Nhận định giá cà phê thế giới từ 25-30/09/2022: Tồn kho đạt chuẩn giảm hay tăng lãi suất, chuyện nào đáng lo hơn?

Tác giả NQB. Ảnh Lê Hoàng Nhi

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Vượt khỏi áp lực của quyết định tăng lãi suất  

 

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London tháng 01/23 và New York tháng 03/23)

Tuần qua, đồng một lúc nhiều nước tiêu thụ cà phê và cả Brazil đua nhau tăng lãi suất điều hành đồng nội tệ như một biện pháp chống lạm phát.

Ngân hàng trung ương Anh Quốc nâng lãi suất đồng bảng thêm 0,50%, Thụy Sỹ chính thức chấm dứt thời kỳ lãi suất âm, Na Uy cũng tăng 0,50% và còn hứa hẹn tăng thêm trong thời gian tới.

Ngân hàng trung ương EU (ECB) và Mỹ (Fed) tuần trước theo nhau tăng lãi suất cơ bản, cả hai cùng áp dụng tăng thêm một tỷ lệ như nhau là 0,75%.

Các nhà phân tích tại ngân hàng HSBC đưa ra nhận định viễn cảnh kinh tế vĩ mô EU khá u ám do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy và tác động tiêu cực của cuộc chiến Nga-Ukraine lên giá năng lượng và lương thực thực phẩm, đã tiếp tục kìm hãm tăng trưởng kinh tế, và buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt để kiềm chế lạm phát.

Mức lãi suất công bố hiện nay tại nước tiêu thụ cà phê hàng đầu đã lên đến 3% tới 3,25% so với đầu năm là 0%. Phía nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới cũng không chịu thua. Brazil nâng mức lãi suất đồng Reais (BRL) lên 13,75%/năm.

Tại một số nước tiêu thụ cà phê khác ở EU, tăng trưởng kinh tế quý 2/2022 của Tây Ban Nha đạt 1,5%, tăng từ 1,1% từ  quý 1/2022. Nhưng sức mua công nghiệp Pháp và Đức lại âm do giá năng lượng tăng cao.

Lạm phát cũng có nghĩa là sức mua giảm, chi phí tài chính cáo đối với các nhà kinh doanh hàng hóa và chi tiêu công của các chính phủ, ngoài ra nó còn ngăn cản tiết kiệm trong dân chúng. Còn suy thoái lại đồng nghĩa với thất nghiệp, rủi ro bể nợ của các doanh nghiệp tăng và kinh tế gia đình khó khăn.

Chính vì thế, nên thấy trước lực mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu giảm và sức tiêu thụ cà phê trong dân chúng các nước có thể bị hạn chế trong những tháng còn lại trong năm nay, thậm chí qua đến năm sau.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 22/09/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 93.960 tấn tăng so với 91.070 tấn, arabica New York giảm mạnh xuống sâu dưới 500.000 bao chỉ còn 485.408 hay 29.125 tấn so với 563.766 bao hay 33.826 tấn tuần trước.

So với đầu niên vụ (01/10/21), bấy giờ tồn kho đạt chuẩn arabica là 2.076.557 bao hay 124.593,42 tấn và robusta là 122.900 tấn.

Ba trong bốn người Mỹ uống cà phê hàng ngày

Khảo sát trong 2.000 người tiêu thụ cà phê ở Mỹ của OnePoll cho thấy cứ 3 trong 4 người Mỹ “cần” uống cà phê mỗi ngày. Khảo sát cũng cho biết người tiêu thụ cà phê Mỹ từ chối trả cốc cà phê từ 3 USD/cốc và sô-cô-la thường đi chung với cà phê.

Xuất khẩu cà phê Uganda giảm mạnh

Xuất khẩu cà phê tháng 08/22 của Uganda đạt 501.054 bao, giảm 28,5% so với 700.990 bao cùng kỳ năm 2021. Hạn hán tại các vùng trồng cà phê được cho là nguyên nhân chính.

Bão Noru

Siêu bão Noru được dự báo là cơn bão mạnh cấp 13 giật cấp 16. Các nguồn thông tin chính thống nói dự báo bão sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh Trung Trung bộ Việt Nam và mưa lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên từ Kon Tum đến Đắc Nông.

Ngoài ra, cơ quan dự báo thời tiết còn ho rằng từ nay đến cuối năm vẫn còn chừng chục trận bão và áp thấp nhiệt đới. Thu hái cà phê niên vụ mới của Việt Nam có thể chậm

Giá cả

Tháng giao dịch chính trên hai sàn cà phê đã chuyển sang 01/23 London và 03/23 New York. Nhận định từ bài này trở đi cũng dựa trên 2 tháng này.

Giá phái sinh cà phê có một tuần tăng nhẹ dù bị bao quanh bởi những quyết định tăng lãi suất của các nước.Tồn kho đạt chuẩn arabica giảm mạnh dưới 500 nghìn bao là tác nhân chính cho đợt tăng vừa rồi.

Đóng cửa phiên cuối tuần trước, giá cà phê cho kết quả: Sàn robusta tăng 30 Usd/tấn đạt 2.219 Usd với biên độ 2.239/2.160; sàn arabica tăng 4.35 cts/lb hay 91 Usd/tấn chốt ở 214.10 cts/lb với dao động 219.95/206 cts/lb.

Giá cà phê trong nước giao dịch quanh 48-49 triệu đồng/tấn và giá nguyên liệu đến đầu tuần này quanh 48,5 triệu đồng/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 25-30/09/2022: Còn tiếp tục giao dịch theo kiểu tích lũy nữa không?

Sau khi giảm xuống đáy sâu nhất tuần tại 2.160, giá phái sinh London tháng 01/23 phục hồi dần và giao dịch theo kiểu củng cố và tích lũy. Trong 4 ngày giao dịch cuối, giá dao động trong khung 2.239/2.186 để đóng cửa ở 2.219.

Hình 2 Đồ thị diễn biến giá robusta London cơ sở tháng 01/23 (nguồn: barchart.com)

Từ mức này, để bộc lộ theo hướng tăng, London cần vượt khỏi 2.232 để tiếp cận 2.274 rồi 2.286.

Nhưng nếu để mất 2.204 thì giá dễ theo chiều xuống. Một khi mất 2.190 thì London có thể tìm về 2.171 và về lại đáy tuần trước 2.160.

Trên cả 2 sàn cà phê, giá tăng nhưng vị thế kinh doanh đều giảm. Tính đến ngày khóa sổ 20/09, vị thế của các quỹ quản lý vốn giảm nhưng vẫn còn nằm ở phía dư mua với sàn arabica còn 34.665 lô (-5.644 lô) và robusta còn 28.370 lô (-3,657 lô).

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: “Vắt giá” đậm trên sàn arabica nói lên điều gì?

Tuần qua, thị trường trố mắt vì mức độ chênh lệch giá giữa 2 tháng 12/22 với 03/23 của New York giãn rộng (220.45 với 214.10 cts/lb). Nhìn từ góc độ tồn kho đạt chuẩn, lớp tồn kho này trên sàn New York giảm sâu chỉ còn dưới 500 nghìn bao so với đầu niên vụ (01/10/21) là 124,5 nghìn tấn, thì có thể hiểu phần nào lý do tại sao cấu trúc giá arabica đảo nghịch hay còn gọi là “vắt giá” căng như thế.

Tuy nhiên, thị trường không vì vậy mà quá căng thẳng vì tồn kho khả dụng tại các nước tiêu thụ chính, nhất là Mỹ, vẫn được báo cáo tăng. Tính đến hết tháng 08/22, lớp tồn kho này lên 6,45 triệu bao (bao=60 kg), tăng 3,6% so với tháng 07/22 và tăng 5,2% so với cùng kỳ 2021.

Nói vậy để hiểu thêm rằng trên các sàn phái sinh, có một lúc nào đó các quỹ đầu tư dùng lượng tồn kho đạt chuẩn để làm giá và giải quyết vị thế mua bán của họ mang tính tài chính nhiều hơn là trao đổi hàng thực (physical).

Hiện tượng này đã nhiều lần được chứng kiến trên sàn London và đến nay sàn này vẫn còn tồn tại “vắt giá” nhưng độ chênh lệch nhỏ hơn nhiều.

Ý nghĩa của “vắt giá” đợt này là do người mua là các sàn phái sinh cần hàng đạt chuẩn nên tạo cấu trúc giá làm sao cho thị trường thấy giao càng sớm, người giao hàng càng được lợi vì giá cao hơn và hơn nữa hàng trữ cho các tháng xa không được cộng thêm chi phí lưu kho.

Chính vì vậy, giá phái sinh cà phê đã phần nào tách khỏi thực tế của thị trường xuất nhập khẩu. Nước xuất khẩu có phẩn chủ động “kêu giá” nhiều hơn. Cũng nhờ thế mà giá cà phê trong nước có phần ổn định trong khu vực 48-49,5 triệu đồng/tấn kéo dài vài tuần nay và những ngày tới cũng giao dịch theo khung ấy.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 45