Nhận định giá cà phê thế giới từ 22-28/02/2021: Giá cà phê nội địa còn bị dìm?

Diễn biến thị trường cà phê tuần trước: Thị trường tài chính tăng theo kỳ vọng món tiền 1,9 nghìn tỷ Usd  

Gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ Usd do Tổng thống Joe Biden đề nghị được hầu hết những người chịu trách nhiệm trong chính quyền Mỹ khuyến khích trong đó có Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Chủ tịch Hạ viện Mỹ bóng gió rằng cơ quan lập pháp này sẽ thảo luận và thông qua vào những ngày cuối tuần.

Tâm lý thị trường tuần qua và cả tuần đến 28/02 đầy phấn chấn với tin này. Giá các nhóm hàng hóa tuần qua như năng lượng, kim loại (trừ vàng) và nhiều mặt hàng nông sản tăng, trong đó có hai sàn cà phê.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Thị trường nói gì về sản lượng cà phê Brazil năm mất mùa 2021-2022?

Nhìn chung, cây cà phê Brazil đang phát triển khá thuận lợi nhờ ảnh hưởng hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina giảm dần. Tổng hợp nhiều nguồn dự báo trong giới chuyên môn và kinh doanh cho thấy tâm lý thị trường đang dừng ở các con số sản lượng 21,20 triệu bao (bao=60 kgs) với robusta và 34,51 triệu bao arabica. Vụ thu hái robusta bắt đầu trong vòng hai tháng nữa và arabica từ tháng bảy hàng năm.

Tiêu thụ cà phê 2021 tăng: ICO

Tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2020 đạt 164,53 triệu bao giảm 2,4% do nền kinh tế thế giới đi xuống cộng với lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 tại nhiều nước làm hàng quán, khách sạn nhà hàng phải đóng cửa. Dự kiến tiêu thụ 2021 sẽ được phục hồi và ước tăng 1,3% đạt chừng 166,63 triệu bao, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nói trong báo cáo gần đây về Tiêu thụ cà phê toàn cầu.

Tồn kho cà phê khả dụng vùng Bắc Mỹ giảm

Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ (GCA) báo tồn kho cà phê khả dụng vùng Bắc Mỹ tính đến hết tháng 01/2021 giảm 12,4% so với cùng kỳ 2020 đạt 5,84 triệu bao (bao=60 kgs). Trong thời bình thường trước Covid-19, mỗi tuần Mỹ và Canada tiêu thụ chừng 0,6 triệu bao. Như vậy, lượng tồn kho trên có thể đáp ứng chừng 10 tuần. Tin này giúp giá arabica tuần qua tăng tốt hơn robusta.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này đều tăng: sàn arabica New York là 104.170 tấn so với tuần trước là 102.908 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 144.720 tấn so với tuần trước là 142.790 tấn chủ yếu hàng từ Brazil.

Giá cả

Giá 2 sàn cà phê có kết quả chung cuộc tăng dù phiên cuối tuần trước sàn robusta giảm 11 Usd/tấn cơ sở giao dịch tháng 05/2021.

Người trên sàn cho rằng ngày 19/02 giá London giảm do các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam quay lại làm việc sau đợt nghỉ Tết dài và ngày thông báo giao hàng đầu tiên cho tháng 03/2021 của sàn phái sinh robusta cận kề (23/02/2021). Sức ép chốt giá cho những hợp đồng cuối cùng giao dịch trên tháng này làm giá cuối tuần trước xuống. Tuy nhiên, tính cả tuần đến 19/02, hai sàn cà phê có kết quả như sau:

Sàn arabica tăng 6.10 cts/lb tức 134,5 Usd/tấn chốt ở 129.15 sau khi chạm đỉnh cao nhất tháng với biên độ 130.35/122.10.

Sàn robusta tăng 2 Usd/tấn đạt 1.369 Usd/tấn với biên độ 1.385/1.345. Đỉnh 1.385 là mức cao nhất tính từ 05/01/2021.

Chỉ số cước vận tải biển hàng khô BDI (Baltic Dry Index) trở lại vùng cao của đầu năm nay (hình 1 – bên trái).

Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ tại vùng nguyên liệu trong tuần quanh mức 33,2-33,2 triệu đồng/tấn. Giá chào bán xuất khẩu cùng loại ở quanh mức không đổi so với tuần trước, +100 Usd/tấn FOB cao hơn sàn London.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 22-28/02/2021: Còn trong kênh tăng.

Đứng từ vị trí đóng cửa hiện nay là 1.369, theo đồ thị của nhà phân tích kỹ thuật độc lập Phan Trọng Anh, có thể thấy rằng:

Giá London nằm trong kênh tăng. Dù phiên giao dịch gần nhất giảm 11 Usd về 1.369 nhưng vẫn chưa đánh mất yếu tố tích cực về kỹ thuật. Giả sử như trong những phiên tới, dù có mất 1.366 để về 1.356 thì vẫn còn đủ khả năng lên thử lại 1.385 để tìm lực mua và tăng tiếp.

Bao lâu mất 1.339, bấy giờ yếu tố tích cực này mới bị hóa giải.

Nhìn theo tỷ lệ Fibonacci, hướng tăng sẽ bật trở lại nếu vượt khỏi đỉnh của tuần trước là 1.385 để tìm lên 1.399 rồi 1.413 và 1.431.

Với hiện tượng phá được khu vực 1.377 để lên 1.385 trong tuần qua, giá đóng cửa phiên 19/02 xuống có thể chỉ là một cuộc hiệu chỉnh sau 4 ngày liên tiếp tăng trên sàn London.

Tuy nhiên, giả sử có một cuộc đảo chiều di xuống, giá đóng cửa London phải về sâu dưới 1.345. Bấy giờ mới nên bắt đầu lo ngại.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Bị chi phối bởi lực mua yếu và tỷ giá bất lợi

Dù giá London bật tăng trong các phiên giao dịch gần nhất, giá thu mua trên thị trường cà phê nội địa không đồng đều: có nơi chỉ trên 32 triệu đồng/tấn, có nơi 33 triệu. Điều này chứng tỏ lực mua trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán rất thất thường, ai thực sự có nhu cầu thì trả giá cao, ai chưa có hợp đồng mới thì trả giá thấp.

Có lẽ khi trở lại hoạt động bình thường vào tuần này, nhu cầu mua thực sự sẽ phản ánh lên giá được trả. Mặt khác, tỷ giá Usd/Vnd vừa qua (23.000/23.100) hầu như không ủng hộ người bán trên thị trường nội địa.

Nếu như nhà nhập khẩu chưa có nhu cầu giao hàng thực sự với tỷ giá Usd/Vnd như thế, giá cà phê nội địa khó qua khỏi 33 triệu đồng/tấn dẫu giá London có quay lại 1.385.

Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ chỉ có thể chạm và vượt 33 triệu khi người mua thấy giá London về trên 1.399/1.400. Còn nếu quanh quẩn 1360-1.395, thị trường nội địa cũng chỉ dao động trong vùng 32-32,9 triệu đồng/tấn.

Nền kinh tế các nước EU và Anh Quốc suy yếu trong năm 2020 do dịch Covid-19, năm nay đang chống chọi để phục hồi. Tuy nhiên, nhu cầu hàng hóa có vẻ chậm và có thể phản ánh lên cước vận tải biển sau Tết Nguyên đán trở đi. Nhiều doanh nghiệp cần giao hàng phải mua cước rất cao. Chỉ số cước vận tải bằng container Thượng Hải (SCFI) tuần trước nằm ở 4.276 Usd/container cho hành trình Thượng Hải-Bắc Âu nhưng người mua cước phải trả cao hơn thế do các hãng tàu áp dụng phụ phí thời kỳ cao điểm và xăng dầu…Tuy vậy đã có dấu hiệu lượng containers rỗng nhiều dần và giá cước xuống dù rất nhẹ.

Châu Âu là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Bao lâu hàng trong các kho ngoại quan giảm, một lượng cà phê đủ lớn ra khỏi lãnh thổ, bấy lâu mới hy vọng giá cà phê nội địa có điều kiện tăng thực sự.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 43