Từ mấy tháng nay, sau khi theo dõi thông tin từ những hội thảo cũng như những đề xuất mở rộng diện tích cây mắc-ca, tên khoa học là macadamia, lên đến 200.000 ha, dư luận trong nước, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ kẻ phản bác kế hoạch phát triển loại cây này.
Dù theo hay chống, những trao đổi của các nhà nghiên cứu khoa học là rất đáng trân trọng vì sẽ giúp cho nông dân có nhiều hướng chọn lựa.
Người không ủng hộ cho rằng cây mắc-ca không hề là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư chăm sóc cao, các yêu cầu khí hậu và thổ nhưỡng khá gắt để cây và hạt mới có điều kiện phát triển, mới phát huy hết được hiệu quả kinh tế. Mặt khác, theo các nhà chuyên môn, phải sau từ 7 đến 10 năm mới khai thác được.
Trong khi đó cây ca cao có vốn đầu tư ít hơn nhiều, cây có thể trồng xen kẽ với các cây khác ở sông nước như tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang đến vùng đất Tây nguyên, có thị trường luôn luôn sẵn sàng, giá bán có khi lên trên 3000 đô la/tấn. Thế nhưng, việc phát triển và mở rộng diện tích cây ca-cao vẫn khá ì ạch, đến nay cả nước chỉ có chừng 16.000 héc-ta với sản lượng vỏn vẹn chừng 3.200 tấn. Đó là chưa nói tới khả năng bị chặt bỏ hàng loạt nếu như giá thấp hay không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Cho nên, về phía những người ủng hộ, nếu cho cây mác ca là cây tiềm năng và có thể là cơ hội làm giàu cho ai nhanh nhạy “dám nghĩ dám làm”, thì phải tạo làn sóng dư luận lớn để lướt khỏi cái bóng cây ca-cao chứ không còn cách nào khác.
Thật ra, phát động phong trào trồng mắc-ca hiện nay thiết nghĩ cũng cần thiết khi mà thị trường xuất khẩu nhiều loại nông sản và cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, cà phê, tiêu hạt…không phải lúc nào cũng làm hài lòng người sản xuất do giá cả bấp bênh, phụ thuộc. Chọn cây mắc-ca như là một cách đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, một kênh bảo hiểm rủi ro do trước đây chỉ dựa vào một mùa vụ.
Điều quan trọng có thể giúp nông dân quyết định đúng đắn chính là cung cấp thông tin trung thực về những thuận lợi khó khăn của loại cây trồng này; đặc biệt phải cho họ biết rõ về thị trường và chuỗi cung ứng để tránh tối đa những nhược điểm của hệ thống kinh doanh của các mặt hàng nông sản hiện nay, thường phải phụ thuộc rất nhiều vào các nhà công nghiệp nước ngoài như những gì đang diễn ra trên hệ thống kinh doanh của các mặt hàng nông sản hiện nay.
Chắc chắn khi chọn phát triển cây mắc-ca, nông dân thời nay sẽ đắn đo hơn để tránh được sai lầm từng mắc phải về chuỗi cung ứng của nhiều loại nông sản họ đang sản xuất và đưa ra thị trường.
Nguyễn Quang Bình
Bài đã đăngtrên báo SÀI GÒN TIẾP THỊ ngày 30-3-2015
Hits: 83