưởng giá rẻ chứ. Như vậy, cái trục trặc của hệ thống ẩn khuất đâu đó trong khâu phân phối. Thay vì tìm giải pháp cải thiện và thay đổi khâu phân phối, chia lợi ích hợp lý không chỉ cho nông dân mà cho cả người tiêu dùng thì lại hô hào giải cứu nông sản, liệu có hợp lý?

Nhịp độ thay đổi của nền kinh tế mới ngày càng nhanh. Nhờ cấu trúc “vạn vật kết nối” (Internet of Things) và hệ thống thực ảo (Cyber Physical Systems), phương thức sản xuất đời mới đang được tối ưu hóa bằng tự động hóa, trong đó tuyệt đối tiết kiệm lao động chân tay và nguyên liệu. Cuộc sống và công việc nay mai sẽ còn bị xáo trộn nhiều.

Ai chưa chịu đi trước, nhìn trước vấn đề đối với nền kinh tế phôi thai thực trong ảo, ảo trong thực thì sẽ khó quản lý doanh nghiệp của mình, thậm chí phải đóng cửa vì không so đọ được với người chấp nhận thay đổi.

Hits: 52