Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 10/07/2017 tới 15/07/2017

Diễn biến thị trường từ 30/06/17 tới 07/07/17: Giá hai sàn đi ngược chiều nhau.

Sau một tuần, giá trên hai thị trường kỳ hạn cà phê London và New York có kết quả ngược chiều nhau. Đóng cửa ngày 07/07, giá robusta chốt mức 2111 Usd/tấn giảm 38 Usd nhưng arabica tăng 3.20 cts/lb (tương đương với 71 Usd/tấn) lên 128.90 cts/lb so với tuần chấm dứt vào ngày 30/06/17 (xem hình 1).

Lý do để giá arabica tăng được giải thích nhờ lượng dư bán hàng giấy của các quỹ đầu tư tài chính quá lớn, không thể bán thêm mà phải mua thanh lý. Tính đến cuối tháng 06/2017, các quỹ đầu tư trên sàn cà phê arabica báo vẫn còn giữ 42.454 lô dư mua hàng giấy, tương đương với 723.416 tấn, một khối lượng lớn giữa các con số kỷ lục dư bán của sàn này.

Trong khi đó, trên sàn robusta London, các dự báo mất mùa loại cà phê này vẫn làm các nhà kinh doanh không khỏi lo lắng. Chưa vững tin với sản lượng loại cà phê này, trong cùng thời gian đó, các nhà đầu tư vẫn giữ lại 207.000 tấn là lượng dư mua sàn kỳ hạn này.

Chỉ đến phiên cuối tuần ngày 07/07, giá robusta đột nhiên suy sụp, trong ngày giao dịch 07/07 giảm 39 Usd/tấn, đánh mất hết những gì sàn này giữ được trong suốt tuần qua.

Giá robusta giảm ngày cuối tuần cũng làm giá cà phê nội địa tại các tỉnh Tây nguyên mất mốc 46 triệu đồng/tấn để còn 45,3 triệu đồng/tấn.

Dự báo tuần này (10/07/17 tới 15/07/17): Giá kỳ hạn robusta nằm thế chênh vênh.

Trên sàn robusta, nhờ có cấu trúc nghịch đảo, tức giá tháng giao dịch xa thấp hơn tháng gần, hay nói rõ hơn giá tháng 07/17 cao hơn tháng 09/17 đến 35 Usd/tấn và cũng giá tháng 07/17 cao hơn tháng 03/18 đến 89 Usd/tấn. Đấy là dấu hiệu cho thấy hoặc hàng thực, hoặc hàng giấy, hoặc cả hai có dấu hiện “thiếu hụt” và cần hàng giao ngay. Chính vì vậy, tháng giao hàng gần được trả giá cao hơn tháng xa (xem hình 1). Nhờ cấu trúc ấy, giá kỳ hạn robusta kèn cựa đứng ở mức cao suốt cả tuần, chỉ suy sụp vào ngày giao dịch cuối tuần 07/07/17.

Tại sao giá kỳ hạn London thúc thủ? Trong tuần, sau nhiều lần cố vươn lên mức cao nhất là 2177 Usd/tấn lập ngày 30/06 để lên cao hơn nhưng không đạt, chỉ chạm 2168$ là đỉnh cao lập ngày 06/07 rồi phải dội xuống.

Ngay tại khu vực 2160-2165 Usd/tấn, các nước sản xuất bán ra và các nhà đầu cơ thanh lý dư mua khá mạnh đã bị “gọt đầu”, gặp phải phiên cuối tuần sàn arabica có lúc giảm sâu, đã đưa giá sàn này xuống có lúc phá mức tâm lý quan trọng 2100 để đóng cửa tại 2111 Usd/tấn. Lần dội xuống này được xem là một cú đảo chiều chọn hướng xuống do sức kháng giá quá mạnh.

Không vượt đỉnh 2177 Usd để nhắm mục tiêu cao hơn là 2200 Usd/tấn, giá London quay  xuống nhưng vẫn nằm trên mức 2103 Usd/tấn, chính là mức chỉnh 50% theo cách tính Fibonacci (xem hình 2).

Tuần này, đặc biệt vào ngày giao dịch thứ Hai 10/07, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của London là phải vượt lên càng cao càng tốt khỏi mức 2103 để tìm cơ hội phục hồi mạnh hơn. Nếu như vì một lý do gì đó để xuống dưới mức này, London lại phải chịu một đợt thanh lý nữa ở quanh khu vực thấp hơn hiện nay là 2000-2050 Usd/tấn.

Nghịch cảnh là giá đóng cửa ngày 07/07 nằm chênh vênh trên mức nguy ấy nhưng hy vọng cấu trúc giá “vắt” của sàn này lại có thể “vớt” nó khỏi tình trạng tiêu cực.

Thị trường cà phê trong nước: Giá nội địa khó đi xa.

Giá cà phê nội địa phải một phen phấn đấu lại vì bỏ mức 46 triệu đồng/tấn để về 45,3 triệu đồng/tấn cuối tuần trước.

Tuy trong giai đoạn “vắt giá”, mua bán hàng thực không mấy căng thẳng chứng tỏ không bao nhiêu người thực sự thiếu hàng thực để giao. Như vậy, đợt vắt giá hiện nay, giá tháng giao hàng gần cao hơn giá tháng giao xa, chủ yếu để giải quyết vấn đề tài chính của những nhà đầu cơ lớn với nhau.

Nếu như giá kỳ hạn không đủ mạnh để xuống dưới 2100 Usd/tấn, giá cà phê nội địa vẫn khó về 44 triệu/t tấn vì lượng hàng còn tồn nay giảm nhiều. Giá lên mức 2200 Usd/tấn có thể là một phấn đấu khó nhọc, nên giá nội địa cũng rất khó để lên 47 triệu đồng/tấn. Trong tuần này, nếu đề huề, một mức lạc quan cho giá cà phê nội địa có thể từ 46-46,5 triệu đồng/tấn.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên trang

TRUNG TÂM TT&DB KTXH QG, ngày 10/07/17

Hits: 38