Nhận định giá cà phê thế giới từ 22-27/11/2021: Có nên theo bản sao cũ của tâm lý thị trường?

Tác giả NQB. Ảnh Lê Hoàng Nhi

Diễn biến thị trường tuần trước: Giá London giảm nhưng New York tăng cực mạnh.

Trong khi giới đầu tư và kinh doanh lo ngay ngáy chuyện lạm phát và các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản sớm, thì thị trường tài chính vừa hoan hỷ với tin từ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tuần trước đã ký thông qua đạo luật Việc làm và đầu tư hạ tầng để triển khai gói chi tiêu lên đến 1.200 tỉ Usd cho các dự án tu sửa và nâng cấp đường sá, cầu cống, cảng biển và hàng không, hệ thống băng thông rộng, trạm sạc xe điện…Được biết đây là gói chi tiêu và nâng cấp hạ tầng lớn nhất tính từ hơn 50 năm qua (1). Cuối tuần hạ viện nước này lại thông qua một gói tài chính lớn khác về an sinh xã hội giá trị lên đến 1,9 nghìn tỉ Usd. Nếu dự luật này được thượng viện thông qua, thì TT Mỹ lại sẽ ký thêm một đạo luật mới. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng để thượng viện thông qua gói này chính quyền Mỹ còn gặp muôn vàn trắc trở dù phe Dân chủ đã nhượng bộ nhiều khoản chi so với đề xuất ban đầu của TT Joe Biden là 3,5 nghìn tỉ Usd.

Tại châu Á, Nhật Bản cũng công bố gói kích thích kinh tế chừng 490 tỉ Usd.

Mức lạm phát tại nhiều nước đã bùng lên ngoài Mỹ, Italia, Đức…nay Canada và Tây Ban Nha. Tuy vậy, Thống đốc Ngân hàng trung ương EU (BCE) Christine Lagarde cho rằng còn lâu mới tăng lãi suất, qua khỏi 2023 mới tính chuyện ấy. Trong khi đó trong một khảo sát của Reuters, nhiều người tin rằng phải đến cuối năm 2023 Mỹ mới tăng lãi suất cơ bản (hiện nay là 0%-0,25%/năm).

Giới kinh doanh tạm thời để một bên các quyết định tăng lãi suất để tìm cách phản ứng sao cho phù hợp với khối lượng tiền khổng lồ. Trong phần phân tích của đài BBC tại bản tin kinh doanh cuối tuần trước, một nhà chuyên môn cho rằng mức lạm phát tại Mỹ hiện nay là 6,2% nhưng thị trường sẽ còn chứng kiến các mức cao như thế và thậm chí cao hơn cho đến ba bốn năm nếu các đạo luật trên thành hiện thực.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Ethiopia: Xuất khẩu tăng mạnh

Xuất khẩu cà phê Ethiopia tăng mức cao kỷ lục. Trong 12 tháng qua, nước chuyên xuất khẩu cà phê arabica chất lượng cao này giao đi 85.000 tấn, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Brazil cấp tín dụng với lãi suất thấp cho vùng bị sương giá

Quỹ tín dụng cà phê Brazil thông báo sẽ cấp gói tín dụng 238 triệu Usd với lãi suất 7%/năm cho vùng cà phê bị hại bởi đợt sương giá vừa qua. Số tiền cho vay và thời gian đáo hạn còn phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của từng vùng.

Colombia mua cà phê của Brazil

Chín tháng đầu năm 2021, Colombia mua chừng 50 nghìn tấn cà phê của Brazil, tăng 90% so với năm trước đó. Hiệp hội cà phê Colombia cho biết nhập khẩu cà phê từ Brazil tăng do sản lượng cà phê năm nay của họ giảm và nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh sản lượng cà phê một số nước

Tại đợt điều chỉnh số liệu khảo sát mới nhất trong tháng 11/21, USDA đã thay đổi con số sản lượng cà phê niên vụ mới của một vài nước gồm như sau: tăng gồm Việt nam từ 30,83 lên 31,10 triệu bao, Ấn Độ từ 5,41 lên 5,53 triệu; giảm có Colombia từ 14,10 xuống 13,40 triệu, Indonesia từ 10,63 xuống 10,58 triệu bao. Như vậy, tính đến lần cập nhật này, sản lượng cà phê thế giới còn 164,48 triệu bao, giảm 0,22% so với lần ước đoán trước là 164,84 triệu bao và lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu vẫn giữ nguyên là 164,97 triệu bao.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn tiếp tục giảm

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc hai sàn tiếp tục đà giảm: sàn arabica đạt 106.514 tấn so với 107.750 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm xuống còn 112.360 tấn so với tuần trước là 114.030 tấn.

Giá cả

Giá cà phê arabica tuần qua tăng lên mức cao nhất tính từ chục năm trở lại. Như vậy, có thể nói rằng cả hai sàn cà phê đã chiếm lĩnh được đỉnh 10 năm. Nhưng các mức cao ấy chưa phải là đỉnh cao nhất cũ vì New York đã từng đạt 306.25 cts/lb (6.752 Usd/tấn) và London là 2.611 Usd/tấn. Giá cách biệt giữa 2 sàn arabica với robusta bấy giờ có lúc chạm gần 190 cts/lb và hiện nay có lúc chạm 135 cts/lb tức xu hướng mua robusta chất lượng cao bắt đầu xuất hiện để thay thế cho arabica vốn được cho là đắt đỏ.

Giá cà phê trên 2 sàn tính cả tuần có kết qua nghịch chiều, New York tăng mạnh nhưng London giảm, gồm như sau:

London chốt tại 2.245 Usd/tấn giảm 32 Usd trong biên độ dao động 2.313/2.184.

Giá arabica New York tăng 11.45 cts/lb hay 252 Usd/tấn với biên độ cao/hấp nhất 239.55/211.65 cts/lb.

Chỉ số DXY vượt 96 điểm trong khi giá trị đồng Reais trong cặp tỷ giá UsdBrl giảm xuống 5,61 Brl ăn 1 Usd.

Vị thế kinh doanh của giới đầu tư tài chính trên 2 sàn đều dư mua: London 32.738 hợp đồng và New York 55.284 hợp đồng hay 942.040 tấn.

Giá cước vận tải biển: Cước tàu đã gây khó chịu cho các nhà bán lẻ và người sản xuất trong suốt năm 2021. Giá cước tăng không dễ quay đầu mà có thể “mất hơn hai năm để trở lại mức bình thường” nhìn theo chu kỳ thị trường cước tàu biển đã xảy ra trong quá khứ (Bloomberg).

Chỉ số vận tải biển hàng khô đã giảm mạnh trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, nhịp độ thuê containers cho hàng đi xuyên Thái Bình Dương vẫn cho thấy nhu cầu mua chỗ vẫn mạnh, 300% cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ trong tuần dao động trong vùng 41.5-42,8 triệu đồng/tấn, về cuối tuần quanh khu vực 42,2-42,5 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2 như đã nói dao động trong vùng trừ 300 đến trừ 330 Usd/tấn Fob dưới giá niêm yết tháng 03/22 London. Đã xuất hiện một số hợp đồng bán giao tháng 12/21 trở đi.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 22-26/11/2021: Thấy tích cực nếu vin vào các yếu tố bên ngoài để xét kỹ thuật

Rủi ro giá xuống trong tuần trước là có thực như trong bài nhận định gần nhất của NCIF ngày 15/11 đã trình bày. Giá lên đỉnh 2.313, nhưng sau khi cố thử lại cũng chỉ đạt 2.303 rồi rớt xuống đáy cực sâu 2.184.

Cũng từ đáy ấy, trong phiên cuối tuần trước, qua được 2.223 giá đã phục hồi để lên đóng cửa tại 2.245 sau khi chạm đỉnh trong ngày là 2.268.

Đứng tại vị trí hiện nay, nhìn theo đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh, có thể thấy rằng:

Tính theo Fibonacci xuất phát từ 0,00% là 1.300, đạt 2.245 là đã thỏa hoàn toàn tỷ lệ 138,2% (2.240). Xu hướng tăng lại đang manh nha dù London phải đi lại từ đầu.

Trước tiên London phải đóng cửa trên 2.270 để chứng tỏ có lực mua, vùng kháng cự cực mạnh phía trên đó từ 2.275-2.278 trở thành một trở lực cho hướng tăng nếu không vượt qua khỏi đó.

2.278 là nút tiên quyết để London bật lên 2.313 và sẽ tìm cách 2.321 tức 150,00%.

Hướng xuống sẽ xuất hiện nếu như đầu tuần London không giữ được mức đóng cửa hiện tại 2.245/2.242. Giá có thể yếu dần khi sàn này không giữ được 2.239/2.228 (MA 10 và 20).

Mất 2.200 thì khả năng xuống lại đáy cũ, thậm chí về 2.165.

Lượng hợp đồng dư mua hai sàn nay vẫn còn lớn. Tâm lý thị trường đang bất lợi đối với bên bán. Tuy nhiên, kỳ vọng một thị trường sắp có các khoản tiền lớn và thời gian dự đoán nâng lãi suất khá xa là những thuận lợi cơ bản hơn.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Thử bàn một số tâm lý thị trường đầu mùa mới.  

Không ai còn ngạc nhiên khi giá một bao phân đạm bán lẻ hiện nay tại nhiều nơi sản xuất lên đến 1 triệu đồng/50 kg bao, không phải tăng 80% nữa mà tăng gấp hơn 3 lần so với trước khi xảy ra đại dịch, các loại phân bón khác cũng đều tăng gấp nhiều gần bằng hay hơn như thế, giá xăng dầu cũng tăng mạnh, công lao động thu hái tăng gấp đôi gấp ba…Cái đáng ngạc nhiên nhất là giá đầu vào sản xuất tăng gấp nhiều lần nhưng giá cà phê nguyên liệu cứ nghểnh ngãng, dù tăng nhưng rất keo kiệt.

Một đợt khảo sát nhanh tại Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng) vào đầu tuần trước cho thấy hiện nhiều vườn vẫn chưa thu hái do thiếu lao động dù tiền công trả rất cao. Tại nhiều nơi, tỷ lệ trái chín nhiều nhưng vẫn nằm chín đến khô trên cành vì những biện pháp ngăn cách chống dịch và một số yếu tố thị trường khác như thiếu người mua, nhà vườn chưa bằng lòng lắm với giá mua của các đại lý thu mua và các nhà xuất khẩu.

Sau gần 2 năm chìm trong đại dịch, thị trường cho rằng người bán chắc chắn phải bán. Cho nên, tâm lý người mua vẫn muốn chờ đợi một áp lực bán mạnh từ phía nông dân do nhiều gia đình nông thôn đã cạn tiền chi tiêu và không còn lực tài chính để giữ hàng tránh bán hại giá thị trường. Ngược lại, một số nhà xuất khẩu không thể mua mạnh vì thiếu hợp đồng lớn và giao xa cũng như khâu tín dụng đang ngặt nghèo. Còn nhà nhập khẩu lại đang mất phương hướng với giá cước tàu vì hết nay đến mai đe dọa tăng giá cước.

Một hướng bán đã từng thịnh hành từ mấy năm trước, nay có vẻ quay trở lại dù rủi ro cho nhà vườn rất cao đó là gởi kho và ứng tiền trước. Tuy nhiên, hàng bán kiểu này lại sẽ bị chặt đầu chặt đuôi như khi giá thị trường 42,5 triệu đồng thì hàng gởi kho chỉ được bán nếu chấp nhận giá 41,5-41,7 triệu đồng/tấn. Cách làm giá của chủ kho là một hình thức cột chặt nông dân và người buôn bán nhỏ vào với mình theo giá chính chủ kho định đoạt chỉ vì thiếu vốn, thiếu tiền mặt để tái đầu tư. Trong khi đó, các ngân hàng trong nước và hiệp hội ngành hàng chưa tìm ra cách nào để giúp nông dân bán hàng gởi kho có tạm ứng nhằm tránh tình trạng ép giá như trên sau hai năm họ đã quá khốn khổ vì dịch bệnh và giá thị trường trong nước.

Khi nhà vườn rất bị động với vụ mùa mới, thiết nghĩ các ngân hàng và hiệp hội ngành hàng nhanh chóng can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ tài chính giúp nông dân cà phê tránh được những khó khăn đang thực sự điêu đứng ngay đầu mùa khi vừa bước vào thời “bình thường mới”.

——————————————————–

(1)Tổng thống Joe Biden ký thông qua luật đầu tư cho hạ tầng trị giá 1.200 tỉ đô la, Khánh Lan, KTSG Online 17/11/21

Hits: 93