Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Cùng đua nhau rớt giá
Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London tháng 11 và New York tháng 12/2022)
Thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ, đưa mối quan tâm về lạm phát và siết chặt lãi suất điều hành lên hàng đầu. Các quỹ đầu tư đã rút hàng chục tỷ USD ra khỏi cuộc chơi và quay lại mua đồng USD để trú ẩn vốn.
Cả tuần, chỉ số chứng khoán S&P500 mất 4,78%, là tuần sàn này có hiệu suất kinh doanh tệ nhất tính từ giữa tháng 06/22 đến nay. Không chỉ cổ phiếu, giá các sàn thương phẩm đều buông, không loại trừ nhóm hàng hóa nào.
Sau 5 ngày giao dịch, giá kim loại vàng giảm 2,6%, dầu thô WTI giảm 1,6%, khí đốt thiên nhiên giảm 2,2% và hai sàn cà phê không phải là luật trừ.
Sức ép bán tháo trên nhiều sàn tài chính xuất hiện kể từ thứ ba 13/09 khi Mỹ công bố tỷ lệ lạm phát tính cả năm đến hết tháng 08/22 vẫn ở mức cao 8,3% chứ không như kỳ vọng 8,1%. Trong khi đó, cuộc họp quyết định tăng lãi suất đồng USD đang cận kề. Ủy ban kinh tế-tài chính của Fed (FOMC) dự kiến triệu tập phiên họp thường kỳ vào giữa tuần này. Với các chỉ báo kinh tế như thế, thị trường đồn đoán Fed không khỏi siết chặt lãi suất với 0,75% là ít nhất.
Đua nhau tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương có khi là lợi bất cập hại vì dễ đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái. Đó là ý kiến của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế trong tuần qua.
Nhiều người tin rằng nền kinh tế thế giới đang trước ngưỡng của suy thoái khi nhiều doanh nghiệp logistics đồng thanh lên tiếng lượng giao nhận hàng hóa có vẻ giảm và sẽ yếu dần đến cuối năm, thậm chí đến đầu năm sau.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tính đến ngày 15/09/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn đều giảm: robusta London đạt 91.070 tấn giảm so với 91.170 tấn, arabica New York cũng chỉ còn 563.766 bao hay 33.826 tấn so với 624.470 bao tuần trước.
Nếu lấy con số hiện tại so với đầu niên vụ (01/10/21), bấy giờ tồn kho đạt chuẩn arabica là 2.076.557 bao hay 124.593,42 tấn và robusta là 122.900 tấn.
Hình 2 : 5 năm tồn kho khả dụng vùng Bắc Mỹ (GCA) – (nguồn: CTA)
Dù tồn kho đạt chuẩn giảm, nhưng tồn kho khả dụng vùng Bắc Mỹ tăng. Tính đến hết tháng 08/22, lớp tồn kho này lên 6,45 triệu bao (bao=60 kg), tăng 3,6% so với tháng 07/22 và tăng 5,2% so với cùng kỳ 2021. Hàng chuyển từ châu Âu sang, thay vì đưa lên sàn thì hóa ra các nhà kinh doanh bán thẳng ra thị trường tự do khiến tồn kho khả dụng vùng này tăng. Ước mỗi tuần vùng này tiêu thụ chừng 500-550 nghìn bao cà phê.
Doanh thu xuất khẩu cà phê Brazil tăng mạnh
Thu nhập từ xuất khẩu cà phê Brazil trong năm 2022 tăng 61,4% dù xuất khẩu tháng 08/22 giảm 2,5%. Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết kim ngạch xuất khẩu cà phê từ tháng 01 đến 08/22 đạt 5,9 tỷ USD nhờ giá thị trường cao hơn và tỷ giá đồng nội tệ Brazil so với Usd thuận lợi.
Nghị viện Liên minh châu Âu chuẩn thuận qui định cấm cửa nông sản có nguồn gốc phá rừng
Nghị viện EU đã chuẩn thuận các quy định cấm các chuỗi cung ứng nông sản nhập hàng có nguồn gốc phá rừng đối với các sản phẩm bán vào EU kể cả cà phê.
Giá cả
Giá cà phê nội địa tuần qua giảm dần từ 49,5 triệu xuống còn 48 triệu đồng/tấn. Tuy vậy thị trường vẫn không tạo ra sức ép bán do hàng vụ mới chưa thu hoạch.
Giá 2 sàn phái sinh đều giảm. Đến phiên giao dịch cuối tuần trước, giá robusta London xuống mức sâu nhất tính từ năm tuần và arabica xuống mức thấp nhất tính từ 25 ngày nay. Chỉ số giá trị đồng USD là DXY tăng trở lại, giá trị đồng nội tệ Brazil giảm so với Usd cùng với tin tồn kho khả dụng Bắc Mỹ tăng là nguyên nhân giảm nếu chỉ nhìn từ phía cung cầu.
Sau một tuần, giá hai sàn cà phê có kết quả như sau:
Sàn London giảm 62 Usd còn 2.202 Usd/tấn trong biên độ 2.298/2.171.
Giá arabica giảm mạnh, mất 13.4 cts/lb hay 295 Usd/tấn chốt ở 215.10 cts/lb với dao động rất mạnh 230.20-211.35 cts/lb.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 19-23/09/2022: Hướng giảm thắng thế
Sàn robusta có một tuần dao động rất mạnh với đỉnh 2.298 và đáy 2.171.
Sau khi không trụ được 2.250, sàn London rơi tự do đến 2.171 nhưng cuối cùng vực lên nằm tại 2.202.
Hình 3 Đồ thị diễn biến giá robusta London cơ sở tháng 11/22 (nguồn: barchart.com)
Cần thấy rằng trước đó giá London có lúc đứng tại đáy 2.201 thì nay mức ấy được xem là mức quyết định cho hướng lên hay xuống của tuần này. Một khi có giá đóng cửa mất mức ấy, thì giá robusta sẵn sàng về tìm 2.171 để xuống sâu hơn.
Nếu như lấy đáy 1.420 làm điểm xuất phát để tính lên, thi phương pháp Fibonacci cho thấy vùng kháng cự +150% tại 2.212 đã mất. Nay còn lại chốt 2.150 đóng tại tỷ lệ vàng 138,2% là 2.150. Sàn robusta có lúc đã trượt về 2.171, nếu như không qua được 2.212 mà đóng cửa dưới 2.201 thì khả năng quay lại thử một lần nữa mức 2.171 để về quấy rối vùng Fibo +138,2% là 2.150. Còn nếu như mất luôn 2.150 thì thị trường sẽ chìm theo hướng xuống 2.132 và từ đấy, hóa giải các điểm tích cực từ bấy lâu nay để về dưới 2.100.
Giả sử như những ngày đầu tuần, sàn này “bịt tai” lại với quyết định tăng lãi suất của Fed, thì phải ngay lập tức vượt và đóng cửa trên 2.212 để quay lên 2.232 rồi 2.252. Nhưng khả năng này xem ra rất khó chứ đừng kỳ vọng tăng cao hơn.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Áp lực bán sắp tới là có. Vấn đề là ứng xử thế nào.
Tâm lý lo ngại Fed tăng lãi suất từ 0,75% đến 1% đang bao trùm hai sàn cà phê cũng như nhiều sàn hàng hóa thương phẩm khác.
Nhưng dự đoán chung chủ yếu tập trung vào đợt này Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75%, rồi đến 11/22 thêm 0,50% và vào tháng 12/22 thêm 0,25%. Tuy nhiên, vẫn còn 16% người trên thị trường vẫn dự đoán đợt này Fed tăng 100 điểm phần trăm. Nói dông dài về lãi suất điều hành đồng USD để thấy trước tình hình khó khăn về giá cà phê từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều.
Trong hoàn cảnh ấy, giá cà phê trên sàn phái sinh khó có cơ hội tăng nhiều mà chủ yếu theo hướng xuống. Cho dù tồn kho đạt chuẩn có giảm gì đi nữa, yếu tố tiền tệ sẽ lấn át.
Vấn đề còn lại là một khi đồng USD mạnh lên so với hai đồng nội tệ tại hai nước xuất khẩu lớn nhất là Brazil và Việt Nam, thì cách ứng xử của họ như thế nào, đua nhau bán để tự dìm giá phái sinh và tự hại mình hay không. Một chuyện khác nữa là khi giá phái sinh xuống thấp, liệu giá xuất khẩu tính theo chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn với hàng tại nước xuất khẩu có bị áp lực mà kéo giãn ra không.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 37