Quỹ phát triển cà phê: Cho ai và vì ai?

Dự thảo thành lập Quỹ phát triển cà phê Việt Nam (Vietnam Coffee Development Fund – VCDF) đang chờ chính phủ phê duyệt. Nếu được thông qua, cứ trên mỗi tấn cà phê xuất khẩu, doanh nghiệp có thể phải đóng cho VCDF 2 đô la Mỹ tại các cửa khẩu và bắt đầu từ năm 2017.

Việt Nam xuất khẩu hàng năm chừng 1,5 triệu tấn cà phê hạt, chưa kể cà phê chế biến thành phẩm gồm các loại rang xay và hòa tan xuất khẩu, VCDF sẽ quản lý một nguồn quỹ trên 3 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Chuyện thu phí cà phê xuất khẩu không hề mới. Những năm cuối thập niên 1990, khi giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh trên 2000 đô la Mỹ/tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu đã phải đóng phí phụ thu cà phê xuất khẩu theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá bán. Bấy giờ, lượng tiền nộp cho chương trình phụ thu cà phê xuất khẩu bao nhiêu, không thấy được công bố. Một số doanh nghiệp nhớ lại rằng đầu những năm 2000, họ thua lỗ do mua trữ chờ giá hay thực chất đầu cơ giá lên, cuối cùng giá thị trường đi ngược kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp trong số đó thua lỗ đậm và nhận được một phần bù lỗ từ khoản phụ thu này. Bấy giờ giá thực thu xuất khẩu có hợp đồng chỉ còn 100-150 đô la/tấn.

Cũng thời điểm ấy, trên thị trường nội địa, giá một “cân cà phê không bằng một kí cà pháo”, có nơi chỉ còn 4000 đồng/kg.

Tuy nói rằng doanh nghiệp đóng phí phụ thu, thực chất nhà nông chính là người trả phí. Vì khi bán xuất khẩu, doanh nghiệp cân đối đầu vào và đầu ra, trừ ngay phí phải nộp phụ thu bắt người bán trả phí trong giá. Khi lỗ do đầu cơ, doanh nghiệp hưởng bù lỗ. Còn giá cà phê nội địa rớt sâu dưới mức giá thành, nhiều người phải bỏ vườn, chuyển sang trồng thứ khác, nhà nông chẳng hề được hỏi han xem họ cần gì.

Ít ai biết rằng để có được 1,5 triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm, sản lượng cà phê lớn thứ nhì thế giới sau Brazil lại được gom góp từng lượng nhỏ từ các nhà sản xuất rất nhỏ chỉ từ 0,5 đến 2 héc-ta! Tin hay không tin, lực lượng sản xuất này chiếm đến 80% những người sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Chính vì vậy mà vai trò của nhà nông, đặc biệt nông dân sản xuất cà phê nhỏ, trong Hiệp hội Cà phê và Ca cao ít được quan tâm đúng mức. Sản lượng hàng năm của Colombia, nước sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới, mỗi năm chỉ sản xuất bằng chừng một nửa sản lượng cà phê Việt Nam với qui mô hàng chục héc-ta mỗi vườn, họ vẫn có hiệp hội riêng cho nông dân trồng cà phê để nhà nông có tiếng nói cho mình.

Chắc chắn VCDF cũng được chính nhà nông nộp phí. Tuy nhiên, liệu các chương trình phát triển do quỹ lập nên có đến tay họ? Đóng góp nhưng không được tham gia quản lý, không có tổ chức để họ cùng được bàn tính các vấn đề phát triển thiết thân, có lợi cho ngành cà phê và cho từng người sản xuất nhỏ như họ, thì liệu có công bằng?

Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay rất khó khăn về giá và thị trường, cà phê mất mùa mất giá liên tục từ vài ba năm nay, lại gặp hạn hán hoành hành tại nhiều nơi ở Tây nguyên, VCDF ra đời trong hoàn cảnh này chỉ tạo thêm khó khăn cho nhà nông, làm giảm tính cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu này khi các nước sản xuất cà phê đang tranh giành thị phần một cách khốc liệt.

Nguyễn Quang Bình, viết cho SGTT và đã được đăng

Hits: 78