Nhận định giá cà phê thế giới từ 14-19/02/2022: Ý nghĩa đột phá của những chuyến hàng cà phê chở bằng tàu rời

Tàu thủy trên sông Sài Gòn - Ảnh NQB

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Dòng vốn dồn về các sàn hàng hóa thương phẩm?

Thu hồi tiền xuất ra gồm 120 tỷ Usd/tháng cho chương trình kích cầu để chặn đường suy thoái kinh tế do dịch Covid-19 và tăng lãi suất cơ bản đồng Usd của Mỹ càng trở nên thúc bách khi tỷ lệ lạm phát Mỹ tính đến hết tháng 01/2022 tăng 7,5%, mức cao nhất tính từ 1982. Nhiều cựu quan chức và chuyên gia kinh tế tài chính Mỹ cùng lên tiếng và hối thúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần nhanh chóng phản ứng để đưa tỷ lệ lạm phát Mỹ về 3% trong năm nay đã tạo nên tâm lý ôm tiền mặt hay chuyển dòng vốn đi nơi khác trong giới đầu tư.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Thống đốc ngân hàng EU (ECB) cũng bắn tiếng sẽ tăng lãi suất trong thời gian phù hợp nhưng thị trường tin nếu như chương trình kích cầu của vùng eurozone khép lại trong tháng 03/2022, thì quyết định tăng lãi suất của ECB sẽ đi liền theo.

Thêm và đó, căng thẳng giữa Nga-Ucraina làm nóng ruột thêm giới đầu tư tại các nước phương Tây.

Các sàn hàng hóa thương phẩm vội vàng cấy yếu tố làm phát vào trong giá. Nên sau một tuần hiệu suất đầu tư trên các sàn này đều tăng như kim loại vàng tăng 2,91%, dầu thô WTI tăng 1,75%, ngô (bắp) tăng 4,77%, ca cao tăng 5,38%, cà phê arabica tăng 5,38%, robusta tăng 2,51%…Như vậy, có thể hiểu rằng vốn giảm cả tuần qua tại thị trường cổ phiếu như DJ giảm 1%, S&P500 giảm 1,8% và Nasdaq giảm 2,2% đã phần nào chuyển sang các sàn hàng hóa thương phẩm.

Các sàn cà phê càng được kích hoạt với hàng loạt tin rằng nhiều nhà kinh doanh quốc tế thuê tàu rời chở hàng sang Châu Âu do giá cước vận tải biển bằng container còn cao chất ngất. Nghe rằng giá cước tàu rời chỉ bằng một nửa so với hàng đi bằng container, nên khả năng họ đưa hàng qua các kho thuộc sàn robusta London để lấy giấy chứng nhận đạt chuẩn là rất lớn.

Thị trường cà phê trong nước thực sự nhộn nhịp nhờ đợt phục hồi mạnh trong tuần đồng thời giá cước tàu rời mềm hơn cũng giúp các nhà kinh nhập khẩu dễ mua hơn với mức giá nông dân dễ chấp nhận hơn.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn tiếp tục giảm

Tính đến 10/02/22, tồn kho đạt chuẩn arabica còn 62.125 tấn so với 68.034 tấn, robusta xuống 90.250 tấn so với 92.440 tấn của bài nhận định tuần trước. Như vậy, tồn kho đạt chuẩn trên 2 sàn đều giảm sâu, New York ở mức thấp nhất tính từ 22 năm và London thấp nhất gần 40 tuần.

Tổ chức Cà phê thế giới (ICO)

Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) ước lượng cà phê thặng dư niên vụ 2020-2021 giảm từ 2,41 triệu 60 kg bao xuống còn 1,2 triệu bao. Lý do chính được nêu là do tình trạng thiếu container rỗng và thời tiết bất lợi tại một số nước sản xuất.

Vanusia Nogueria, gốc Brazil, trở thành nữ Tổng giám đốc điều hành đầu tiên của ICO thay cho ông José Dauster Sette, người đã lãnh nhận chức vụ này từ 2017. Vanusia Nogueria hiện tiếp tục lãnh đạo Hiệp hội Cà phê đặc sản Brazil. Cam kết của bà trong nhiệm kỳ là tạo cho được những thay đổi thực sự sinh kế nông dân cà phê. Như vậy, chủ trương theo hướng nâng cao giá trị hạt cà phê thông qua sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao và đặc sản sẽ là trọng tâm công tác của bà trong nhiệm kỳ mới. Không phải không có lý do để chọn người chuyên nghiệp trong sản xuất cà phê đặc sản vì cách kinh doanh cũ tồn tại hàng trăm năm nay đã làm thực tế đời sống và sinh kế của nông dân cà phê cách xa dần với thị trường và giá cả.

Brazil

Một báo cáo về thị trường xuất khẩu cà phê Brazil năm 2021 cho biết 5 nước tiêu thụ cà phê nhiều nhất đã nhập khẩu nhiều cà phê Brazil. Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc nay trong nhóm 10 nước tiêu thụ nhiều cà phê nhất thế giới. Nếu như 5 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng trong tiêu thụ cà phê toàn cầu là 10% thì Trung Quốc tăng 45%.

Brazil bán chừng cà phê hòa tan tương đương với 4,09 triệu bao cà phê nhân đến 98 quốc gia trong năm 2021, mức cao kỷ lục thu về 566,2 triệu Usd, tăng 6,1% về giá trị. Tiêu thụ cà phê hòa tan trong nước Brazil cũng tăng 5,9% so với 2020, đạt tương đương 985.300 bao cà phê nhân (ABICS – Hiệp hội cà phê hòa tan Brazil).

Giá cả

Giá cả thị trường

Hai sàn cà phê có thêm một tuần tăng giá thể hiện trên hiệu suất đầu tư của tháng giao dịch 05/2022-nay trở thành tháng chính.

-Sàn robusta cả tuần tăng 57 Usd hay +2,58%, trong biên độ cao/thấp nhất 2.286/2.200. Tuy nhiên tính từ đầu năm hiệu suất đầu tư vẫn còn âm 40 Usd hay -1,73%.

-Sàn arabica tăng 9.60 cts/lb với hiệu suất 3,96% trong biên độ dao động 260.45-242.45. Giá arabica đã vượt xa đỉnh cũ là 252.35 cts/lb lập cuối năm ngoái.

-Cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ từ mức 40,4 triệu đồng tuần trước lên gần 43 triệu đồng/tấn nhờ giá mua tính trên mức trừ lùi so với giá niêm yết sàn London co lại, từ trừ 450 Usd/tấn đầu tháng 01/22  lên trừ 350 Usd/tấn FOB. Tuy vậy, nếu so với giá tại vườn của Brazil, giá cà phê nguyên liệu tại Việt Nam thua xa. Vào ngày 31/01, giá robusta tại Brazil được giao dịch quanh mức 2.630 Usd/tấn, 260 Usd/tấn cao hơn, giá niêm yết sàn London cùng thời điểm là 2.370 Usd/tấn. Chính vì vậy, robusta Brazil rất sẵn sàng để bán một khi giá phái sinh tăng cao.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 14-18/02/2022: Vẫn tìm đường tăng, nhưng…

Giá robusta London tuần trước dao động nằm trọn trong biên độ 2.287 (161,8%) và 2.159 (138,2%) theo phương pháp Fibonacci tính từ điểm xuất phát 0,0% là 1.407 như đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp.

Đóng cửa, London lựa mức 2.270 nằm ngay dưới MA50 tại 2.271. Vùng 2.169-2.271 nay trở thành trục để London chọn hướng.

Nếu chọn hướng tăng, dứt khoát London phải qua 2.287. Một lúc nào đó trong tuần khi London đóng cửa nằm trên mức đó thì hướng tăng còn tốt để chạy lên đến trên 2.320.

Còn nếu theo hướng giảm, chỉ cần London trượt xuống khỏi khu vực này, giá xoay về 2.250. Giả sử như trượt khỏi 2.229 thì đấy là dấu hiệu cho biết các điểm tích cực tích tụ từ đầu tháng đến nay sẽ bị hóa giải.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: “Không mợ, chợ vẫn đông”

Nhu cầu mua hàng luôn luôn hiện hữu miễn là người mua tìm được đầu ra. Biện pháp ngăn Covid-19 với chủ trương “zero Covid” và phong tỏa đã tạo ra nhiều hệ lụy đáng trách. Chính cách giải quyết cực đoan trong phòng ngừa chống Covid-19 này là tên tội đồ gây nên khủng hoảng thiếu container, thiếu nhân lực  nhân công tại các cảng và kho bãi, thiếu tài xế và xe tải…để các nhà máy chế biến phải đóng cửa và kể cả hàng hóa ùn ứ tại các cảng, các siêu thị và công ty phân phối không có người giao hàng.

Người trên thị trường cà phê vỡ òa khi phá được “ụ cản” do khủng hoảng logistics tạo nên, đã trao cơ hội vàng cho các hãng tàu container tăng giá cước, hàng hóa tiếp tục ùn tắc và châm thêm lửa cho lạm phát. Nhiều hãng kinh doanh cà phê, kể cả các kho thuộc sàn London đã xóa bỏ các định kiến về đóng gói bao bì (packing), chấp nhận bao “big bag” chứa 1 tấn/bao thay vì bao đay 60 kg/bao để đưa hàng đi trên các chuyến tàu rời (break bulk).

Nhìn qua tưởng vấn đề là đơn giản! Nhưng cú đột phá cho hàng quay lại với tàu rời (trước đây khi tàu container còn hiếm và thiếu) là một khởi động khơi thông lại mạch thị trường cứ tưởng như bị đông cục vì chính sách khắc khe của các biện pháp giãn cách xã hội. Cũng cần nói thêm rằng biện pháp giãn cách, phong tỏa là chẳng đặng đừng khi chưa có vắc-xin và tỷ lệ tiêm ngừa còn thấp. Một khi cộng đồng có tỷ lệ người được tiêm vắc-xin khá đủ, thì theo đuổi chính sách phong tỏa chỉ là tự hủy diệt hệ thống phân phối vốn rất quan trọng đối với một nền kinh tế và bản thân nền kinh tế của một địa phương và quốc gia.

Chính vì vậy, ta có thể thấy nếu một nước nhập khẩu hàng hóa nào đó, dù lớn hay nhỏ, áp dụng biện pháp giãn cách chặt vì chủ trương “zero-Covid”, thì không chỉ gây khó khăn cho dân tại vùng họ quản lý mà được xem như một cách vin vào dịch Covid-19 để phong tỏa hàng hóa của nước khác, một loại “hàng rào kỹ thuật” khôn khéo.

Bài học sản xuất và lưu thông phân phối được làm mới lại qua kinh nghiệm phản ứng với đại dịch của từng nước, từng địa phương.

Với ngành cà phê, qua những chuyến hàng đi khỏi lãnh thổ bằng tàu rời, dù lượng ít hay nhiều, đã giúp giá cà phê trong nước thăng hoa phần nào vì nếu như cà phê làm ra không xuất đi được do thiếu người mua. Giá cà phê nguyên liệu trong nước đã tăng lên khỏi mức đỉnh cũ 42 triệu đồng/tấn để lên tiệm cận 43 triệu đồng/tấn trong tuần trước dù giá sàn phái sinh vẫn còn 100 Usd mới đạt đến đỉnh cũ.

Sử dụng tàu rời để chở cà phê qua Châu Âu không chỉ khơi thông được dòng chảy hàng hóa của thị trường mà còn giúp giá cả trên thị trường nội địa tăng/giảm nhịp nhàng nhờ tồn kho được giải phóng.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 52