Nhận định giá cà phê thế giới từ 24-29/05/2021: Khi nào thị trường cà phê trong nước nhộn nhịp trở lại?

Tác giả NQB. Ảnh Lê Hoàng Nhi

Diễn biến thị trường tuần trước: Các nước tiêu thụ dỡ lệnh phong tỏa, giá tăng.

Nhiều nước tiêu thụ cà phê ở Châu Âu và Mỹ đã dỡ lệnh phong tỏa, hàng quán cà phê, khách sạn nhà hàng…đã mở cửa trở lại sau khi một tỷ lệ lớn người dân tại đó được tiêm chủng mở rộng vắc xin chống dịch Covid-19.

Giá cà phê hai sàn phái sinh tuần qua đón làn sóng tiêu thụ, đã tăng trở lại dù còn khiêm tốn.

Mặt khác, thị trường tài chính cũng được giải tỏa tâm lý lo ngại Mỹ tăng lãi suất do lạm phát. Thông tri hàng tháng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần khẳng định Mỹ chưa tính đến chuyện thay đổi chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương EU cũng cho biết chưa có kế hoạch thu hẹp chương trình kích cầu. Tăng lãi suất đồng Usd thường dẫn đến hệ quả là các quỹ đầu tư tài chính trên các sàn hàng hóa giảm mua tăng bán để đối phó với chi phí tài chính và lãi suất cao khi mua và trữ hàng.

Chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) có lúc giảm xuống mức thấp nhất tính từ 4 tháng nay tại 89,63 điểm nhưng cuối phiên 21/05/21 đã phục hồi lên trên 90 điểm. Dao động DXY tính từ 52 tuần trở lại đây cho thấy mức cao/thấp nhất là 99,99- 89,16 điểm.

Chỉ số cước vận tải biển hàng khô BDI tuần trước giảm 2,40% do Trung Quốc chủ động hạ nhiệt giá quặng sắt và thép cũng như giảm mua một số mặt hàng nguyên liệu do giá hàng hóa tăng quá căng (hình 1-bên trái). Tuy vậy, giá cước tàu biển cho 1 container 20’ từ các cảng Việt Nam đi còn rất cao, từ Việt Nam sang EU mỗi tấn cà phê “cõng” chừng 350 Usd/tấn.

Dù kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ tăng dần nhờ các nước tiêu thụ xóa lệnh giãn cách, hàng cà phê Việt Nam cũng chưa được đi tự do vì giới kinh doanh chưa chịu nổi với giá cước ngất ngưởng.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho khả dụng Bắc Mỹ

Hiệp hội Cà phê hạt Mỹ (Green Coffee Association) cho biết tính đến hết tháng 04/2021, tồn kho cà phê khả dụng toàn vùng Bắc Mỹ đạt 345.754 tấn trong đó có chừng 5,480 tấn là cà phê tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn New York, tương đương với 10 tuần tiêu thụ cho cả vùng Mỹ và Canada. Thời điểm tồn kho thấp nhất của vùng tiêu thụ này xuất hiện vào năm 2011 với chừng 240.000 tấn.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn của 2 sàn được ghi nhận đều tăng trong đợt này: sàn arabica New York là 122.143 tấn so với tuần trước là 121.123 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London tăng lên 158.990 tấn so với tuần trước là 157.800 tấn.

Dự báo sản lượng cà phê thế giới năm nay giảm: USDA

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa phát hành dự báo sản lượng cà phê toàn cầu, năm nay ước đạt 164,31 triệu bao (bao=60 kg) so với năm trước là 177,48 triệu bao do Brazil vào chu kỳ mất mùa. Trong đó, một số nước sản xuất chính như Brazil đạt chừng 56,3 triệu bao, Việt Nam 30,83 triệu, Colombia 14,1 triệu, Indonesia 10,63 triệu và Uganda 4,80 triệu bao.

Uganda

Xuất khẩu cà phê Uganda trong 7 tháng đầu niên vụ 2020-2021 đạt 3,4 triệu bao (bao=60 kg) tăng 15,86%. Riêng tháng 04/2021, xuất khẩu Uganda tăng gần 50% đạt 537.538 bao.

Cục Cà phê Uganda đặt chỉ tiêu đến năm 2030, sản lượng cà phê nước này phải đạt 20 triệu bao.

Giá cả

Giá trên hai sàn cà phê so tuần với tuần có kết quả tăng dù không vượt được đỉnh cao nhất lập gần đây.

-Sàn robusta London chốt mức 1.478 Usd/tấn tăng 18 Usd với biên độ dao động 1.519/1.449. Đỉnh cao nhất trong tháng là 1.557 Usd/tấn.

-Sàn arabica New York có thêm 4.90 cts/lb tương đương với +108 Usd/tấn chốt tại 150.10 cts/lb trong biên độ dao động 153.70/144.60. Đỉnh cao trong tháng ở mức 155.40 cts/lb.

Giá cà phê xuất khẩu trong nước loại 2, tối đa 5% đen vỡ dao động trong khu vực từ 33,8 đến 33 triệu đồng/tấn. Giá thấp nghiêng về cuối tuần. Giá chào cà phê xuất khẩu quanh mức -20/-30 Usd/tấn Fob dưới giá niêm yết sàn London.

Giao dịch mua bán trong nước không mạnh, cả hàng bán mới lẫn chốt giá cà phê đã giao vào kho bán theo hợp đồng “chốt giá sau” (price-to-be-fixed).

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 24-28/05/2021: Hướng xuống mạnh hơn hướng lên?

Trên sàn arabica New York, chạm đỉnh vào đầu tháng 05/2021 tại 155.40 cts/lb, tiếp theo đó, giá phái sinh arabica nhiều lần rắp tâm lên nhưng không vượt được 154.10 để rồi lập một vùng kháng cự rất vững chắc tại khu vực 153.30/153.70. Phiên cuối tuần trước, giá New York thúc thủ tại 152.90. Xét về tương tác giữa hai sàn, thị trường arabica không thể giúp được robusta vì thiếu lực mua.

Chỉ trong 7 ngày giao dịch gần nhất tính đến 21/05/21, sàn robusta London cũng “dàn hàng ngang” tại khu vực đỉnh 1.519/1.518/1.517/1.516 và từ đó giá trào xuống để cuối cùng đỉnh trong ngày giao dịch gần nhất không vượt khỏi 1.500 để đóng cửa tại 1.478 sau khi chạm đáy trong ngày là 1.474.

Đồ thị của chuyên gia phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp tỏ ra lo ngại rằng đà xuống vẫn còn vì trong 3 ngày giao dịch gần nhất đáy và đỉnh sau thấp hơn trước.

Nếu như trong những ngày đầu tuần này, London không giữ được các nút hỗ trợ tại 1.469/1.456 giá có thể về tìm lại vùng hỗ trợ từ 1.449-1.446 được rải la liệt trong các phiên giao dịch trước để xuống sâu hơn như 1.430/1.409. Thật vậy, chỉ cần mất 1.432, London sẽ bị kích bán mạnh hơn để mất thêm 20 Usd nữa.

Từ mức đóng cửa 1.478, London chỉ củng cố vị thế vững khi qua được vùng 1.490. Nhưng để lên lại 1.550, sẽ là kỳ công nếu London vượt qua được hàng rào kháng cự từ 1.516 đến 1.519. Bao lâu đóng cửa nằm trên mức 1.519, bấy lâu mới hy vọng lên mạnh. Nhưng khả năng này xem ra khá mỏng manh nếu như thị trường không có một tin cơ bản nào tích cực như yếu tố thời tiết hay tiền tệ.

Dự kiến giá trong tuần sẽ hoạt động trong vùng dao động hẹp là 1.445-1.495 và nếu rộng nữa là 1.410-1.519.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Khi nào nhộn nhịp trở lại?

Tuần trước, sau khi chạm 1.519, London đã mất dần lực mua để kéo xuống đóng cửa tại 1.478 phiên 21/05/21. Giá cà phê nội địa rớt dần từ đầu tuần tại 33,7 xuống còn quanh 33 triệu đồng/tấn qua đầu tuần này.

Ách tắc trong vận tải đưa hàng ra khỏi nước đã làm thị trường trì trệ, hãm hợp đồng mua bán mới và giá cả không được giải phóng.

Các nhà nhập khẩu vẫn còn giữ một lượng hàng lớn trong kho, vốn và tín dụng đã cạn nên không mua được như bình thường, trong khi đó mùa mưa đã bắt đầu nông dân đang cần tiền mặt để mua phân bón và trả công chăm sóc vườn cây.

Với hiện trạng thị trường như thế, giá cà phê nội địa tuần này xem ra khó vượt khỏi 33,5 đồng/tấn nếu London có dịp lên, nhưng hướng xuống có thể về 32,5 triệu đồng/tấn vì người bán khó chấp nhận mức thấp hơn.

Từ lâu, giá cứ đi lui đi tới trong vùng này. Chỉ một lúc nào đó người mua (thường ký hợp đồng Fob, tức người mua trả cước vận tải) chấp nhận giá cước, đưa một lượng tồn kho lớn ra khỏi lãnh thổ, bấy lâu thị trường cà phê trong nước mới nhộn nhịp trở lại.

Chỉ còn 4 tháng nữa là hết niên vụ 2020-2021. Xem ra thị trường cà phê trong nước và xuất khẩu chỉ có thể hoạt động nhịp nhàng khi có giá mới với sự chấp nhận giá cước mới của các nhà nhập khẩu. Nếu như cước vận tải không giảm thật mạnh, cà phê xuất khẩu Việt Nam khó được trả với mức cao hơn giá niêm yết của sàn phái sinh robusta như vài tháng trở về trước.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 79