Diễn biến thị trường tuần trước: Hai sàn tăng mạnh, London có đỉnh mới tính từ 10 năm nay.
Hầu như thị trường không còn tin lạm phát chỉ có tính “quá độ” và “nhất thời” nữa. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng vừa qua của nhiều nước đều đưa ra con số lớn đến nỗi giới đầu tư và kinh doanh đang rất “nóng ruột” với tỷ lệ lạm phát tăng: ở Đức tăng lên mức cao lịch sử với 4,6%, Mỹ tăng 6,2% là mức cao nhất tính từ 1990. Ngay tại Việt Nam, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 12/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng mức lạm phát năm nay chừng 4% còn thể giữ được nhưng “áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn” (1).
Giá hàng hóa thương phẩm và tiêu dùng tăng từ xăng dầu, phân bón, lương thực-thực phẩm, kể cả phí vận tải đều tăng. Giá vàng bùng mạnh lên chạm mức cao nhất tính từ tháng 06/2021 tại 1.871 Usd/ounce để đóng cửa ở mức cao 1.867,85 Usd/ounce cuối tuần trước. Dù chỉ số giá trị đồng Usd là DXY đạt đỉnh cao nhất tính từ tháng 07/2020 tại 95,11 điểm khi đóng cửa 12/11/21, giá nhiều sàn hàng hóa thương phẩm trong đó có cà phê băng băng tăng.
Trong khi đó, chính phủ nhiều nước Tây Âu đang tính chuyện phong tỏa khi dịch Covid-19 quay trở lại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tuần qua số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu tăng 10% và được WHO cho là đang trở thành “tâm dịch của thế giới”.
Nếu như vì lạm phát, giá tiêu dùng tăng buộc các hãng rang xay cà phê tăng giá cà phê trên kệ các siêu thị như một số tập đoàn đã tăng giá cà phê bán lẻ thêm từ 8%-9%, sẽ kích giá cà phê phái sinh tăng như là một yếu tố “tích cực” thì rủi ro phong tỏa tại các nước tiêu dùng Đông và Tây Âu kể cả Nga, vùng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, có nguy cơ bẽ hướng giá cà phê phái sinh trong những ngày qua một khi có một nước công bố chính thức thực hiện lại chế độ giãn cách.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Lượng cà phê Colombia đưa vào chế biến xuất khẩu tháng 10/21 giảm
Hiệp hội Cà phê Colombia cho biết khối lượng cà phê đưa vào các nhà máy chế biến xuất khẩu chỉ đạt 1 triệu bao (bao=60 kg), giảm 6% so với cùng kỳ 2020 là 1,2 triệu bao. Tính từ đầu năm đến 10/21, sản lượng Colombia giảm 6%.
Brazil công bố lượng cà phê giao hàng trễ
Trong một động thái được cho là nghiêm túc và minh bạch, Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) công bố rằng tính từ đầu năm 2021 đến nay, một lượng cà phê xuất khẩu chừng 222.000 tấn bị giao trễ do đợt bãi công trước đây tại cảng Santos và khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến các hợp đồng phải giao.
Italia là nước nhập khẩu số 1 cà phê Uganda
Uganda trở thành nước cung cấp cà phê lớn thứ nhì của Italia. Cục Cà phê nước này cho biết trong tháng 09/21 chừng 33% lượng cà phê xuất khẩu của Uganda được bán qua Italia.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn giảm
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc hai sàn đều trên đà giảm: sàn arabica đạt 107.750 tấn so với 110.970 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm xuống còn 114.030 tấn so với tuần trước là 115.640 tấn.
Giá cả
Giá đầu vào sản xuất tăng, giá phân bón tăng từ 50%-80%, dầu thô ở mức cao trên 80 Usd/thùng, cước vận tải trên tàu container chừng 380 Usd/tấn so với lúc cực rẻ là 40-50 Usd/tấn, cộng với những thông tin về giao hàng trễ tại Colombia và Brazil, đã không thể ghìm được giá cà phê trong tuần qua.
Giá arabica New York lên lại mức cao nhất tính từ 7 năm nay. Tại phiên cuối tuần, giá kỳ hạn tháng 03/2022 của sàn này chạm đỉnh 223,85 cts/lb để đóng cửa tại 221,95 cts/lb hay 4.893 Usd/tấn trong biên độ 223,85 và 201,45 cts/lb.
Dù phiên cuối tuần giá London rớt, ngược chiều với arabica, nhưng sàn này cũng có một tuần có kết quả tăng mạnh. Đóng cửa giá robusta kỳ hạn tháng 01/22 đạt 2.277 Usd/tấn, cả tuần tăng 94 Usd với dao động 2.313/2.159.
Giá cà phê tiêu chuẩn xuất khẩu trong nước có lúc chạm nhanh 44 triệu đồng/tấn nhưng nhanh chóng quay về 42,5 triệu đồng/tấn vào dịp cuối tuần khi các nhà xuất khẩu lo ngại đà tăng không bền vững và cước tàu cao, các nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng. Giá cà phê chào bán xuất khẩu loại 2 tối đa 5% đen vỡ quanh mức 300-320 Usd/tấn Fob, bằng tuần trước đó nhưng người mua đang muốn trả thấp hơn (chừng -330/-350 Usd/tấn).
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 15-19/11/2021: Tích cực nhưng tiềm ẩn rủi ro.
Sau khi phá được hàng rào “công sự” tại 2.275-2.278 (đỉnh lặp lại 3 lần), giá robusta London cơ sở tháng 01/2022 phá băng lên để vượt 2.300 và chạm 2.313. Tuy nhiên, sức bán phiên cuối tuần trên sàn này quá mạnh đã kéo lùi giá đóng cửa về 2.277.
Đứng tại vị trí hiện tại 2.277 với biên độ 2.313/2.159, dựa trên đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có thể thấy rằng:
Dù bị giật lùi cuối phiên, London vẫn chưa mất hết yếu tố tích cực. Nhìn theo phương pháp Fibonacci, nếu lấy điểm xuất phát là 1.979 (0,00%) thì khi chạm 2.313 là hoặc đã thỏa tỷ lệ 50,00% theo chiều tăng, chính xác là 2.318. Sở dĩ nói “đã thỏa” vì chạm 2.313 London đã nhanh chóng quay đầu về 2.277. Nhưng nếu như có người không đồng ý điều này, thì London sẽ trở lại tìm 2.318. Nếu như không chạm 2.318 mà quay về, thì nói “đã thỏa” là hợp lý. Đương nhiên, khi qua khỏi 2.318 hướng tăng phải lên tận 2.398 (61,8%).
Phan Trọng Anh cho rằng “chỉ báo kỹ thuật MACD đang nằm phân kỳ giá trị dương, nhưng với hiện trạng là giá đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, mà chỉ báo MACD đỉnh lại thấp dần. Như vậy, theo lý thuyết về kỹ thuật là tiềm ẩm rủi ro.”
Tuy nhiên, nếu như London mất 2.200 mới hóa giải các yếu tố tích cực tích lũy bấy lâu.
Về hướng xuống đối với mức 2.277, những nút hỗ trợ nằm tại 2.254/2.235-2.230/2.201.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá cà phê xuất khẩu (giá trừ lùi) có khả năng giảm tiếp.
Giá phái sinh tăng 94 Usd/tấn sau một tuần, giá cà phê nguyên liệu trong nước chỉ chạm nhanh 44 triệu/tấn và quay về mức 42,5 triệu đồng/tấn từ cuối tuần trước.
Áp lực lạm phát, giá đầu vào sản xuất tăng cao, cộng với cước vận tải biển từ Việt Nam sang EU và Mỹ tăng, hàng cà phê trên kệ nhiều nơi đã được chỉnh tăng nên giá hàng hóa thương phẩm cà phê tăng là chuyện chính đáng.
Nếu như cước vận tải chỉ chừng 200 Usd/tấn thì giá cà phê nguyên liệu đã có thêm vài ba triệu đồng/tấn tính từ mức hiện nay 42,5 triệu đồng/tấn.
Một điều rất ngạc nhiên là chỉ số giá cước vận tải biển hàng thô BDI đã quay đầu, nay chỉ còn 2.807 điểm (12/11) giảm hơn một nửa so với đầu tháng 10/21 là 5.652, nhưng BDI được sử dụng như một sàn giao dịch tài chính. Giá cước thực tế vẫn còn cao hơn nhiều.
Giá cước cao nhưng chỉ số BDI lại hứa hẹn về lại mức thấp, điều này đã mang cho người giao hàng bằng container nhiều hy vọng cước giảm. Đây là một yếu tố tâm lý rất bình thường của thị trường. Nhưng về phía người mua, đó là cơ hội để họ giảm giá bao lâu cước tàu không ổn định.
Cho nên, trong thời gian tới, yếu tố cước vận tải sẽ quyết định giá cà phê trong nước. Dù giá phái sinh có lên, giá cà phê nguyên liệu không thể phân bì.
—————————————————-
- Những nỗi lo về áp lực lạm phát trong tương lai gần, Dũng Nguyễn, KTSG Online 12/11/21
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 51