Diễn biến thị trường cà phê tuần trước: Giá tăng nhờ hy vọng tiêu thụ cà phê chuyển biến tích cực
Thị trường tài chính thế giới lấy lại hứng khởi khi gói giải cứu lớn nhất lịch sử Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ Usd đã được Tổng thống Joe Biden ký thành luật cuối tuần trước. Trong số tiền ấy, ngoài chi thẳng cho người dân, chính phủ Mỹ sẽ trích ra một khoản để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng do dịch Covid-19 gồm hàng quán, doanh nghiệp nhỏ và nhà nông.
Ngân hàng trung ương EU (ECB) cũng cam kết tăng gói kích cầu với chương trình mua trái phiếu khẩn cấp vì đại dịch (PEPP), tổng giá trị từ đầu đến nay lên đến 1,85 nghìn tỷ Euro.
Giá chỉ số chứng khoán Mỹ tuần qua như DJ và S&P500 đóng cửa tăng mức lịch sử. Chỉ số CRB dựa trên giá giao dịch của 19 loại hàng hóa thương phẩm tăng lên mức cao nhất tính từ tháng 10/2018. Chỉ số rổ hàng hóa CRB được xây dựng trên các nhóm hàng hóa năng lượng (39%), kim loại quý/kim loại công nghiệp (20%) và nhóm hàng nông sản (41%) trong đó có cà phê.
Mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉnh tăng 5,6% trong năm nay, 1,4% cao hơn so với dự báo tháng 12/2020. Lý do đưa ra là nhờ việc các nước triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cùng gói tài chính giải cứu 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ. OECD dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, cao hơn 3,3% so với dự báo trước nhờ gói tài chính này. Cơ quan này cũng dự báo nền kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro sẽ tăng trưởng ít hơn vì chiến dịch tiêm chủng ở các nước tại đó có phần chậm, chỉ 3,9%.
Chỉ số vận tải biển hàng khô Baltic (BDI) tăng lên mức cao nhất tính từ tháng 09/2020 chốt tại 1.970 điểm sau khi giảm sâu dưới 400 điểm vào giữa năm ngoái ở thời điểm giữa tâm dịch (hình 1-bên trái). BDI là chỉ số của sàn giao dịch vận tải biển hàng khô tại London. Số điểm giao dịch hàng ngày dựa trên giá cước các loại hàng khô như quặng kim thép, than đá, ngũ cốc và một số hàng hóa khô khác. BDI càng cao, cước vận tải càng mắc, ảnh hưởng không tốt đến giá bán cà phê của các nước xuất khẩu.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Xuất khẩu cà phê hai nước sản xuất lớn nhất
Hiệp hội Xuất khẩu cà phê (Cecafé) Brazil cho biết trong tháng 02/2021, nước này xuất khẩu 2,68 triệu bao arabica tăng 8,50% và 312.290 bao robusta tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Tính theo niên vụ riêng của Brazil trong 8 tháng đầu năm kinh doanh bắt đầu từ 07/2020, Brazil xuất khẩu tất cả 28,35 triệu bao tăng 28,45%.
Giá tham khảo cà phê Brazil cuối tháng 02/2021: Robusta loại thường 1.383 Usd/tấn, arabica chế biến khô 2.090 Usd/tấn, arabca chế biến ướt 2.327 Usd/tấn. Giá trên sàn giao dịch phái sinh BM&F cho arabica cơ sở tháng 05/2021 là 2.596 Usd/tấn
Cũng cùng kỳ, Việt nam xuất khẩu chỉ đạt 2,05 triệu bao giảm 23,50%. Như vậy, 2 tháng đầu 2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 4,72 triệu bao giảm 14,70% với tổng kim ngạch chỉ đạt 496 triệu Usd giảm 11,50% so với cùng kỳ 2020 (Tổng cục Hải quan).
Brazil: “Amazon Robustas”
Tài liệu nội bộ ngành cà phê Brazil cho biết cà phê trồng tại vùng rừng Amazon, “lá phổi thế giới”, chủ yếu tập trung chế biến cà phê robusta đặc sản. Năm nay 83% của 2 triệu bao riêng tại vùng Matas de Rondônia được chế biến thành robusta đặc sản để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Chính sách tín dụng cho ngành cà phê tại Brazil
Ngân hàng trung ương Brazil cho biết sẽ cấp 2,1 tỷ Usd cho ngành nông nghiệp với lãi suất thấp gồm 2,75% cho nông trại tầm nhỏ và 4% cho nông dân tầm trung. Đến nay đã xuất toán 1,4 tỷ Usd và xuất tiền cho vay chậm nhất đến đầu tháng 04/2021. Nguồn tín dụng nông nghiệp Brazil đến nay đã tăng gấp 4 lần và dự kiến đến cuối 2022, ngân hàng này sẽ cho vay có thể lên đến 6,9 tỷ Usd. Ước khối lượng cà phê chế biến chất lượng cao hơn cà phê thương mại thông thường của Brazil hàng năm hiện nay chừng 20%.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này đều tăng: sàn arabica New York là 110.215 tấn so với tuần trước là 107.857 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 143.640 tấn so với tuần trước là 144.960 tấn, đây là lần báo cáo thứ 2 có lượng giảm trên sàn này tuy rất nhẹ.
Giá cả
Gói tài chính kích cầu của các nước giàu và chương trình tiêm vắc-xin chống Covid-19 đã giúp giá cà phê tăng trở lại. Đồng nội tệ Reais Brazil mạnh trở lại cũng hỗ trợ cho đợt tăng vừa qua.
Kết quả sau một tuần tính đến 12/03/2021, giá phái sinh hai sàn cà phê như sau:
-Robusta London tăng 22 Usd/tấn chốt tại 1.403 với biên độ dao động cao/thấp nhất là 1.425/1.330 Usd/tấn.
-Arabica New York tăng 4.15 cts/lb hay 91,5 Usd/tấn lên mức 133 cts/lb trong biên độ dao động 133.45/126.60 cts/lb.
Trên thị trường hàng thực trong nước, giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ dao động từ 32,7 đến 33,7 triệu đồng/tấn, đến cuối tuần trước quanh mức 33 triệu đồng/tấn. Giá phái sinh robusta tăng nhưng dưới kỳ vọng. Chính vì vậy, mua bán trong nước không mạnh.
Giá chào xuất khẩu cùng loại bên mua +20 Usd/tấn FOB nhưng bên bán +50 Usd/tấn cao hơn giá niêm yết tháng 05/2021 của sàn London.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 15-20/03/2021: Theo kênh tăng sau một đợt hoạt động tích lũy
Từ mức đóng cửa gần nhất 1.403 Usd/tấn với biên độ 1.425/1.330, dựa trên đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có thể thấy như sau:
-Sau khi lập đỉnh cao nhất 1.484 lập ngày 26/02/2021, giá phái sinh robusta chỉnh xuống mạnh chạm đáy 1.330 tuần trước. Nhưng từ đó, London vượt qua khỏi mức tâm lý quan trọng 1.400 để chạm 1.425 và hoạt động tích lũy trong 3 ngày giao dịch gần đây trong biên độ 1.425/1.395.
-Tuy bất ngờ chạy xuống đáy 1.330 do lượng hợp đồng dư mua hàng giấy quá lớn của các quỹ đầu tư tài chính, London nhanh chóng vượt khỏi 1.400 sau khi thanh lý hơn 8 nghìn hợp đồng dư mua.
-Vùng giao dịch tích lũy được xác lập trong tuần trước trong biên độ +/-30 Usd cụ thể là 1.425/1.395.
-Nhưng đường kẽ từ đáy 1.220 lập trong tháng 05/2020 cho thấy London vẫn theo kênh tăng vì đáy sau cao hơn đáy lập trước.
-Nhìn đường dài, nếu qua khỏi 1.425, giá có cơ hội phục hồi mạnh. Nhưng nếu mất 1.395, London trở nên yếu. Trong tuần này, một khi London có giá đóng cửa vượt đỉnh và đáy tuần trước, có thể còn đi thêm 40 Usd/tấn cho đường tăng hay giảm. Tuy nằm tại mức 1.403, thấy khả năng tăng khá rủi ro, nhưng London vẫn thiên về hoạt động tích lũy theo hướng tăng. Nếu vậy, nó phải thực sự nằm trên mức 1.400 mới lấy cơ hội đi lên.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Cơ hội tăng nhiều hơn?
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ vẫn nằm rất vững trên 33 triệu đồng/tấn đến đầu tuần này. Lý do là các nhà xuất khẩu đã chốt một lượng khá lớn các hợp đồng giao kho ở các mức 1.450 trở lên khi giá chạy lên 1.484 cuối tháng 02/2021.
Nói London tăng nhưng dưới kỳ vọng chính vì lý do đó. Cũng do vậy, lượng mua bán trao tay trên thị trường hàng thực không mạnh trong tuần qua.
Thị trường cà phê trong nước có thể nhộn nhịp trở lại khi giá qua khỏi 1.425 để tăng cao hơn. Các mức thách thức cho hướng tăng là 1.413/1.430/1.444/1.458 và hướng giảm là 1.399/1.384 (xem thêm đồ thị).
Brazil đã bán ra mạnh với lượng robusta tháng 02/2021 tăng 42% nay đang tạm thời khựng lại. Giữa lúc đồng Brl tăng phục hồi, có lẽ lực bán từ nước xuất khẩu robusta lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam không còn mạnh cho đến đầu tháng 04/2021 khi robusta vào mùa thu hái. Trong lúc đó, lượng xuất khẩu cùng kỳ của Việt Nam giảm 23,50%.
Mặt khác, lượng tồn kho đạt chuẩn robusta đang giảm nhẹ lần thứ hai liên tiếp theo báo cáo. Như vậy, xét trên giá kỳ vọng của các nhà xuất khẩu Việt Nam và lực bán của Brazil, giá London khó xuống sâu hơn 1.330. Giá thị trường nội địa có lẽ sẽ chòng chành trong mức 33 triệu và đi lên 34 triệu đồng/tấn trong những ngày tới.
Nguyễn Quang Bình
Hits: 74
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.