Nhận định giá cà phê thế giới từ 22-27/07/2019: Giá khó tăng cao do áp lực bán xuất khẩu bắt đầu mạnh

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 15-19/07/19: Hai sàn có kết quả nghịch chiều.

Hình 1

Sau một tuần, giá 2 sàn kỳ hạn cà phê có kết quả nghịch chiều nhau: sàn robusta giảm nhẹ nhưng arabica tăng.

Thoát xuống khỏi vùng hỗ trợ mạnh 1.421 của tuần kết thúc ngày 12/07/19, giá kỳ hạn cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, chạy xuống dưới mức tâm lý quan trọng 1.400 nhưng lại dừng tại đáy trong tuần là 1.395 Usd/tấn.

Ba ngày liên tiếp đầu tuần trước, sàn London có đáy từ 1.395-1.397, không xuống sâu hơn nữa. Biên độ dao động cả tuần +/-47 Usd (1.442-1.395) và đóng cửa cuối tuần tại 1.419, giảm 5 Usd/tấn. Sàn kỳ hạn arabica New York lại tăng nhẹ và chốt tại 107.30 +0.65 cts/lb tương đương với +14 Usd/tấn (hình 1).

Dù giá kỳ hạn London giảm, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ tại nhiều nơi ở Tây Nguyên giao dịch ở mức cao, từ 33,5 đến 34.5 triệu đồng mỗi tấn. Hàng giao về các kho quanh các cảng TP. HCM và Bình Dương có lúc chạm 35 triệu đồng mỗi tấn, lượng giao dịch không nhiều. Giá xuất khẩu cùng loại được chào mức +70 Usd/tấn trên giá niêm yết sàn robusta cơ sở giao dịch tháng 09/2019. Nếu lấy giá đóng cửa ngày 19/07, giá xuất khẩu đạt mức 1.489 Usd/tấn FOB hay 34,71 triệu đồng mỗi tấn chưa tính chừng 80 Usd/tấn cho các chi phí xuất khẩu và tài chính(tỷ giá VndUsd 23.310). Như vậy, giá cà phê xuất khẩu thấp hơn giá được trả cho hàng nguyên liệu trong nước. Chính vì vậy, thị trường xuất khẩu không mấy nhộn nhịp.

Giá cách biệt (arbitrage) giữa 2 sàn đang ở mức 42.95 cts/lb hay 947 Usd/tấn (hình 1). Trong thời gian gần đây, giá cách biệt dao động khá mạnh với khung 34-48 cts/lb. Khi mức cách biệt này co lại, robusta được cho là đắt, vì thế người mua hàng quay sang mua arabica; còn nếu như càng giãn ra xa, robusta được mua nhiều hơn.

Do vậy, tuần qua thị trường xuất khẩu cà phê trong nước yên ắng, đó là điều dễ hiểu.

Bên sàn arabica, đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) có lúc tăng 1 Usd ăn 3,72 Brl, từ mức thấp 3,85 so với Usd (hình 1-phía trái). Nên dù arabica được bán nhiều, đồng Brl mạnh đã kéo giá arabica New York lên vì vậy mà giá New York được giữ vững.

Dự báo tuần từ 22-26/07/2019: Giao dịch cầm chừng, khó có đường tăng mạnh.

Hình 2

Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, giá kỳ hạn robusta London chốt tại 1.419, rất gần với đáy của tuần kết thúc ngày 12/07/19 và nằm dưới các mức bình quân động (MA) 5/20/50/100/200 ngày. Biên độ dao động trong tuần từ giữa thấp và cao nhất là 1.395-1.442. Biến động trong các phiên giao dịch không mạnh, được xem là một tuần hoạt động tích lũy. Chính vì thế, tuy chỉ còn 2 Usd nữa là chạm 1.421, nhưng xem ra rất xa. London dứt khoát phải thoát lên đóng cửa trên mức 1.421 (MA 5/50 ngày) thì mới có thể kéo các quỹ đầu tư về mua dần để tập hợp xung lực tăng. Các kỳ vọng sau khi qua khỏi 1.421 sẽ là 1.437 và 1.448 (hình 2).

Nhìn theo xu hướng lên trong hoàn cảnh hoạt động tích lũy, mức 1.469 là xa và 1.493 (các đỉnh cũ) lại càng xa nếu như các quỹ đầu cơ không chịu tăng cường mua mạnh hơn để áp đảo lực bán từ các nước sản xuất.

Khung dao động 1.442-1.395 có thể được lặp lại trong tuần này.

Tuy nhiên, phải thấy rằng mất vùng kháng cự 1.421-1.429 là một rủi ro. Bao lâu London vượt xuống khỏi 1.405, đó là lúc phải tính tới khả năng rớt về lại vùng 1.395. Mất chốt quan trọng này, giá sàn robusta cơ sở tháng 09/19 sẽ nhanh chóng về 1.374 và thử thách lại vùng 1.356.

Những ngày đầu tuần, xu hướng giá tại London ở mức trung tính đến tiêu cực. Khả năng phục hồi cuối tuần nếu có, thì sàn này phải đứng cho được trên mức tâm lý 1.400 hay nói chắc hơn 1.405 trong những ngày đầu tuần.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá nội địa khó tăng mạnh.

Công ty môi giới kinh doanh cà phê Brazil Safras & Mercado (S&M) ước vụ mùa 2019/20 của Brazil đạt chừng 58,9 triệu bao (60 kg=bao) gồm arabica 40,6 triệu bao và robusta 18,3 triệu bao. Tính đến cuối tuần trước, S&M cho rằng nước này đã hoàn thành thu hoạch trên 75% trong đó arabica 27,6 triệu bao và robusta 16,5 triệu bao. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã lớn nhất thế giới của Brazil là Cooxupé cho rằng sản lượng cà phê vụ 2019/20 sẽ giảm 9,2% hay -7,6 triệu bao so với năm trước do mất mùa theo chu kỳ năm được năm mất.

Như vậy, hàng robusta của Brazil đã rất sẵn sàng. Với khối lượng gần bằng 2/3 tổng sản lượng bình quân hàng năm của Việt Nam, robusta Brazil đang ‘làm giá’ trên sàn London. Giá nội địa cao, cà phê Việt Nam lại ở giai đoạn cuối vụ, tồn kho không còn nhiều, nên áp lực bán trên sàn robusta London chủ yếu từ Brazil, nước có sản lượng robusta lớn thứ hai thế giới. Một lợi thế khác của Brazil là khi giá arabica thấp, họ sẽ bán robusta và để lại arabica loại chất lượng thấp nhằm tiêu thụ trong nước.

Giả sử có lúc nào đó đồng nội tệ Brazil (Brl) mất giá so với Usd và giá arabica rẻ, chắc chắn nông dân Brazil không ngần ngại bán robusta. Chính vì thế, có thể thấy trước rằng giá kỳ hạn robusta khó tăng mạnh. Đặc biệt, mới đây, khi một số quỹ đầu tư hàng hóa như Deutch Bank quyết định ngưng hoạt động cung ứng vốn kinh doanh hàng hóa trong đó có các mặt hàng nông sản kể cả cà phê, sức mua của các công ty kinh doanh cà phê quốc tế cũng có phần nào chịu ảnh hưởng (về tín dụng).

Tính đến đầu tuần này, giá cà phê xuất khẩu giao về các cảng vẫn còn ở mức 34,7 triệu đồng mỗi tấn chưa tính phí tài chính và lợi nhuận. Điều này cho thấy rằng cà phê được giao dịch trong nước chỉ là các thương vụ ‘tay trao tay’ và tách rời phần nào các hoạt động xuất khẩu.

Giá cà phê nội địa có thể còn dâng cao nếu như giá kỳ hạn tăng. Tuy nhiên, mức tăng sẽ rất hạn chế vì áp lực bán robusta từ Brazil như trên đã nói.

Cũng có thể thấy rằng nếu như có một kỳ vọng nào đó để giá London tăng, thì chỉ còn sức mua bù thiếu (short covering) hàng giấy của các quỹ đầu tư trên sàn này. Tuy nhiên, nếu tăng mạnh, lại sẽ gặp lực chốt bán hàng thực (xuất khẩu) của Brazil.

Như vậy, một kỳ vọng cho giá xuất khẩu cà phê robusta Việt Nam lên 35,5 triệu đồng mỗi tấn xảy ra trong tuần này xem ra không phải dễ.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF

Hits: 225