Nhận định giá cà phê thế giới từ 17-22/05/2021: Giá có lên khi nỗi lo lạm phát qua đi?

Diễn biến thị trường tuần trước: Sợ lạm phát, giá cà phê rớt theo chiều thẳng đứng!

Thị trường cà phê vốn rất nhạy cảm với các yếu tố tiền tệ. Suốt cả tuần qua, lo sợ lạm phát gây áp lực cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thay đổi lãi suất vốn đang rất thấp. Điều đó một lần nữa lại dấy lên tâm lý hoang mang trong giới đầu tư tài chính để rồi họ rút vốn nhanh, tạo nên một cuộc chỉnh giá xuống mạnh trên hai sàn cà phê phái sinh. Hệ quả là giá cà phê trong nước rớt khỏi mốc cao nhất tính từ đầu năm 2021 là 35,2 triệu đồng mỗi tấn chỉ trong thời gian ngắn.

Đây không phải là lần đầu tiên thị trường tài chính mới lo sợ lạm phát tại Mỹ và các nước tiêu thụ cà phê. Mà cũng thật vậy, hiện nay yếu tố duy nhất có thể làm biến động các nền kinh tế và thị trường tài chính trong đó có các sàn hàng hóa thương phẩm chính là hiện tượng lạm phát quay trở lại. Thật ra người trên thị trường vẫn thấy đấy. Nhưng phản ứng lần này tỏ mạnh mẽ hơn. Do dịch Covid-19, ngân hàng trung ương các nước đều đã giảm mức lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất cộng với việc cung ứng  tiền tối đa vào nền kinh tế để chống suy thoái.

Dù trên bề nổi, chưa thấy động tác nào xảy ra trên thị trường xuất phát từ các ngân hàng trung ương, nhưng tâm lý lo sợ lạm phát thực sự đã sùng sục ngay trong ruột của các nền kinh tế và thị trường tài chính. Một nhà đầu tư tay ngang cũng có thể hiểu rằng khi tiền mặt và lực thanh khoản quá dồi dào trên thị trường, thì khối lượng tiền tăng và một khi khối lượng tiền tăng, thì nền kinh tế trượt chân vào hố lạm phát không sớm thì muộn.

Khối lượng tiền mặt khổng lồ trên thị trường đã được chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước nhồi lên cao như núi với hàng chục nghìn tỷ Usd để chặn dịch Covid-19. Một khi chặn đứng được đại dịch, sức tiêu thụ và đầu tư kinh doanh phải bùng nổ. Tuần trước, thông qua các báo cáo kinh tế của Trung Quốc, của Mỹ, của Anh Quốc…thảy đều được nhận ra nhờ đa số người dân tại đó đã được tiêm chủng. Cho nên, lần này, áp lực lạm phát mạnh càng thấy rõ.

Thị trường tài chính tuần qua tìm ra trước đáp án “nếu lạm phát xảy ra, đầu tư vào chỗ nào?” và phản ứng không khác mấy với cách làm truyền thống. Các nhà đầu tư bán Usd và các tài sản rủi ro giao dịch bằng đồng Usd để dồn tiền vào bất động sản, kim loại quý như vàng, nay còn thêm một kênh giao dịch “phái sinh” có thể thay cho thương phẩm vàng,  đó là đầu tư vào các đồng tiền công nghệ như Bitcoin và Ethereum…chẳng hạn.

Vả lại, một khi có lạm phát, các ngân hàng sẽ giảm bơm tiền, tăng lãi suất…Như vậy, giá cà phê trên hai sàn phái sinh tuần qua rơi theo chiều thẳng đứng không hẳn do một yếu tố cung cầu nào đó mà chính là do giới đầu tư trên sàn lo chạy trước, “làm giá” trước, trước khi quá muộn.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Brazil

Thu hái robusta đang vào rộ vụ. Bình quân các dự báo sản lượng robusta Brazil năm nay chừng 21 triệu bao (bao=60 kg).

Xuất khẩu cà phê Brazil trong tháng 04/2021 ước đạt 3,3 triệu bao. Tính từ đầu năm đến hết tháng 04/2021, Brazil xuất khẩu 14,8 triệu bao tăng 8,6% so với cùng kỳ 2020, trị giá 1,95 tỷ Usd tăng 6,1%.

Nếu tính riêng cà phê chất lượng cao và đặc sản, 4 tháng đầu năm Brazil bán được 2,19 triệu bao, chiếm 14,8% trị giá 374,5 triệu Usd tức 19,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Riêng cà phê bán qua Châu Âu, Brazil đạt thành quả rất tốt trong quý 1/2021. Lượng xuất khẩu cà phê qua Anh Quốc trong kỳ tăng 31% và EU tăng 4,7%, là mức cao nhất kể từ 5 năm trở lại.

Giá nội địa cho cà phê arabica Brazil trong tháng tư đạt mức bình quân 744 Brl/bao tức chừng 2.290 Usd/tấn nhưng đầu tháng năm lên mức 807 Brl/bao hay 2.482 Usd/tấn.

Indonesia

Mùa thu hoạch 2021 đã bắt đầu. Dự báo sản lượng robusta năm nay chừng 9,4 triệu bao giảm 0,53% và arabica chừng 1,3 triệu bao tăng 4% so với năm ngoái. Ước năm nay Indonesia xuất khẩu chừng 7 triệu bao trong đó 85% là robusta và 15% là arabica.

Colombia

Tình hình bất ổn chính trị vẫn còn. Ước có đến 0,5 triệu bao cà phê tính đến cuối tuần trước không ra được cảng giao hàng.

Honduras

Dự kiến năm nay Honduras xuất khẩu quanh 5 triệu bao cà phê arabica chế biến ướt, so với lần dự báo trước là 5,3 triệu bao.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn của 2 sàn được ghi nhận đều tăng trong đợt này: sàn arabica New York là 121.123 tấn so với tuần trước là 119.055 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London tăng lên 157.800 tấn so với tuần trước là 155.990 tấn.

Giá cả

Giá trên hai sàn cà phê có một tuần giảm mạnh với từng phiên dao động khá dữ dội. Tóm tắt như sau:

-Sàn robusta London chốt mức 1.460 Usd/tấn giảm 79 Usd với biên độ dao động 1.555/1.456 (+/-99 Usd).

-Sàn arabica New York giảm 7.9 cts/lb hay 174 Usd/tấn chốt tại 145.00 cts/lb trong biên độ dao động 154.10/143.85.

Vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư tài chính trên 2 sàn cà phê ngày khóa sổ vào thứ ba hàng tuần đều tăng mạnh lượng hợp đồng dư mua: London 31.251 lô và New York 41.343 lô. Tuy nhiên, từ ngày thứ Tư trở đi, họ quay sang bán thanh lý. Nên đến cuối tuần, ước trên thực tế London còn chừng 23-25 ngàn hợp đồng và New York 35 ngàn lô.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giảm chừng 2 triệu đồng tấn từ mức đỉnh 35,2 triệu đồng/tấn đến cuối tuần trước chỉ còn 33,3 triệu đồng/tấn.

Dù cả tuần giá phái sinh giảm, giá chào cà phê xuất khẩu vẫn chưa cải thiện, đến nay vẫn thấp hơn giá niêm yết 20 Usd/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 17-21/05/2021: Sàn robusta cần vượt khu vực 1.465-1.470 ngay từ đầu.

Suốt cả tuần, London chỉ có một ngày có giá đóng cửa tăng sau khi không vượt khỏi đỉnh 1.557 của tuần trước đó, còn các phiên còn lại đều giảm và cuối tuần giảm sâu. Từ đỉnh 1.555 lập ngày 07/05, giá robusta chúi xuống liên tiếp nhiều ngày và chạm đáy 1.456, giảm 99 Usd để rồi đóng cửa tại 1.460,

Đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cho thấy giá đã phá băng các mức hỗ trợ như thác đổ để tạo thành một pha giá rớt theo chiều thẳng đứng.

Như vậy, tuần trước, thị trường diễn biến theo chiều “đường xuống rộng hơn đường lên, mức tăng ít hơn mức giảm. Biên độ rộng là 1.600/1.410, biên độ hẹp từ 1.557/1.460”(1).

Tuần này, nằm tại 1.460 và có đáy 1.456, hướng xuống xem ra còn đà với các vùng hỗ trợ rất cứng là 1.450 và nhất là 1.441 lập ngày 30/04. Nếu lúc nào đó sàn này có giá đóng cửa dưới 1.441, có lẽ phải mất thêm vài ba chục Usd nữa.

Hướng tăng sẽ xuất hiện một khi phiên đầu tuần có giá đóng cửa vượt trên vùng 1.465/1.470. Nếu như qua được vùng này, London dễ dàng lấy lại vùng 1.495 để vượt lên vùng 1.504/1.507 (MA5/MA10).

Chỉ có điều đáng ngại là khối lượng vị thế kinh doanh theo báo cáo tuần trước còn nằm phía dư mua khá lớn. Tâm lý chung thường nhìn vào con số lớn nhưng bỏ qua thực tế đã giảm nhiều sau ba ngày cuối tuần giá giảm mạnh do bán thanh lý.

Nếu như đầu tuần London chọn hướng giảm, những phiên cuối tuần sẽ có những phiên chỉnh tăng với dao động mạnh để tìm thăng bằng cho trung và dài hạn quanh khu vực 1.500 nhìn theo giá đóng cửa.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá nội địa yếu là cơ hội kéo giá xuất khẩu lên.

Qua đợt tăng mạnh lên 1.557, giá cà phê xuất khẩu giao dịch trong nước đã có dịp chạm 35 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đó cũng là lúc người mua chỉ trả cà phê tiêu chuẩn loại 2, tối đa 5% đen vỡ ở mức thấp dưới giá niêm yết như đã nói tức chuyển sang “trừ lùi”.

Tình hình bất ổn tại Colombia quay trở lại và chặn đường ra cảng đến 0,5 triệu bao cà phê. Tuy vậy, lượng cà phê đạt chuẩn từ Brazil trên sàn arabica New York nay chiếm hơn một nữa. Nếu “yếu tố” Colombia là tích cực cho giá, thì tồn kho từ Brazil đã dung hòa.

Cho nên, hãy xem các biến động trên hai sàn cà phê là một cách phản ứng nhanh do tâm lý đứng trước nỗi lo về lạm phát và thay đổi lãi suất đồng Usd. Tuy vậy, đó cũng là thời gian các quỹ đầu tư muốn “cấy” giá và điều chỉnh “bếp núc” về tài chính. Một khi chi phí tài chính trong giá thành đã được “cấy” xong, thị trường cà phê sẽ đâu vào đấy, và giá cà phê phái sinh lại có cơ hội phục hồi.

Đến đầu tuần này, giá cà phê nội địa được giao dịch bình quân quanh mức 33 triệu đồng/tấn. Chi phí sản xuất, làm hàng xuất khẩu và vận tải đang tăng mạnh tại các nước sản xuất, nếu giá xuống càng sâu, rủi ro thiếu hụt cà phê trên toàn cầu về sau càng dễ xuất hiện. Điều này người tiêu thụ thực sự không muốn.

Nhìn từ phía cung-cầu và kỹ thuật, có thể dự đoán rằng giá cà phê trong nước tuần này dao động trong vùng 32,5 đến 33,7 triệu đồng/tấn.

Nếu giá phái sinh và nội địa giảm, người bán cần chỉnh giá xuất khẩu thay vì trừ lùi thì nên bàn bạc với người mua kéo giá lên cho bằng hay cao hơn giá niêm yết.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 59