Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 15-22/02/19: Giá giảm trên cả hai sàn cà phê.
Ngày thông báo giao hàng đầu tiên của tháng 03/19 được sàn cà phê London (ICE EU) qui định vào ngày 25/02/19. Mọi hợp đồng treo chưa chốt giá bán trên cơ sở giao dịch của kỳ hạn ấy ấy bắt buộc phải thoát đúng thời gian trên dù đó là hợp đồng “hàng thực’’ (hàng xuất khẩu) hay ‘’hàng giấy’’ (đầu tư tài chính trên sàn thông qua môi giới). Thị trường mua bán robusta đồng loạt chuyển sang giao dịch và tham chiếu cơ sở tháng 05/19.
Sàn kỳ hạn London tháng 05/19 có thêm một tuần mua bán có đỉnh và đáy giá ngày hôm sau thấp hơn ngày giao dịch trước. Đến ngày 22/02 giá robusta mất 16 Usd để chốt tại 1.539 Usd/tấn so với 7 ngày trước đó. Cũng vậy, giá kỳ hạn arabica New York đứng tại 100 cts/lb, giảm 1.65 cts/lb tương đương với 36 Usd/tấn (xem hình 1).
Có hai yếu tố có thể được dùng để giải thích đợt giảm giá trên các sàn cà phê tuần qua:
1. Cả hai sàn đều ở thời kỳ trước của ngày thông báo giao hàng đầu tiên: các hợp đồng nào trong vị thế mua treo chưa bán, đều phải tất toán. Áp lực bán đến từ cả hai khu vực ‘’hàng thực’’ và ‘’hàng giấy’’ ắt phải đưa giá xuống thấp.
2. Các thông tin căn bản và cung-cầu tiếp tục gây bất lợi cho giá cà phê: Mưa đã về đều trên các vùng cà phê trọng điểm tại Brazil; khả năng sản lượng robusta của nước này tăng khá, bất chấp arabica giảm theo chu kỳ sinh học đặc thù của cây cà phê arabica; đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) giảm giá so với Usd (xem hình 1).
Giá giảm trên 2 sàn kỳ hạn ảnh hưởng không tốt đến thị trường trong nước. Giá cà phê nội địa tại nhiều nơi ở Tây Nguyên có lúc mất mốc 33 triệu đồng mỗi tấn, chỉ còn quanh 32,5 triệu đồng. Dù giá cà phê thế giới có giảm mạnh, thị trường trong nước vẫn cố giữ mức 33 triệu đồng mỗi tấn. Người mua hàng đã rất nhiều lần xác nhận rằng nếu giá dưới mức ấy, thị trường hầu như ‘’khô’’ nguyên liệu.
Dự báo tuần từ 25/02-01/03/2019: Có dấu hiệu tích cực từ thực tế thị trường
Nhìn vào đồ thị kỹ thuật cơ sở tháng 05/19 của sàn kỳ hạn cà phê London, tuần trước sàn robusta thiên về hoạt động tích luỹ trong biên độ 1.559 và 1.519.
Đóng cửa phiên cuối tuần ngày 22/02/19 tại 1.539. Đứng ở đây mà xét, mức này nằm ở điểm giữa của hai biên. Giá London chỉ có hướng tăng/giảm rõ ràng khi vượt khỏi hai đường biên 1.560-1.520. Biên độ rộng hơn nằm tại 1.588 và 1.483. Khi London qua khỏi được 1.560, kỳ vọng cho hướng lên là 1.588. Còn nếu như mất 1.520 và mức tâm lý quan trọng 1.500, giá lại tìm về 1.485 rồi 1.468 (xem hình 2).
Giá tuần mới có nhiều hy vọng khá hơn. Xét về hoạt động, thị trường giảm áp lực bán khi tháng 03/19 thành tháng giao ngay. Xét về kỹ thuật, đóng cửa tại 1.539, giá London vẫn còn yếu vì nằm dưới các mức bình quân động như 20/50/100 ngày tương ứng tại các điểm 1.550/1.546/1.616. Nhìn theo thực tế đã xảy ra ngày 22/02, từ đáy trong ngày (và cũng là của cả tuần) 1.523, London đã bật trở lại để đóng cửa dương 6 Usd/tấn ngày cuối tuần, tạo đà cho những đợt tăng ngắn ngay sau khi ngày thông báo giao hàng đầu tiên của tháng 03/19 có hiệu lực.
Nói riêng về sàn London là như thế. Nhưng tương tác giữa sàn New York đối với London cũng cần được tính đến. Giả sử New York mất mốc 98 cts/lb cơ sở tháng 05/19, kỹ thuật giá sàn này sẽ triển khai theo chu kỳ giảm. Nếu hiện tượng này xảy ra, giá London trở nên cực xấu và có thể về hoạt động ở vùng dưới 1.500 Usd/tấn.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước
Liên tiếp từ 3 tuần tính đến hết ngày 24/02, giá cà phê nội địa không thay đổi mấy do ảnh hưởng thời gian nghỉ Tết âm lịch, giá kỳ hạn London không có đột biến, nhất là áp lực bán từ nông dân ra sau Tết giảm, giá cà phê nội địa chỉ xoay quanh mức từ 32,5-33,5 triệu đồng mỗi tấn.
Một khi lực bán trên sàn giảm, nhu cầu mua hàng xuất khẩu cho những tháng tiếp theo xuất hiện, cộng với những gì xảy ra theo cách giải thích kỹ thuật, hy vọng giá cà phê nội địa có lúc sẽ phục hồi lên 33,5-34 triệu đồng mỗi tấn.
Khu vực giá cà phê nội địa được dự đoán trong tuần này là 33-34 triệu đồng mỗi tấn.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 130