Mấy hôm nay, dư luận xã hội bàn nhiều về từ ‘’nịnh bợ’’ trong ‘’Đề án Văn hoá công vụ’’ được Thủ tướng chính phủ ban hành mới đây.
Khỏi cần phân tích sâu, ‘’nịnh bợ’’ là một thói xấu từ muôn đời, không phải đến nay mới có để ra bài hạn chế, trừ khử. Đó là một hiện tượng tâm lý xã hội tiêu cực làm bại hoại chốn làm việc, thay vì để được tồn tại và tiến thân bằng năng lực chuyên môn và đạo đức trong sáng của mình, kẻ nịnh bợ thường luồng cúi cấp trên, bằng ngôn ngữ, cử chỉ, tiền bạc, mọi phương tiện hạ cấp…để được nâng đỡ. Có lẽ vì thế mà song song với ‘’nịnh bợ’’, ngôn ngữ đường phố ngày nay còn có từ ‘’nâng bi’’, ‘’nâng bi’’ là nịnh bợ để được nâng đỡ một cách bất minh.
Tuy nhiên, Đề án mới chỉ ra mối quan hệ không lành mạnh từ dưới lên. ‘’Tâng bốc’’ cũng có nghĩa tương đương ‘’nịnh bợ’’ nhưng thường là cùng cấp. Trong quan hệ đồng cấp, ít ai nói nói thủ trưởng A nịnh bợ thủ trưởng B mà thường là tâng bốc nhau để củng cố vị trí cùng giúp nhau tồn tại.
Hiện tượng tâng bốc nhau, hình như người Việt hiện đại được ‘’rèn’’ từ nhỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mưa giấy khen ‘’xuất sắc’’, ‘’giỏi’’, ‘’khá’’, ‘’tiên tiến’’ trong các buổi lễ tổng kết kỳ học, năm học…đến như nay danh hiệu ‘’học sinh tiên tiến’’ chỉ còn như ‘’lá khoai’’. Có nhiều cháu nhận bằng khen tiên tiến nhưng vẫn khóc như mưa vì nhiều bạn mình trong lớp đều giỏi cả. Được người khác khen ngợi nhưng công trạng, năng lực không xứng…là ‘’tâng bốc’’. Được tâng bốc nhiều, dễ đi đến chủ quan, từ nhỏ thường tưởng mình giỏi rồi vì ‘’nhỏ mà không học lớn lên làm…quản lý’’, nên chẳng cần cố gắng, cứ tưởng mình đã có ‘’tầm’’ ren chi thêm cho mệt. Đặc biệt do quá được tâng bốc, trẻ không thấy khuyết điểm của mình để sửa chữa, đó là một tai hại cho các cháu khi chúng ra đời va chạm xã hội. Tại Trung Quốc, với chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ được một con đã sinh ra hiện tượng ‘’con một’’ quá được cưng chìu, ông bà cha mẹ chỉ biết khen ngợi tâng bốc con cháu nên sinh ra nhiều chuyện trong gia đình và ngoài xã hội. Một thời, giới giáo dục Trung Quốc đã nhận ra sai lầm đó và quyết chữa, nhưng con người chứ đâu phải máy móc mà dễ chữa ngày một ngày hai.
Tâng bốc, xu nịnh trong cơ quan công quyền hiện nay không biết trích xuất bao nhiêu ‘’tệp’’ mới xuể. Tại nhiều nước, chính cấp trên ở cơ quan chủ quản là người in danh thiếp cho cấp dưới và họ thường loại bỏ danh xưng học hàm học vị mà chỉ để tên và chức danh chính của người ở các cơ quan công quyền và doanh nghiệp, trừ các đơn vị giáo dục, viện nghiên cứu, học thuật. Nhiều bộ trưởng giáo dục các nước chẳng cần phải ghi trên danh thiếp ‘’giáo sư, tiến sĩ A’’ gì cả, dù rằng trước khi lên ghế bộ trưởng có thể họ đã danh dự có ‘’ghế riêng’’ tại các trường đại học danh tiếng. Thói tâng bốc nhau trong các hội nghị nghe đôi khi chói tai như mỗi lần giới thiệu quan chức tham gia…’’đồng chí giám đốc sở A là tiến sĩ Nguyễn Văn B…’’ v.v….Nhiều khi cái bằng tiến sĩ do tiền hay nịnh hót mà có.
Thật ra, chính thủ trưởng của một đơn vị là nguồn gốc của thói nịnh bợ của cấp dưới và người trong cơ quan mình. Hiện nay, thu nạp nhân viên mà còn có vị coi tuổi, xem thầy xem người làm có ‘’hợp tuổi’’ với mình không kẻo sợ ‘’phản’’ hay làm suy yếu ghế của mình, vẫn nghiên về cảm tính rất nhiều. Cũng có vị dựa trên ‘’thưa hỏi’’ có ngọt ngào không, con cái nhà ai chứ không quan tâm mấy đến năng lực thực sự của người làm. Rõ ràng khi biết vợ thủ trưởng đang ốm bệnh, nhân viên nào vào hỏi ‘’chị khoẻ chưa anh?’’ vẫn được thủ trưởng ưu ái hơn một đồng nghiệp khác nghiêm túc trình kế hoạch nhưng ‘’chẳng biết chị mày thế nào!’’.
Nếu như ‘’tâng bốc’’ và ‘’nịnh bợ’’ dựa trên định tính thuộc phạm trù đạo đức dễ đưa công việc cơ quan đến xuề xoà, thủ trưởng cần giao kế hoạch hoạt động và chỉ tiêu có định lượng hẳn hoi cho từng nhân viên, từng tháng, từng tuần và từng ngày. Phải kiểm tra công việc thực hiện thường xuyên, thưởng phạt nghiêm minh, công việc nào đã hoàn thành, mức độ bao nhiêu, chế độ trừ và thưởng lương cho người đạt/không đạt kế hoạch…Dựa trên các điểm số đạt/không đạt để nâng bậc nâng lương…để hãm bớt hạn chế nạn nịnh bợ, nịnh hót.
Thói tâng bốc, nịnh bợ hiện nay đã thành phổ biến nên mới có “Đề án’’. Nhưng ‘’đề án’’ chỉ dựa trên cơ sở kêu gọi đạo đức không thôi thì khó để làm cho điều tốt đẹp mong muốn thành hiện thực.
Phải chăng ‘’Đề án’’ chính là đề nghị một sự khởi đầu lại của một cuộc đổi mới cách làm việc, mà chính thủ trưởng các cơ quan đơn vị là người ra các kế hoạch, tiến trình hoạt động và kiểm tra thu hoạch có kết quả dựa trên những phương án có định lượng cụ thể? Lãnh đạo không (biết) thay đổi cách làm việc mà chỉ kêu gọi đạo đức chung chung, thì khó mà trừ được các thói hư tật xấu ấy.
Nguyễn Quang Bình
Hits: 795