Nhận định giá cà phê thế giới từ 16-21/03/2020: Cà phê trôi nổi theo dòng vốn

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 09-13/03/2020: Dao động cực đoan giữa đại dịch Covid-19.

Hình 1

A. Bối cảnh thị trường

Covid-19, “đại dịch toàn cầu”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”. Các lệnh cấm nhập cảnh giữa các nước với nhau, đặc biệt tại các vùng đang thay tâm dịch Vũ Hán, gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành du lịch và vận tải hàng không.

Tính đến rạng sáng 15/03/2020, thế giới có gần 157 nghìn trường hợp nhiễm bệnh trong đó có trên 5,8 nghìn tử vong. Một số nước tiêu thụ cà phê lớn của Việt Nam trở thành tâm dịch như Ý với trên 21 nghìn người nhiễm bệnh, Hàn Quốc hơn và Tây Ban Nha mỗi nước hơn 8 nghìn, Đức và Pháp mỗi nước chừng 4,5 nghìn, ngoài ra Mỹ gần 2,9 nghìn và Thụy Sỹ trên 1,3 nghìn trường hợp lây nhiễm.

Diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp. Một số chuyên gia chống dịch Trung Quốc cho rằng nếu các nước mạnh tay chống, đại dịch toàn cầu có thể chấm dứt vào tháng 06/2020 (1).

Các nước Ý, Pháp…thực hiện biện pháp phong tỏa một hay toàn phần tại các vùng tâm dịch, nghiêm cấm hoạt động thương mại trừ siêu thị và các tiệm thuốc chữa bệnh, cũng như các hình thức tụ tập đông người. Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp và tháo khoán 50 tỷ Usd quỹ dự phòng.

Thị trường tài chính hoảng loạn

Tuần qua, xảy ra một đợt bán tháo cực mạnh xảy ra trên các sàn giao dịch tài chính. Sau một tháng tính đến sáng 13/03/2020, giá cổ phiếu Mỹ giảm bình quân 27%, nhiều sàn chứng khoán châu Âu mất chừng 22%, tại Nhật Bản -28%và Hàn Quốc -23%.

Nhờ các gói tài chính khẩn cấp tung ra ở các ngày cuối tuần, giá cổ phiếu Âu Mỹ có kết quả đỡ hơn nhưng các nhà đầu tư vẫn còn nhiều mất mác. Chỉ số DJ sau 1 tuần -10,36% và 1 tháng -21,13%, S&P 500 -8,79% và 19,80% tương ứng. Giá cổ phiếu châu Âu mất nhiều hơn. Sau 1 tuần FTSE 100 mất -16,97%, DAX -20,01% và CAC 40 -20,23%, tương ứng với cả tháng -27,57%, -32,83% và -32,46%.

Thảm hại nhất là giá dầu thô. Sau một tuần giá dầu tại Mỹ giảm trên 25% và Brent hơn 28%. Phiên cuối tuần trước, dù giá dầu thô phục hồi mạnh, cả tuần qua giá mặt hàng này còn mất bình quân 22%.

Thị trường vàng khi chưa công bố đại dịch giá còn cao. Đợt bán tháo trong những ngày gần đây làm giá vàng giảm 8,72% sau 1 tuần nhưng tính cả năm vàng còn tăng 17,88%. Vàng mất giá chứng tỏ hoảng loạn thống trị thị trường và vàng chưa chắc là nơi trú ẩn vốn tốt theo cái nhìn của giới đầu tư tài chính.

Các gói tài chính khẩn cấp

Trước tình hình tệ hại của thị trường tài chính, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bơm hàng nghìn tỷ Usd vào cứu thị trường. Fed công bố đưa 3 gói “cấp cứu” mỗi gói 500 tỷ Usd hạn vay 1 và 3 tháng có hiệu lực tức thì cuối tuần trước. Từ tuần này bắt đầu 16/03, 2 gói x 500 tỷ Usd hạn vay 1 và 3 tháng cũng được tung ra thị trường. Các điều kiện vay sẽ dễ dàng hơn (2). Trong khi đó, giới kinh doanh tài chính đoán rằng Fed sẽ hạ lãi suất có thể đến 0%/năm trong năm tài khóa này.

Ngoài ra, Fed tung 137 tỷ Usd để mua lại trái phiếu cả ngắn lẫn dài hạn đã đến kỳ đáo hạn “ngay lập tức” (3)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẵn sàng bơm thêm 500 tỷ yen (4,8 tỷ Usd) vào thị trường thông qua việc mua lại trái phiếu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) tại các ngân hàng từ ngày 16-3 để “giải phóng” 550 tỷ nhân dân tệ (tương đương 78,57 tỷ Usd) từ các khoản dự trữ dài hạn. Đấy là món tài chính giúp các ngân hàng trong nước có thêm vốn để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

EU triển khai kế hoạch đầu tư có trị giá 37 tỷ EUR như một trong những biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trước tác động của dịch bệnh Covid-19 (4). Đồng thời Ngân hàng trung ương EU (BCE) cũng bung ra 200 tỷ EUR thực hiện chương trình mua lại trái phiếu.

Tiền tệ

Chỉ số Usd (DX) tuần trước càng về cuối càng tăng mạnh, từ khu vực 95+ lên đóng cửa phiên 13/03 tại 98,47 điểm, cả tuần tăng 2,63%. Thị trường vốn tràn ngập tiền nhưng giá trị Usd cứ tăng còn giá vàng lại giảm. Phải chăng đó là dấu hiệu giới đầu tư tài chính đang vin vào Usd như là một “nơi trú ẩn” sau này và thương phẩm vàng tạm thời bị bỏ rơi?

Đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) so với Usd mất giá 4,99% chỉ trong một tuần và sau một năm giảm trên 26,41%. Đã có lúc 1 Usd ăn 4.95 Brl trong cặp tỷ giá UsdBrl, là mức thấp kỷ lục mới lịch sử của đồng tiền này. Đóng cửa phiên 13/03, 1 Usd ăn 4,85 Brl.

Điều này cho thấy dù niên vụ cà phê 2019-2020 Brazil mất mùa, áp lực bán trước 1 đồng Brl rẻ đã làm giá cà phê không có đường lên. Cộng hưởng với 1 đồng Usd mạnh dần, “mất mùa mất giá” phần nào được giải thích qua góc độ tiền tệ nói trên.

B. Điểm mới về tình hình cung cầu cà phê

Xuất khẩu cà phê Brazil 5 tháng đầu niên vụ 2019-2020 tính đến hết tháng 02/2020 đạt 14,11 triệu bao (bao = 60kg). Riêng trong tháng 02/2020 Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil báo chỉ xuất đi 2,4 triệu bao -25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê đặc sản (cà phê chất lượng cao hoặc được chứng nhận bền vững) của Brazil tháng 01/2020 đạt 628.900 bao, trị giá 108,2 triệu Usd, chiếm 19,5% về lượng và 24,7% về trị giá trong tổng xuất khẩu cà phê của Brazil. Giá xuất khẩu bình quân cà phê đặc sản của Brazil đạt mức 172,09 Usd/bao (khoảng 2,87 Usd/kg).

Xuất khẩu cà phê Việt Nam tháng 02/2020 được Tổng cục Thống kê chỉnh tăng lên 173.789 tấn (+19,8%) so với cùng kỳ 2019. Như vậy 2 tháng đầu 2020, xuất khẩu cả nước đạt 319.207 tấn tăng 1% so với cùng kỳ 2019. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2020 với thị phần lần lượt là 15,1% và 10%. Giá trị xuất khẩu cà phê giảm tại hầu hết các thị trường, ngoại trừ thị trường Ba Lan (tăng 57,5%).

Giá cả (xem hình 1)

Biên độ dao động cao/thấp của giá cà phê trên 2 sàn phái sinh trong từng ngày rất lớn và thất thường. Giá cà phê hình như không biến thiên theo cung-cầu mà đi với tâm lý bất an thể hiện trên thị trường tài chính và tiền tệ.

Nhìn vào đồ thị giá cà phê arabica (hình 1-bên trái) trong tuần qua, có thể thấy rằng nhịp độ tăng/giảm thất thường rất rõ nét.

Trên sàn giao dịch robusta London, một cú rớt để chạm đáy sâu nhất tính từ 2008 xuống 1.115 Usd/tấn với biên độ cao/thấp nhất trong ngày 09/03/2020 là 135 Usd/tấn. Tiếp theo đó là những ngày có dao động lớn với sự tăng/giảm trong ngày mạnh. Nhưng chốt phiên cuối tuần ngày 13/03/2020 là 1.241 giảm chỉ 4 Usd so với tuần trước đó.

Sàn arabica New York có biên độ cao/thấp là 13.60 cts/lb hay +/-300 Usd/tấn nhưng đóng cửa so với tuần trước đó chỉ -0.65 cts/lb hay giảm 14 Usd/tấn.

Điều này cho thấy giá cà phê đang “đánh võng” theo dòng tiền từng ngày với một tâm lý bất an.

Tuy nhiên, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ trên thị trường nội địa dao động chủ yếu trong khu vực từ 30,5-31,5 triệu đồng/tấn.

Cà phê xuất khẩu cùng loại được chào bán mức cộng 145/155 Usd/tấn Fob, không đổi so với tuần trước đó.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 16-21/03/2020: Lực nào kéo giá lên?   

Hình 2

Nếu không tính ngày giao dịch “phá cách” 09/03/2020 bấy giờ giá sàn robusta rớt sâu xuống 1.115 để lên đỉnh trong ngày 1.250 và đóng cửa tại 1.247, diễn biến giá robusta trong tuần xoay quanh 1.295 (đỉnh) và vùng hỗ trợ 1.215/1.225/1.232 (chủ yếu ở 2 chốt sau).

Xét về kỹ thuật, thị trường vẫn chưa tìm ra hướng tích cực. Vì suy cho cùng, bao lâu chưa thoát lên khỏi mức tâm lý 1.300, giá robusta London vẫn còn khuynh hướng hoạt động trong biên độ có sẵn 1.295 – 1.225 và 1.232.

Các kịch bản trong tuần:

Hướng tăng: Khu vực 1.290/1.295 sẽ trở thành bệ phóng cho giá London để tìm qua khỏi 1.300. Tuy nhiên, ở mức đóng cửa 1.241 hiện nay, để lên tới các mức này là một đoạn đường dài. Nhưng nếu có một tác động nào đó, London có thể trượt lên 1.310 rồi 1.350. Các nút kích để lên tới các mức cao phía trên là 1.257 / 1.271. Nhưng cũng cần lưu ý rằng khu vực 1.290/1.295 là vùng kháng cự mạnh như đã nói trong bài phân tích tuần trước (5).

Hướng giảm: Giá chỉ ổn định khi nằm trên khu vực hỗ trợ 1.225-1.232. Bất kỳ lúc nào London thử và mất lại 1.215, khả năng giá rớt về 1.181 vẫn còn và có thể sâu hơn và ba chục Usd nữa (vì đã từng chạm 1.115 tuần trước).

Những yếu tố cần tiên liệu:

-Cản trở cho hướng tăng: (1) Yếu tố kỹ thuật chưa định hình xu hướng tăng, vẫn còn theo chiều giảm. (2) Chỉ số Usd ngày càng tăng dù thị trường đầy ắp tiền. Chỉ số DX tăng không có lợi cho giá hàng hóa thương phẩm. (3) Đồng Brl còn nằm ở vùng yếu. Không có gì chắc chắn để nói giá trị đồng Brl tăng. Khả năng đồng Brl bị phá giá nhằm kích thích xuất khẩu vẫn còn trước mắt.

-Thuận lợi cho hướng tăng: (1) Sự can thiệp mạnh mẽ về tài chính của các nước để tránh suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19. Khối lượng vốn trên thị trường tăng mạnh, ít nhiều tiền chảy về 2 sàn cà phê. (2) Cho đến cuối tuần trước, thấy rằng giới đầu tư tài chính thả “cái phao” sàn vàng để đu qua Usd như là “nơi trú ẩn”. Dù khả năng 2 sàn cà phê được chọn chia vốn chưa rõ ràng, trong quá khứ đã có nhiều lần cà phê được ưu ái.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá ổn định, khó lên cao ít xuống thấp.

Tuần trước, dù biên độ dao động trong từng phiên trên sàn phái sinh London rất rộng, nhưng giá đóng cửa ở vùng khá ổn tuy ở mức thấp.

Hai chốt cao thấp của giá cà phê trong nước đã phân định rất rõ và kiên trì: cao tại 32, thấp tại 30,5 triệu đồng/tấn.

Phòng đóng gói cà phê thương hiệu L’ Amant, Pleiku

Dù sàn London đang chịu áp lực của một đồng Brl bị phá giá hàng ngày và tiếp tới đây một đồng Usd mạnh, giá cà phê trong nước không dễ tìm đường xuống dưới 30,5 triệu đồng/tấn.

Nếu như các quỹ đầu tư đẩy một lượng tiền mạnh vào 2 sàn cà phê (thường London chỉ “ăn theo New York) giúp giá cà phê tăng, xem ra giá robusta dù có tăng cao vẫn bị lực bán ra từ nhiều nước. Nếu như giá cà phê nội địa lên được 32 triệu là khó, thì 31,5 triệu vẫn còn cơ hội.

Hiện giá chào bán cà phê xuất khẩu đang tại +145/155 Usd/tấn Fob cao hơn giá niêm yết sàn robusta. Nếu như London tăng, người mua sẽ không chạy theo mà hãm giá nội địa lại. Chính vì vậy, nên xem mức 32 triệu đồng/tấn là một kỳ vọng xa hơn, cho tới khi các sàn phái sinh nhận được từ dòng vốn dồi dào của thị trường tài chính một cách rõ ràng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. https://www.businesstimes.com.sg/government-economy/covid-19-pandemic-over-by-june-if-countries-act-china-senior-medical-adviser
  2. “Fed to pump trillions of dollars into financial markets”, Financial Times 12/03/2020
  3. “Fed speeds up purchase of Treasuries to ease market strains”, Financial Times 13/03/2020
  4. https://www.sggp.org.vn/dich-covid19-cac-nuoc-can-thiep-tai-chinh-khan-cap-651066.html
  5. “ Nhận định giá cà phê thế giới từ 09-14/03/2020: Sẽ còn thấy nhiều phiên dao động với biên độ lớn.

tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21959

Ngoài ra, các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang “barchat.com”, “theice.com”, “ncif.gov.vn” và “thitruongcaphe.net”, “feedin.me” và “worldometers.info”

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 50