Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 12-17/08/19: Xuất hiện lực bán hàng xuất khẩu mạnh.
Phiên giao dịch cuối tuần trước vào ngày 16/08/19, hai sàn kỳ hạn cà phê robusta London và arabica New York đều giảm mạnh, lấy lại hầu hết những gì đã kiếm được trong tuần. Chung cuộc so với một tuần trước đó (09/08/19), London tăng 8 Usd chốt ở 1.304 Usd/tấn (tháng 09/19) nhưng New York lại giảm 4,35 cts/lb hay -96 Usd/tấn chốt ở 96.35 cts/lb cơ sở tháng 12/19 (hình 1 – bên phải).
Thống kê xuất khẩu cà phê thế giới từ nhiều nguồn cho thấy trong những tháng gần đây, khối lượng xuất khẩu cà phê robusta giảm mạnh như Việt Nam -9,6%, Uganda -3,97%, Indonesia -13,61%, ngược lại các nước chủ lực arabica lại tăng nhiều như Brazil +37,6%, Colombia +7,21%. Điều này giúp thị trường xác tín thêm rằng báo cáo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) đến hết tháng 06/19 là hoàn toàn có cơ sở khi ICO cho rằng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 06/19 +2,83% đạt 10,9 triệu bao (60 kg = bao) và 9 tháng đầu niên vụ 2018/19 đạt 97,28 triệu bao +6,5%.
Vì thế, tồn kho cà phê khả dụng tính đến cuối tháng 07/19 tại vùng Bắc Mỹ được Hiệp hội Cà phê hạt Hoa Kỳ (GCA) công bố cũng tăng lên mức cao nhất tính trong vòng 22 tháng trở lại đây đạt gần 7,1 triệu bao (+3,8% so với cùng kỳ 2018).
Thu hoạch niên vụ mới 2019/20 của Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 chưa có địch thủ trên thế giới xem như đã hoàn thành và bắt đầu tung hàng ra thị trường. Dù năm nay Brazil mất mùa theo chu kỳ hai năm một lần nhưng sản lượng vẫn còn lớn, gần 60 triệu bao. Tuần qua, lại gặp lúc đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) giảm xuống sâu với 1 Usd ăn trên 4 Brl, nông dân Brazil càng có cơ hội bán mạnh.
Điều này được phản ánh qua giá trên 2 sàn kỳ hạn: robusta tăng và ngược lại arabica giảm mạnh như đã nói trên. Mặt khác, chỉ số giá cách biệt (arbitrage) giữa 2 sàn London và New York co lại (hình 1-bên phải), từ cách nay chưa đầy 1 tháng chỉ số này là 48 cts/lb (1.058 Usd/tấn) thì nay còn 33,7 cts/lb (743 Usd/tấn).
Giá London tuần trước có lúc chạm 1.331 Usd/tấn nên giá cà phê trong nước được dịp tăng, có thời điểm lên 35 triệu đồng mỗi tấn. Như vậy, giá cà phê nội địa vẫn được giữ vững do tồn kho giai đoạn cuối mùa còn rất ít và người còn hàng chưa muốn bán vì chờ cơ hội khi giá kỳ hạn tăng.
Dự báo tuần từ 19-23/08/2019: Bức tranh kỹ thuật còn rất yếu.
Giá kỳ hạn robusta London có kết quả chung cuộc tăng nhẹ sau một tuần giao dịch với mức đóng cửa ngày 16/08 ở 1.304 và dao động cả tuần trong biên độ 1.331-1.261.
Như vậy, sàn này đã tạo đáy mới 1.261 khi phá mức sâu nhất trước đó là 1.284 để rồi phục hồi và giao dịch trong khung 1.300-1.331 trong 3 phiên cuối tuần.
Không vượt khỏi 1.331 (khu vực MA 20 ngày) nhằm thu hút thêm lực mua, lại tạo đáy mới, nên trong vài ngày tới khó mong có đột biến để giá theo hướng tăng. Nhất lại là tuần này rơi vào thời gian trước ngày thông báo giao hàng kỳ hạn (first notice day – FND) tháng 09/19. Theo lịch, FND 09/19 được định đến hết 27/08, nhưng thực chất chỉ còn đúng 5 ngày vì 26/08 sàn London nghỉ giao dịch. Như vậy, có thể thấy rằng sức ép bán thanh lý các hợp đồng mua và treo bán (cho các hợp đồng xuất khẩu) sẽ xuất hiện ngay từ đầu tuần. Nên nếu vì một cớ gì đó để London không khỏi rơi xuống dưới đáy lập tuần trước (tại 1.261), điều ấy xem như là một bất ngờ.
Khi giá London tháng 09/19 qua khỏi 1.261, giá có nguy cơ tìm về 1.212, rồi xa hơn nữa 1.156.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp một lượng hợp đồng lớn cơ sở giao dịch tháng 09/19 được chuyển sang các tháng sau như 11/19 và 01/20, mức giảm có thể được hãm lại.
Về hướng lên, London dứt khoát phải có giá đóng cửa trên 1.331 và để chắc hơn nữa qua khỏi khu vực 1.373-1.376 vì bấy giờ thu hút các quỹ đầu cơ nhảy vào mua chặn lỗ.
Nhưng để khỏi xuống sâu, nó cũng cần trụ vững trên khu vực 1.285 đến 1.295.
Nhìn chung, bức tranh kỹ thuật của sàn London rất tiêu cực ngoại trừ khi có các can thiệp tích cực từ bên ngoài như đồng Brl mạnh lên, tình hình thương chiến Mỹ-Trung Quốc bỗng nhiên dịu lại.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Không bán hàng mỗi khi giá kỳ hạn xuống
Do chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc niên vụ cà phê 2018/19, lượng tồn kho cà phê trong nước không nhiều. Vì thế, người còn hàng cà phê không bán một khi giá kỳ hạn xuống thấp hay nói đúng hơn không xuất hàng ra nếu như người mua không trả đúng giá họ chào.
Tình trạng này đã được thị trường cà phê trong nước chứng minh tuần qua: chỉ cần giá qua mức 1.320, giá cà phê nội địa được chào bán với lượng rất nhỏ ở mức 34,5-35 triệu đồng mỗi tấn.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được giao dịch quanh mức +150 Usd/tấn FOB trên giá niêm yết sàn London. Nếu như giá kỳ hạn giảm sâu, mức chào bán hàng xuất khẩu dễ có dịp lên +200 Usd/tấn.
Như vậy, thị trường cà phê trong nước tuần này sẽ không chạy theo sóng của sàn kỳ hạn. Dù bức tranh kỹ thuật giá London có xấu, giá cà phê nội địa khó xuống dưới 33,5 triệu đồng mỗi tấn và sẽ chờ đợt tăng bất ngờ. Nếu có dịp tăng, giá cà phê nội địa lại có cơ hội viếng lại 35 triệu đồng mỗi tấn.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 334