Nhận định giá cà phê thế giới từ 25-30/04/2022: Giá lắc lư ngóng tin từ bức tranh kinh tế vĩ mô

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Giá tăng nhưng chủ yếu theo hướng tích lũy

Giới đầu tư và kinh doanh trên thị trường tài chính đã từng chờ đợi và nay vẫn phải ngóng xem mức tăng lãi suất điều hành của Mỹ được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định trong phiên họp đầu tháng 05/2022 này là bao nhiêu. Chưa ai rõ được tỷ lệ tăng là 0,50% hay 0,75%… Nhưng Fed tăng lãi suất xem ra là điều bắt buộc, làm như một biện pháp chính để ngăn lạm phát hiện nay.

Nhớ cách đây vài tháng, ngân hàng trung ương Mỹ và EU đều cho lạm phát chỉ là “tạm thời” thì nay lạm phát cả hai nơi đều tăng lên mức cao nhất tính từ bốn chục năm nay. Khi hai ngân hàng này bừng tỉnh, cũng chính là lúc các thị trường đều rung lắc.

Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) từng dự đoán nếu như tháng 05/22 Fed tăng lãi suất 0,50% thì 0,75% sẽ xuất hiện vào tháng 06 và 07/22. Chủ tịch Fed Jerome Powell thú nhận tại cuộc thảo luận với IMF tuần qua rằng thật ra tỷ lệ 0,50% đã từng được “đặt trên bàn” hội nghị trong tháng 03/22. Cho nên, có lẽ 0,75% là mức “bình thường” sau những cú thử nhỏ đầu tiên.

Giảm cung ứng tiền mặt, tăng lãi suất cũng đang đe dọa đến cỗ máy kinh tế Mỹ và cả thế giới, đe dọa giá cổ phiếu và cả trên các sàn hàng hóa phái sinh. Thị trường hàng hóa đi trước một bước với tuần qua giá hợp đồng dâu thô WTI giảm 5,8% còn 100,75 Usd/thùng, vàng giảm 2,2% xuống 1.932,5 Usd/ounce.

Trong trạng thái hồi hộp đợi ngày quyết định tăng lãi suất lần 2 của Fed, tuần qua, các tập đoàn quản lý quỹ đã rút ra khỏi thị trường tài chính 5,43 tỷ Usd, tính từ đầu năm đến nay họ rút hết 41,2 tỷ Usd khỏi thị trường bất luận là hàng hóa hay cổ phiếu (minh họa bằng hình 1 bên trái).

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn

Tính đến ngày 21/04, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 93.490 tấn, giảm từ 93.700 tấn, arabica New York đạt 66.007 tấn , tăng so với 64.645 tấn. Như vậy, tồn kho đạt chuẩn robusta có tuần thứ ba liên tiếp giảm, giúp giá London trở lại tình trạng vắt giá. (Giá tháng 05/22 nay cao hơn 07/22 đến 16 Usd đạt 2.130 Usd/tấn).

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022 lần thứ tư đang vào giai đoạn chung kết. Đây là lần thi có nhiều “cái nhất”: 83 mẫu dự thi đến từ 7 tỉnh thành trong cả nước trong đó có 53 mẫu robusta. Đây cũng là năm các vùng/vườn sản xuất cà phê đặc sản theo chuẩn quốc tế nâng số lượng lên đến hàng chục tấn cà phê sản phẩm, riêng lượng cà phê robusta chế biến theo phương pháp “honey” lên đến gần 18 tấn và arabica 8 tấn. Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, ban tổ chức cuộc thi, dự kiến công bố kết quả các mẫu cà phê ngon nhất vào ngày 30/04/2022.

Để đạt cà phê đặc sản, mẫu dự thi phải qua thử nếm được thực hiện bởi nhiều giám khảo thử nếm trong và ngoài nước từ Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc…Mẫu đạt được trong thang điểm 80-100 được gọi là cà phê đặc sản, giải sẽ được trao cho mẫu đạt số điểm cao nhất.

Starbucks và Hiệp hội Cà phê Colombia liên kết diện tích cà phê

Đây là dự án liên kết giữa chuỗi cà phê Starbucks với Colombia vào năm 2020 để mở rộng diện tích trồng cà phê arabica tại Colombia. Theo đó, Starbucks tài trợ 3 triệu Usd để cung ứng cho nông dân 23 triệu cây giống vào khoảng năm 2023. Dự án sẽ mở rộng thêm với tổng số vốn tài trợ lên đến 7,2 triệu để đạt đến hơn 45 triệu cây giống cho cả chương trình phát triển cà phê giữa hai đối tác tại Colombia.

Nấm hại lá cà phê được tìm thấy tại Việt Nam

Các nhà nghiên cứu thuộc hai viện đại học Tsukuba và Ibaraki cho biết đã tìm thấy nấm bệnh hại lá cà phê tại một số vùng trồng cà phê Việt Nam ở mức cao, kể cả tại một số vườn trồng các chủng loại cà phê kháng nấm nguy hại này.

Giá cả

Giá hai sàn cà phê phái sinh tuần qua tăng nhẹ với kết quả cả tuần như sau:

-Sàn robusta London nhớm khỏi 2.100 để đóng cửa tại 2.114 nhưng đỉnh và đáy thấp hơn tuần trước đó, nằm tại 2.129 và 2.058 Usd/tấn.

-Giá arabica New York tăng được 3.40 cts/lb hay chừng 75 Usd/tấn chốt ở 227.15 cts/lb với biên độ 230.40/217.60.

-Giá cách biệt giữa 2 sàn cũng co giãn mạnh, có lúc lên đến 136 cts/lb để rồi đóng cửa tại 131.20 cts/lb so với tuần trước là 128.54 cts/lb.

-Chỉ số giá trị đồng Usd/DXY cũng rung lắc dữ dội, có lúc lên mức cao nhất tại 101.34 điểm, là mức cao nhất tính từ tháng 03/2017.

Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao dịch trong khung 41,5-42,5 triệu đồng/tấn, cuối tuần nằm quanh  42 triệu đồng/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 25-29/04/2022: Bức tranh kinh tế vĩ mô kéo kỹ thuật theo hướng tích lũy?

Dù đóng cửa cuối tuần trước giá London tăng chốt tại mức 2.116, tại mức này London vẫn như đang tách khỏi kênh tăng để đi theo hướng tích lũy.

Đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Nghĩa chỉ ra rằng mức kỳ vọng cho tuần này tại 2.153 nếu lấy điểm xuất phát để tính theo Fibonacci là 1.952 (0,00%). Tuy nhiên sức bật sẽ mạnh nếu vượt được 2.140 (MA50). Giả sử đóng cửa từ mức này trở lên, khả năng London sẽ thu hút thêm sức mua để đạt 2.205 (MA100).

Mức 2.095 tuần này khá quan trọng vì mất cứ điểm này, London có thể trượt về tìm lại đáy tuần trước 2.058.

Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn (Money Management) tính đến ngày khóa sổ tuần trước 19/04/22 vẫn nằm về phía dư mua nhưng đã giảm khá mạnh.

Sàn robusta London chốt tại 16.184 giảm 3.381 hợp đồng so với tuần trước đó nhưng giảm gần 2/3 lần so với cách nay 3 tháng (44.762 hợp đồng). Lượng hợp đồng dư mua trên sàn arabica đạt 29.606 lô giảm 7.151 lô so với tuần trước đó nhưng giảm mạnh so với cách nay 3 tháng là 50.330 lô.

Như vậy, vị thế kinh doanh của cả 2 sàn đều ủng hộ hướng tăng do con số dư mua giảm khá mạnh trong tuần trước. Vấn đề là tâm lý chờ đợi quyết định tăng lãi suất điều hành đồng Usd của Fed ảnh hưởng tới đâu.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Thận trọng với tin thời tiết Brazil

Giá hai sàn cà phê phái sinh tuần qua phục hồi sau đợt giảm sâu, London qua rào 2.100 và New York quay lên giao dịch vùng 227-230 cts/lb. Nhìn từ phía cung cầu, ta thấy nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc (TQ) ngày càng cao nhưng thị trường đang loáng thoáng nghe Việt Nam và Brazil xuất khẩu lúc càng nhiều. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước năm nay TQ nhập khẩu thêm 4 triệu bao, tức tăng 5% so với năm 2021. Mặt khác, tình hình khô hanh tại vùng trồng cà phê trọng điểm Brazil là Minas Gerais với lượng mưa chỉ đo được 40% so với bình quân nhiều năm.

Nếu như tồn kho đạt chuẩn thuộc hai sàn biến thiên rất bất thường thì tồn kho khả dụng vùng Bắc Mỹ có dấu hiệu tăng, đạt 5,82 triệu bao đến cuối tháng 03/22, tăng 1% so với tháng 02/22 nhưng tăng đến 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về tiêu thụ, những cản trở chính hiện nay là chiến tranh tại Ukraine chưa biết chấm dứt lúc nào cộng với lạm phát phi mã tại nhiều nước, nhất là các vùng tiêu thụ chính, có thể làm giảm khả năng tiêu thụ vì dân chúng phải thắt lưng buộc bụng trong thời lạm phát.

Một yếu tố quan trọng khác có ảnh hưởng đến giá cà phê là giá trị đồng Reais Brazil (Brl). Nếu như đồng Brl giảm trong cặp tỷ giá UsdBrl, giá cà phê sẽ yếu do nông dân Brazil bán mạnh; chiều ngược lại đồng Brl mạnh, giá cà phê arabica sẽ tăng.

Nhìn vào bức tranh trên, thị trường cà phê toàn cầu gồm cả màu sáng lẫn màu tối.

Cho nên, thị trường dễ bị dẫn đường bởi những thông tin về thời tiết khi Brazil vào mùa rét. Giá cà phê hai sàn có lúc sẽ tăng mạnh với những tin này. Nhưng khi thị trường kiểm tra lại, mức độ rét không đáng kể, thì lúc ấy giá lại đổ sụp một cách nhanh chóng. Chính vì thế, nhà sản xuất và kinh doanh cà phê nên hết sức thận trọng trong giai đoạn này trở đi đến tháng 08/2022 khi Brazil ra khỏi mùa đông.

Những thông tin thời tiết vốn rất không bền vững thì tin trên các mạng xã hội trong và ngoài nước nói về thời tiết gây ảnh hưởng lên giá cà phê lại càng khó tin hơn.

Nhiều người sản xuất và kinh doanh cà phê trong nước thường nhận được thông tin từ các nguồn hoặc quá cực đoan do các mạng xã hội có chủ đích làm tiền đưa tin giả hoặc chưa được kiểm chứng thấu đáo hoặc quá chậm từ các nguồn tin chính thống.

Nên chăng, trang thông tin điện tử của Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam cần có một chuyên mục về “thời tiết”, đưa ra những nhận định dựa trên điều đã nghe, đã thấy và đúc rút kinh nghiệm các năm trước để giúp nhà vườn và người kinh doanh xuất nhập khẩu xem xét và phân tích thấu đáo để tránh những rủi ro, lầm lạc trong khi mua bán.

Thị trường bắt đầu đi vào thời kỳ kinh doanh theo tin thời tiết nên giá thường tăng giảm một cách cực đoan, lại gặp phải lúc các ngân hàng trung ương Mỹ và EU đang quyết định tăng lãi suất điều hành. Do các sàn cà phê rất nhạy cảm với yếu tố tiền tệ, động tác này có thể nói hoàn toàn bất lợi cho giá cà phê do chi phí tài chính và làm hàng tăng.

Chính vì thế, chỉ trừ người muốn phiêu lưu làm giàu nhanh nhờ đầu cơ hàng thực (và hàng giấy), người mua bán hàng ngày nên lưu ý các điểm dừng và các mức chặn lỗ do mình đặt ra mới có thể tồn tại lâu dài.

Dự kiến giá cà phê nội địa tuần này dao động trong khung 41,5-42,5 triệu đồng/tấn với sức ép tin đồn tăng lãi suất của Fed đầu tháng 05/22 và…Brazil được mùa trong năm nay.

———————————————————–

Bài này có sử dụng tài liệu tham khảo từ các trang “tradingeconomics.com”, “bartchart.com” và “investing.com”

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 139