Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 13-17/01/20: Giá yếu tuần giáp Tết.
Hình 1
Bối cảnh thị trường
Điểm nhấn tuần qua chính là thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) được ký kết vào ngày 15/01/2020. Theo hiệp định ký kết, TQ cam kết mua chừng 200 tỷ Usd hàng hóa Mỹ gồm nông sản, đồ dùng công nghiệp, năng lượng và một số sản phẩm dịch vụ khác trong vòng 2 năm. Đổi lại, Mỹ rút một số dòng thuế lên hàng nhập khẩu TQ.
Ngay ngày ký thỏa thuận, giá trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, phiên tiếp sau ngày ký, các sàn chứng khoán châu Á tỏ ra khá thận trọng. Một trong các lý do: Mỹ bảo lưu chừng 360 tỷ Usd thuế hàng hóa TQ và sẽ giảm dần tùy theo mức độ tuân thủ thỏa thuận từ phía TQ. Trong thời gian đó, hai bên tiếp tục đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2. Theo dự kiến phải đến tháng 11/2020, tức sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới.
Nghi ngờ chuyện bảo lưu
Thị trường còn nhiều nghi vấn chuyện “bảo lưu” áp thuế của Mỹ trên hàng hóa TQ và cho rằng việc tuân thủ thực hiện của TQ khá mỏng manh, nhất là nông sản. TQ cam kết mua nông sản với các “điều kiện thị trường cho phép”, tức chẳng có ràng buộc nào vì trong khi hai bên áp thuế lẫn nhau, TQ đã tìm thị trường nhập khẩu nông sản từ các nước khác. Giới kinh doanh nông sản nghi rằng 360 tỷ Usd Mỹ chưa chịu thả và sử dụng nó làm “điều kiện”, thì chính hàng nông sản Mỹ dễ trở thành “con tin” của thị trường nhập khẩu TQ. Giá nhiều sàn nông sản tại Mỹ ngày 16/01/20 đóng cửa giảm như đậu tương -0,50%, lúa mì -1,40%, ngô (bắp) -3,10% và cà phê arabica -1,18%, là các mức thấp nhất từ 4 đến 7 tuần (1) .
Fed bơm tiền
Trong khi đó, cũng trong thời gian ký thỏa thuận, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế cho giai đoạn từ giữa tháng 01/20 đến giữa tháng 02/20. Mỗi ngày ước Fed sẽ bơm cho vay 30 tỷ Usd để từng tháng Fed mua lại trái phiếu kho bạc chừng 60 tỷ Usd như kế hoạch đã đề ra.
Dự báo sản lượng cà phê Brazil năm 2020 không mấy ủng hộ cho giá 2 sàn cà phê.
Tình hình cung cầu cà phê
Xuất khẩu
Áp lực bán mạnh trước Tết Canh Tý từ Việt Nam cộng với một số tin tốt từ phía cung đã làm giá cà phê trong tuần yếu đi.
Xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt Colombia tháng 12/19 tăng 3,3% so với cùng kỳ 2018 đạt 1.387.000 bao (bao = 60 kg) (Fedecafe)
Năm 2019, Brazil xuất khẩu 36,6 triệu bao. Nếu tính theo niên lịch, thì năm ngoái là năm xuất khẩu lớn kỷ lục của Brazil, tăng 14,8% so với 2018 (Cecafe).
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tháng 12/19 đạt 3.317.433 bao, tăng 66,8% so với 11/19. Tuy nhiên, tính cả năm 2019, tổng lượng cà phê xuất khẩu cả nước chỉ đạt 2,75 triệu bao, giảm 11,9% về lượng nhưng giảm 19,3% về giá trị với 2,85 tỷ Usd.
Dự báo sản lượng Brazil
Thêm vào đó, thông tin trên thị trường cho rằng Ecom (Thụy Sỹ) – một tập đoàn chuyên doanh cà phê lớn của thế giới – đánh giá sản lượng niên vụ 2020-2021 của Brazil có thể lên đến 70 triệu bao. Nếu vậy, đây là một kỷ lục của các kỷ lục.
Tuy nhiên, cơ quan định mức sản lượng nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil (Conab) đưa ra ước báo năm 2020 là từ 57,15 đến 59,6 triệu bao.Trong đó sản lượng arabica tăng trong khoảng 26%-34,1% tức 43,2-45,98 triệu bao, robusta từ 13,95-16,04 triệu bao.
Giá cả (xem hình 1)
Thông tin tiêu cực về nguồn cung dồi dào năm 2020 phản ánh lên giá của 2 sàn cà phê phái sinh. Nếu như tính từ 31/12/19, giá sàn arabica New York giảm một mạch từ 132.75 xuống đến mức sâu nhất lập ngay ngày cuối tuần trước 17/01/20 là 111.35 cts/lb. Chỉ riêng tuần qua, tính trên đóng cửa, sàn arabica mất 6.80 cts/lb hay 150 Usd/tấn (hình 1 – bên trái).
Do vậy, giá cà phê phái sinh robusta không thể đứng vững. Cả tuần, giá đóng cửa London mất 26 Usd để chốt tại 1.319 (1.345-1.319) sau khi chạm đáy 1.305 Usd/tấn.
Chỉ số đồng Usd tăng trong tuần, trong khi giá trị đồng nội tệ Brazil của cặp tỷ giá UsdBrl giảm làm giá 2 sàn cà phê thêm bất lợi.
Thị trường cà phê trong nước đã có lúc chạm 31,2 triệu đồng/tấn. Nhưng mức thấp ấy tỏ ra không vững và giá bình quân cả tuần xoay quanh 32-32,5 triệu đồng/tấn. Sở dĩ giá nội địa vững là do giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ tính theo chênh lệch với giá niêm yết tăng. Các nhà xuất khẩu đang chào bán quanh mức +70/+90 Usd/tấn so với giá niêm yết sàn London, 10 Usd cao hơn so với đơn chào trước đó.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 20-24/01/2020: Biểu hiện kỹ thuật cho thấy giá chưa muốn xuống sâu hơn.
Trên sàn robusta London, nhờ có đợt mua mạnh từ các nhà kinh doanh và rang xay ngày 17/01/20, giá đã không phạm đáy 1.305 và đóng cửa tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó.
Hình 2
Đứng tại vị trí hiện nay gồm đóng cửa 1.319 với đỉnh và đáy trong tuần là 1.348 và 1.305 để xem xét, có thể thấy rằng:
-Vùng 1.305-1.310 là khu vực hỗ trợ rất mạnh. Chỉ từ đầu tháng 09/19 đến nay, đã có đến 9 phiên chạm vùng này rồi lên lại. Riêng mới đây có đến 6 phiên liên tiếp giá robusta dừng tại khu này.
-London tiếp tục có đỉnh ngày giao dịch sau thấp hơn các phiên trước đó. Hiện tượng này xuất hiện không chỉ tính đỉnh 1.348 tuần này, mà còn từ đỉnh 1.410 lập ngày 27/12/19.
Dựa trên phương pháp Fibonacci với biên độ đỉnh 1.568 và đáy 1.233 để tính các mốc giá cần lưu ý cho những ngày tới, đồ thị của chuyên gia phân tích độc lập Phan Trọng Anh đưa ra các kịch bản cho giá phái sinh robusta như sau:
Các kịch bản trong tuần:
Hướng giảm: Nếu như để mất khu vực 1.305-1.310, giá London có khả năng tìm về 1.285 và tệ nhất 1.233 (là đáy sâu nhất trên đồ thị lập giữa tháng 10/19).
Hướng tăng: Trường hợp vượt khỏi 1.354 (MA 20), sàn robusta rất dễ có thêm xung lực để tìm lên vùng “tỷ lệ vàng” (61,8%) tại 1.361/1.362. Các mốc 1.410/1.412 là kỳ vọng không chỉ cho tuần này mà còn trong thời gian xa hơn.
Ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước, biểu hiện mua bán trên sàn cho thấy rằng lực lượng rang xay và kinh doanh đã mua rất nhiều để tránh giá giảm sâu.
Hướng chính
Tuần này là tuần trước Tết Nguyên đán, áp lực bán từ Việt Nam sẽ giảm hẳn cho đến sau đợt nghỉ cả một tuần nữa. Trong thời gian ấy, thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sức mua hay bán từ các quỹ đầu tư tài chính cả lớn lẫn nhỏ trên sàn. Như vậy, nên nói rõ rằng vai trò mua từ nhà kinh doanh và bán từ các nước sản xuất sẽ không còn ảnh hưởng mấy đến diễn biến trên sàn robusta trong thời gian Việt Nam nghỉ trước và sau Tết.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Đã thấy giá đáy, còn giá đỉnh ở đâu?
Giá cà phê phái sinh robusta có lúc chạm đáy 1.305 và đóng cửa ở các mức thấp như 1.320 Usd/tấn, gặp phải áp lực bán trước Tết Canh Tý, giá cà phê trong nước có nơi đã chạm 31,2 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên sau đó đã được nâng dần lên 31,5-32 triệu đồng/tấn.
Nếu thị trường trong nước còn áp lực bán chăng, chỉ vài ba ngày tính từ 20/01 vì Tết Nguyên đán rơi vào ngày 25/01/20. Nên có thể thấy rằng mức 32 triệu đồng/tấn trong thời gian thị trường nội địa nghỉ Tết là mức đáy. Dù trên sàn có thể chịu áp lực bán từ các quỹ đầu tư, giá nội địa ít có khả năng rớt sâu hơn.
Về hướng tăng, tùy thuộc vào sức rướn lên cao của sàn robusta London, giá nội địa sẽ đi theo nhưng hoạt động mua bán chủ yếu do các nhà xuất khẩu chốt bán hàng treo trong kho của các nhà nhập khẩu. Mức 33 triệu đồng/tấn hiện nay là vùng kháng cự khá mạnh cho giá cà phê nội địa.
————————————————
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-Các websites: barchart.com, investing.com, theice.com, thitruongcaphe.net
-(1) “Chicago ag futures thumped in trade deal fallout”, Carl Surran, trên seekingalpha.com 16/01/20.
Trích nguồn:NCIF
Hits: 84
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.