Nhận định giá cà phê thế giới từ 30/07-04/08/2018: Hướng giảm chưa dừng

Diễn biến giá cà phê tuần từ 23-28/07/2018: Người bán nhiều hơn người mua   

Tháng 07/2018 đang qua nhanh. Đây là tháng giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn robusta London và arabica New York xuống ở mức thấp nhất từ mấy năm nay. Nhìn trên đồ thị diễn biến giá kỳ hạn cà phê London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, giá hiện nay đang ở khu vực thấp nhất, ít ra tính từ đầu tháng 01/2017 đến nay (xem hình 1).

Thật vậy, thông tin năm nay Brazil được mùa lớn cà phê, trên 60 triệu bao tức 3,6 triệu tấn, cộng với nhiều nước tăng năng suất, đã góp phần đưa giá cà phê trên các thị trường từ hàng thực đến kỳ hạn đều giảm mạnh.

Dịp hai tháng Bảy và Tám hàng năm là thời gian các nhà nhập khẩu, các nhà tiêu thụ chính như hãng rang xay tại vùng ôn đới đều tập trung nghỉ hè, đã làm nhu cầu mua giảm mạnh. Trong khi đó, các quỹ đầu tư tài chính trên các sàn cà phê tăng cường bán khống trước tin nhiều nơi trên thế giới được mùa, cũng làm giá kỳ hạn và sức mua hàng thực tại các nước xuất khẩu giảm trông thấy.

Sau một tuần tính đến ngày 27/07, giá kỳ hạn cà phê robusta giảm 30 Usd để còn 1653 Usd mỗi tấn. Giá arabica sau khi chạm mức thấp nhất từ 4 năm nay, tuần qua đã chững lại và đóng cửa chỉ giảm 0.25 cts/lb để chốt tại 110.45 cts/lb so với tuần chấm dứt ngày 20/07/2018 (xem hình 1).

Giá cà phê nội địa nhiều nơi tại các tỉnh Tây nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam cũng hạ xuống mức 34 triệu đồng mỗi tấn. Nhưng giá cà phê xuất khẩu loại 2 tối đa 5% đen vỡ giao hàng vào các kho quanh TP. HCM vẫn giữ được trên mức 35 triệu đồng mỗi tấn, tuy nhiêu sức mua rất hạn chế.

Dự báo tuần từ 30/07-03/08/18: Đường xuống rộng hơn đường lên  

Hình 2

Từ mức đáy lập ngày 19/07 ở 1635, giá kỳ hạn London đã nhanh chóng phục hồi và liên tiếp bốn ngày, đến hết ngày 24/07, London có giá tăng và đóng cửa dương. Tuy nhiên, giá dừng tại khu vực 1690 và nhất là sau khi không thể vượt nút kháng cự quan trọng 1694, London quay đầu giảm nhanh để cuối tuần trước đóng cửa ở 1653.

Xét về kỹ thuật, đây là mức không bảo đảm cho giá London có thể chống chọi để lên cao. Nhất là khi sàn này không đủ lực mua để đẩy giá qua 1670 vào ngày cuối tuần trước mà chỉ chạm 1665 rồi quay đầu giảm.

Cũng vào ngày cuối tuần trước đóng cửa giá kỳ hạn sàn này đã để cho mức 1670/1673 trở thành các mức kỳ vọng quan trọng, và London muốn vượt tăng lên cao trên mức tâm lý 1700, thì dứt khoát phải có giá đóng cửa với lượng giao dịch lớn trên 1694.

Đứng tại vị trí này để nói về kỹ thuật, hướng tăng của giá kỳ hạn robusta London phụ thuộc vào lực mua để làm sao đưa giá qua khỏi 1673 và 1694. Nếu như không hoàn thành nhiệm vụ này, vì một lý do nào đó giá xuống dưới 1610, sàn London lại phải về dưới 1600.

Một điều đáng lo ngại là sức bán của các quỹ đầu tư tài chính trên sàn London tuần tới còn khá rộng vì tuần trước họ đã giảm trên 5.739 lô (10 tấn x lô) để còn lượng hợp đồng dư bán là 33.074 so với kỷ lục 38.813 lô.

Tóm lại, cộng hưởng với sức mua hàng thực yếu, sau khi không thoả mãn các điều kiện kỹ thuật như vượt 1670 và 1694, London có vẽ muốn về hoạt động vùng giá thấp. Đồng thời, các quỹ đầu tư tài chính có thể bán khống thêm mà không chút ngại ngùng.

Thị trường cà phê nội địa: Giá không lên được, thì đi xuống. 

Như vậy, có thể nói trên thị trường hàng thực, khi giá London chạm 1690 và sau đó là 1670, đó chính là cơ hội bán hay chốt giá bán cho các hợp đồng giao sau (forward contracts). Tiếc là cơ hội đã qua!

Giá cà phê trong nước đang quanh quẩn khu vực 34-34,5 triệu đồng mỗi tấn cho hàng nguyên liệu giao tại kho ở Tây nguyên, và quanh 35,5 triệu đồng mỗi tấn giao tại các kho đóng quanh các cảng giao hàng.

Tuần này, nhu cầu mới về hàng xuất khẩu xem ra rất nhỏ, cộng với giá trên sàn kỳ hạn có khả năng giảm, thị trường ắt sẽ có tâm lý chờ đợi mà không muốn mua ngay.

Tuần nối giữa hai tháng nghỉ hè Bảy và Tám hàng năm của giới kinh doanh và chế biến cà phê có thể tạo nên những thử thách đáng ngại cho các nhà sản xuất cà phê.

Giá cà phê nội địa tuần qua có lúc chạm mức 34 triệu đồng mỗi tấn. Trường hợp giá kỳ hạn mất mốc 1600, khả năng giá cà phê nội địa xuống 33 triệu đồng mỗi tấn không thể loại trừ.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF ngày 30/07/18

Hits: 502